Di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi nội đô: Cần đẩy nhanh hơn nữa
(Chinhphu.vn) - Dù đã có nhiều chủ trương, chính sách nhưng đến nay việc di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm hoặc không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu dân cư trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn đang chậm so với yêu cầu. Ðiều này đã và đang gây ra nhiều áp lực về môi trường, hạ tầng đô thị khu vực trung tâm Hà Nội.
Nhiều dự án chậm di dời
Công ty cổ phần Xây lắp và Cơ khí cầu đường đóng tại phường Văn Chương, quận Ðống Ða là một trong 14 đơn vị cần phải di dời. Hơn 10 năm qua, công ty có diện tích hơn 1.300m2 luôn trong tình trạng "đi không được, ở cũng không xong" do thuộc diện di dời của dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội, nhưng dự án lại bị chậm triển khai.
Tại buổi khảo sát của Ban Ðô thị HĐND Thành phố, đại diện Công ty cổ phần Xây lắp và Cơ khí cầu đường bày tỏ, công ty muốn dự án đường sắt đô thị triển khai nhanh, hoặc thực hiện việc đền bù sớm để họ có nguồn kinh phí được chuyển đến nơi mới.
Ðó chỉ là một trong rất nhiều lý do khiến việc di dời các cơ sở ô nhiễm, không hợp quy hoạch ra khỏi nội đô Hà Nội đang bị chậm trễ.
Theo đánh giá của đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách di dời còn chậm do vướng mắc trong việc xác định đối tượng áp dụng và thẩm quyền phê duyệt danh mục đề xuất di dời. Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng một số chủ cơ sở cố tình chây ỳ, chậm triển khai việc di dời…
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, cho đến thời điểm này việc phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc cùng các quận kiểm tra và cập nhật hồ sơ đợt 1, với tổng 90 cơ sở phải di dời. Trong đó, có 81 cơ sở công nghiệp phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị dựa trên thẩm quyền phê duyệt danh mục của Thủ tướng, có lộ trình di dời đến năm 2030.
Đối với danh mục 9 cơ sở nhà, đất phải di dời theo Nghị quyết 17 là những cơ sở nằm tại các vị trí đắc địa, có thể kể đến như Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Công ty TNHH một thành viên In Báo Hà Nội Mới, Tổng kho Xăng dầu Đức Giang, Công ty In Báo Nhân Dân Hà Nội, Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Nông nghiệp, Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam..
Theo đó, các quỹ đất này sau khi di dời sẽ được thành phố sử dụng cho nhiều mục đích. Tổng kho Xăng dầu Đức Giang tại Đức Giang, Long Biên với diện tích hơn 159.000m², theo quy hoạch sẽ trở thành đất hỗn hợp gồm nhà ở, cây xanh, đất bãi đỗ xe, đất công cộng và đường quy hoạch; Nhà máy Bia Hà Nội tại số 183 Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) với hơn 52.000m², sẽ trở thành đất công cộng dành để xây trường THPT, nhà ở, bãi đỗ xe và trồng cây xanh…
Bên cạnh đó, 5 huyện có đề án thành lập quận(Gia Lâm, Ðông Anh, Ðan Phượng, Hoài Ðức, Thanh Trì), Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp danh mục 114 cơ sở nhà, đất có cơ sở công nghiệp đề xuất đưa vào mục di dời. Sở cho biết, sẽ cập nhật báo cáo ngay khi quyết định thành lập quận được đề ra theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Mặt khác, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đánh giá việc triển khai các chính sách liên quan đến nhiệm vụ di dời còn khó khăn trong khi xác định đối tượng và thẩm quyền phê duyệt di dời.
Cần cơ chế, chính sách đặc thù
Qua thực tế khảo sát của Ban Ðô thị, HĐND Thành phố Hà Nội cho thấy việc thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch còn hạn chế, chậm so với yêu cầu. Trước thực tế này, Ban Ðô thị, HĐND Thành phố kiến nghị UBND Thành phố khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác di dời; chỉ đạo các sở, ngành của Thành phố chủ động làm tốt hơn công tác tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích di dời các cơ sở gây ô nhiễm và không phù hợp quy hoạch.
Trong đó bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp. Riêng đối với các cơ sở không phù hợp quy hoạch, thành phố cần chỉ đạo liên ngành công bố công khai thông tin quy hoạch để đối tượng phải di dời biết và chủ động thực hiện.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch đô thị Việt Nam cho rằng, Hà Nội cần một cơ chế đặc thù là những ưu đãi, hỗ trợ về nguồn vốn để doanh nghiệp có khả năng xây dựng cơ sở mới, hoặc các chính sách phù hợp để doanh nghiệp liên kết với các đơn vị có chức năng xây dựng đô thị, thu hút nhà đầu tư nước ngoài triển khai.
Bên cạnh đó, cần phải có văn bản dưới luật để khẳng định sau khi di dời, doanh nghiệp cần giao lại khu đất tại cơ sở cũ cho Thành phố. Ngoài ra, tại Luật Đất đai sửa đổi trong thời gian tới cũng cần bổ sung các quy định về việc sử dụng quỹ đất công nghiệp trong nội đô rõ ràng hơn…
Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác di dời mà vẫn bảo đảm chặt chẽ, tránh khiếu nại của các doanh nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND Thành phố cho phép Sở chủ trì cùng các sở, ngành, 12 quận và năm huyện có đề án thành lập quận lập danh mục các cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp phải di dời do không phù hợp quy hoạch; đồng thời, đề xuất giao Sở Tài chính chủ trì, thực hiện việc lập phương án xử lý, hình thức xử lý nhà, đất tại vị trí cũ khi di dời theo quy định.
Trưởng Ban Ðô thị Hội đồng nhân dân thành phố Ðàm Văn Huân khẳng định, chủ trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch trên địa bàn Thành phố là vấn đề rất cấp thiết với Hà Nội.
Qua đó, không chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn tạo dư địa phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện những vấn đề liên quan đời sống dân sinh tốt hơn trên địa bàn Thủ đô…
Thành Nam