Đền Và – Ngôi đền linh thiêng xứ Đoài

22/02/2024 4:09 PM

(Chinhphu.vn) - Xứ Đoài (Sơn Tây, Hà Nội) - vùng đất cổ của Việt Nam là nơi tọa lạc của “tứ cung” từ những năm đầu Công Nguyên. Một trong tứ cung đó là Đền Và hay còn được gọi là Đông Cung (một trong số 4 cung thờ Thánh Tản - Sơn Tinh hiện còn nguyên vẹn). Nơi đây được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia vào năm 1964.

Đền Và – Ngôi đền linh thiêng xứ Đoài- Ảnh 1.

Khu vực Nhà tiền tế Đền Và. Ảnh: VGP/Bích Phương

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 50km, Đền Và tọa lạc ở thôn Vân Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Đền nằm trên đồi và được bao quanh bởi một rừng cây lim cổ thụ cùng những cánh đồng, có không khí trong lành và tươi mát quanh năm. Di tích này có quy mô lớn nhất trong gần 200 di tích lịch sử ở thôn Đoài. Đây là nơi thờ thần núi Tản Viên trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam - một trong bốn vị thánh bất tử của dân tộc Việt (cùng với Chử Đồng Tử, Thánh Gióng, Mẫu Liễu Hạnh).

Đền Và còn gọi là Đông Cung trong hệ thống tứ cung của xứ Đoài (Bắc Cung thuộc xã Tam Hồng, huyện Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc; Nam Cung thuộc xã Tản Lĩnh, Tây Cung thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội) thờ thần núi Tản Viên, vị thần đứng đầu trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Theo truyền thuyết, sau khi giúp dân khai sơn, trị thủy, Đức Thánh Tản Viên thường du ngoạn bốn phương, hỏi thăm dân tình. Một lần Ngài nhằm hướng mặt trời mọc đi đến quả đồi thấp ven dòng sông Tích. Thấy đây là nơi thắng địa, Ngài dừng chân nghỉ ngơi vừa lúc trên trời xuất hiện đám mây ngũ sắc từ phía núi Ba Vì bay tới kịp che mát một vùng. Ngài cho đó là điềm lành, bèn cho lập tại chỗ một hành cung đặt tên là Vân Già đông thần cung. Nơi ấy nay là Đền Và. Dân sở tại, dựa vào sự tích đám mây lành (chữ Hán là Vân già) xuất hiện trên bầu trời quê mình mà đặt tên là làng Vân Gia. 

Đền Và – Ngôi đền linh thiêng xứ Đoài- Ảnh 2.

Nghi môn Đền Và. Ảnh: VGP/Bích Phương

Từ đó, dân làng làm ăn phát đạt, càng chăm sóc việc hương khói thờ phụng Thánh Tản. Văn bia Vân Già đông thần cung dựng ở đầu hồi nhà tiền bái được làm năm Tự Đức thứ 36 (1884) còn ghi lại sự kiện này.

Ngôi đền có diện tích khá rộng lên đến 2.000m2, nằm trong quần thể có khuôn viên rộng lớn 8.000m2; được xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc" vì vậy Đền Và là nơi thờ chính. Đền Thượng, đền Hạ, đền Trung vẫn là thờ vọng.

Đền Và bên trong cùng là thờ Tam vị Tản Viên Sơn và gian hậu cung là thờ Đức Quốc Mẫu bà Đen-thân mẫu Thánh Tản Viên; sau đó đến Ban công đồng, Ban tứ trụ triều đình và các quan. Ngoài cùng là các vị quan văn, quan võ cùng các quan khác; mang ý nghĩa thể hiện như một đất nước thời xưa. Chỉ duy nhất ở đền Và là thể hiện điều này qua kiến trúc "nội công, ngoại quốc".

Đền Và được xây dựng mang đậm bản sắc kiến trúc phương Đông, chung quanh là tường đá ong rêu phong. Bên cạnh đền là những công trình kiến trúc nổi bật không kém như Nghi Môn, lầu Cô Chín, sân Long hoá, Gác Chuông, Gác Trống, Tả - Hữu mạc, Tiền Tế, Thượng Điện, Hậu Cung, nhà kho, nhà kiệu. Những công trình này đều được xây dựng từ các nguyên liệu quý hiếm như gỗ lim, gạch đá ong, gạch Bát Tràng, ngói mũi ri,...rất độc đáo.

Đền Và – Ngôi đền linh thiêng xứ Đoài- Ảnh 3.

Gác chuông Đền Và. Ảnh: VGP/Bích Phương

Các hạng mục gác chuông, gác trống được làm theo kiểu chồng diêm, hai tầng tám mái với các góc đao cong thanh thoát. Tám mái phỏng theo gác trống, gác chuông chùa Thầy và có dáng dấp của Khuê Văn Các trong Quốc Tử Giám. Đại bái và hậu cung đều có 5 gian, thông gian giữa bằng ống muống...

