Đến năm 2025, phát triển Hà Nội thành đô thị xanh, thông minh, bền vững

07/12/2020 5:28 PM

(Chinhphu.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 18, HĐND Thành phố khóa XV, chiều 7/12, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND Thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết về phương hướng kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

* Hà Nội ‘chốt’ 23 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021

* Phối hợp giải quyết tốt các vụ án phức tạp được dư luận quan tâm

* Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp

* Lấy lại đà tăng trưởng, đẩy nhanh cơ cấu lại các ngành kinh tế

* Đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình giám sát

* Bảo đảm xét xử các vụ án hình sự đúng người, đúng tội

* HĐND Hà Nội kỳ họp 18: Kiện toàn chức danh Chủ tịch HĐND, các Phó Chủ tịch

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trình bày báo cáo tại Kỳ họp. Ảnh: Thùy Linh

Trình bày báo cáo của UBND Thành phố về nội dung này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, giai đoạn 2016-2020, GRDP của Hà Nội tăng 6,68%; quy mô GRDP năm 2020 ước đạt 1,024 triệu tỷ đồng, khoảng 43,5 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.250 USD, tăng 1,43 lần so với năm 2015 và gấp 1,9 lần bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 85,75% năm 2015 lên 86,1% năm 2020. Ngành du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, doanh thu tăng bình quân 12,1%. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 tăng 15 bậc, lên vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn liên tục tăng và vượt dự toán; lũy kế giai đoạn 2016-2020 ước đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 11,1%/năm và gấp 1,64 lần giai đoạn 2011-2015. Cơ cấu thu chuyển dịch tích cực khi tăng tỷ trọng thu nội địa và các khoản thu bền vững từ sản xuất kinh doanh, giảm dần các khoản thu liên quan đến đất đai, tài nguyên. Thành phố cũng điều hành chi chủ động, tiết kiệm, tỷ trọng chi thường xuyên giảm từ 58% năm 2015 xuống 51% năm 2020.

Huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016-2020 ước đạt 1,725 triệu tỷ đồng, gấp 1,65 lần giai đoạn trước. Các lĩnh vực xây dựng, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới được tập trung đầu tư. Thành phố hoàn thành trồng mới 1,6 triệu cây xanh; đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm. Đến cuối năm 2020, toàn Thành phố có 10 huyện và 368 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành trước 2 năm so với chỉ tiêu đề ra. Văn hóa - xã hội được quan tâm, an sinh xã hội được bảo đảm...

Về phương hướng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025, Hà Nội xác định đến năm 2025, mục tiêu tổng quát là xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa; GRDP đầu người đạt 8.300-8.500 USD. Thành phố cũng xác định 17 chỉ tiêu chủ yếu, như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP giai đoạn 2021-2025 từ 7,5%-8%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm khoảng 30%; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia từ 80%-85%; 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 40% xã nông thôn mới nâng cao, 20% xã nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ đô thị hóa 60%-62%; tỷ lệ hộ dân thành thị và nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 100%...

Đồng thời, xác định 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá, 11 kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực. Dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025 khoảng 1,4 triệu tỷ đồng, trong đó, thu nội địa trên 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm trên 90% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Tổng chi ngân sách địa phương dự kiến khoảng 613,7 nghìn tỷ đồng, phấn đấu đến năm 2025, chi thường xuyên ở mức khoảng 50% tổng chi ngân sách.

Để bảo đảm GRDP giai đoạn 2021-2025 tăng 7,5% đến 8%, Hà Nội dự kiến tổng vốn đầu tư xã hội cần huy động khoảng 3,1 triệu tỷ đồng đến 3,2 triệu tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư khu vực nhà nước khoảng 30%-31%, vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước khoảng 53%-54% và vốn đầu tư nước ngoài khoảng 15%-17%. Cơ cấu sử dụng đất thay đổi theo hướng giảm diện tích đất nông nghiệp.

Dự kiến đến năm 2025, diện tích đất nông nghiệp còn khoảng 165 nghìn hecta, chiếm 49,1% tổng diện tích đất tự nhiên. Thành phố cũng chuyển khoảng 1/3 diện tích đất trồng lúa (30 nghìn hecta) sang các hình thức sử dụng hiệu quả hơn; thực hiện đấu giá khoảng 2 nghìn đến 3 nghìn hecta tạo nguồn vốn đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng khung, hạ tầng đồng bộ các khu đô thị vệ tinh.

Gia Huy-Thùy Linh

Top