Ngoài ra, bên trong đền còn trang trí bằng những đồ vật giá trị như bộ tứ linh (long, lân, quy, phụng), tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) và các bức khảm, bức chạm bong, chạm nổi,... được thực hiện bởi những nghệ nhân khéo tay nhất thôn Đoài.

Theo Ban Quản lý di tích, Đền Và qua các triều đại Lý, Trần và các đời vua triều Nguyễn là Minh Mạng, Tự Đức, Thành Thái đều được sửa chữa. Đặc biệt là đời vua Duy Tân (năm 1907), đền được trùng tu quy mô như ngày nay. Hiện, trong đền lưu giữ nhiều di vật quý, gồm 18 đạo sắc phong, 18 bức hoành phi, 2 bia đá, 3 chuông đồng, 4 biển gỗ, 5 bản thần tích, 47 câu đối được viết trên vách, cột, trên gỗ và trong ngọc phả, 6 pho tượng cổ.

Di sản kiến trúc Đền Và tuy có niên đại muộn nhưng đã kế thừa di sản kiến trúc cổ và phát triển lên một bước mới, thể hiện ở kiến trúc phong cảnh, vật liệu xây cất và tính hiệu quả, thiết thực của toàn bộ công trình.

Nói đến Đền Và thì thật thiếu sót nếu không nhắc đến Lễ hội Đền Và-Nét đẹp văn hóa tâm linh xứ Đoài. Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, xứ Đoài có hơn 200 điểm di tích thờ Đức Thánh gắn với các lễ hội đặc sắc. Trong đó lễ hội Đền Và ở thị xã Sơn Tây là lễ hội lớn nhất trong vùng, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.

Đền Và – Ngôi đền linh thiêng xứ Đoài- Ảnh 4.

Năm 2024, lễ hội Đền Và sẽ diễn ra từ ngày 23/2 đến ngày 26/2/2024 (tức từ ngày 14 tháng Giêng đến ngày 17 tháng Giêng âm lịch). Ảnh: VGP/Bích Phương

Lễ hội vẫn giữ nguyên phong tục cổ truyền với nghi lễ rước Đức thánh Tản qua sông Hồng sang đền Ngự Dội ở thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) và quay trở về đền Và. Đoàn rước có 3 cỗ kiệu chính và những kiệu lễ, lọng, có múa lân, múa rồng, cờ các loại, đội nhạc, đội tế... Sau phần lễ, du khách đi hội đền Và có thể tham gia các trò chơi dân gian hấp dẫn ở khu đồi Lim cạnh đền như cờ tướng, cờ người, kéo co, chọi gà, nấu cơm thi, đánh đu...

Năm nay, Đền Và tổ chức lễ hội thường niên, không vào kì chính hội. Tuy nhiên, từ đầu Tết Nguyên đán 2024 đến nay, lượng du khách khắp nơi đổ về Đền Và đi lễ tương đối đông. Để lễ hội diễn ra an toàn, đúng quy định, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của các tầng lớp nhân dân, Đảng ủy – UBND phường Trung Hưng và đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý và tổ chức lễ hội; thành lập Ban Tổ chức lễ hội Đền Và, xây dựng kịch bản, nội dung, chương trình cụ thể bảo đảm hài hòa cả phần lễ và phần hội; chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh khi tổ chức và tham gia các hoạt động lễ hội; bảo tồn và phát huy giá trị giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của lễ hội Đền Và.

Mỗi năm lễ hội Đền Và được tổ chức hai lần, gồm lễ tháng Giêng, từ ngày 14 đến 17 tháng Giêng và lễ hội Đả ngư vào ngày 15/9 (âm lịch). Trong đó, lễ hội tháng Giêng được tổ chức long trọng. Năm 2024, lễ hội Đền Và sẽ diễn ra từ ngày 23/2 đến ngày 26/2/2024 (tức từ ngày 14 tháng Giêng đến ngày 17 tháng Giêng âm lịch).

Từ ngày 22-25/2/2024, Hội chợ Xúc tiến quảng bá sản phẩm nông sản OCOP gắn kết quảng bá du lịch địa phương được Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức tại khu vực cổng Đền Và (phường Trung Hưng, Thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội). Lãnh đạo địa phương cho biết, đây là lần đầu tiên một hội chợ được tổ chức tại khu vực Đền Và. Qua đó mong muốn, Thành phố sẽ có nhiều chương trình hơn nữa để địa phương có cơ hội quảng bá sản phẩm cũng như thúc đẩy du lịch văn hóa địa phương, trong đó có di tích Đền Và.

Diệu Anh

Top