‘Địa chỉ đỏ’ khám phá trọn vẹn bản sắc các dân tộc
(Chinhphu.vn) - Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam hiện lên như một bức tranh đa sắc về văn hóa 54 dân tộc anh em. Không chỉ là nơi bảo tồn, gìn giữ giá trị truyền thống, nơi đây còn trở thành “địa chỉ đỏ” giúp học sinh, sinh viên trên khắp cả nước bước vào hành trình khám phá di sản dân tộc qua những trải nghiệm chân thực nhất.

Đông đảo các học sinh đến trải nghiệm văn hóa dân tộc. Ảnh: VGP/Minh Thúy
Một Việt Nam "thu nhỏ" giữa lòng Thủ đô
Chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng) đã tái hiện nguyên bản không gian sinh sống của các cộng đồng dân tộc trải dài từ Bắc chí Nam. Những nếp nhà sàn vững chãi của người Thái, nhà dài của người Ê Đê, nhà Rông cao vút của đồng bào Ba Na hay những mái trình tường của người H'Mông… tất cả được dựng lên bằng chính chất liệu, kỹ thuật truyền thống, mang đến một cảm giác chân thực như lạc vào từng vùng đất xa xôi trên dải đất hình chữ S.
Bước chân vào đây, học sinh không chỉ tham quan mà còn như ngược dòng thời gian, hòa mình vào nhịp sống của từng dân tộc. Những đôi mắt tròn xoe ngạc nhiên khi lần đầu bước vào một ngôi nhà dài hơn 20m của người Ê Đê, những bàn tay rụt rè nhưng háo hức chạm vào khung cửi của người Thái, hay ánh mắt thích thú khi thử ngồi bên bếp lửa của người Dao.
Cô Nguyễn Phương Thanh, giáo viên tiểu học tại Bắc Giang chia sẻ: "Kiến thức trên sách vở chỉ giúp các em hình dung, nhưng khi được tận mắt chứng kiến, bước đi trên nền nhà đất nện, chạm vào từng tấm thổ cẩm, nghe chính đồng bào kể chuyện về tổ tiên, văn hóa mới thực sự trở thành điều mà các em có thể cảm nhận bằng tất cả giác quan".
Khác với những điểm tham quan thông thường, Làng không chỉ trưng bày mà còn "sống" qua những hoạt động trải nghiệm phong phú. Tại đây, học sinh không phải là người đứng ngoài quan sát mà trở thành nhân vật chính, trực tiếp tham gia vào đời sống của các cộng đồng dân tộc.
Tại khu làng dân tộc Mông, các em được tự tay giã bánh dày, một món ăn quan trọng trong đời sống của người Mông, hay học cách sử dụng khèn – nhạc cụ truyền thống vang vọng giữa núi rừng Tây Bắc.
Ở làng người Chăm, những đôi tay bé nhỏ cẩn thận nặn từng đường nét trên gốm Bàu Trúc, một trong những dòng gốm cổ nhất Đông Nam Á. Còn tại khu làng Tây Nguyên, các em hứng thú thử bước đi chênh vênh trên đôi cà kheo hay hòa vào nhịp trống cồng chiêng rộn ràng.
Em Hoàng Ngọc Diệp, sinh viên năm 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền hào hứng kể: "Lần đầu tiên em được tự tay dệt vải, điều mà trước đây em chỉ thấy trên sách vở hay các video trên mạng xã hội. Em cũng thích múa sạp, lúc đầu cứ vướng chân mãi, nhưng sau nhảy nhịp nhàng thấy rất vui".
Bên cạnh những hoạt động thủ công, trò chơi dân gian, các em còn có cơ hội khám phá kho tàng nghệ thuật đặc sắc. Những giai điệu Then của người Tày, điệu múa Xòe Thái quyến rũ hay tiếng đàn T'rưng Tây Nguyên trầm bổng… tất cả tạo nên một không gian nghệ thuật mà mỗi âm thanh, mỗi điệu múa đều kể về một nền văn hóa hàng trăm năm tuổi.
Những bài học về lịch sử, bản sắc và lòng tự hào dân tộc
Hơn cả một chuyến tham quan, mỗi cuộc hành trình đến Làng là một lớp học sống động về lịch sử và truyền thống. Khi đứng trước những mái nhà tranh vách nứa đơn sơ của người Dao hay tận mắt chứng kiến những vật dụng lao động giản dị nhưng giàu tri thức của người Thái, học sinh dần nhận ra những giá trị bền vững mà cha ông gìn giữ qua bao đời.
Nhiều đoàn học sinh còn có cơ hội trò chuyện với chính những nghệ nhân, già làng đang sinh sống tại đây. Nghệ nhân Ưu tú Y Sinh, trưởng nhà Xơ Đăng trải lòng: "Trẻ em bây giờ có nhiều thứ hiện đại để quan tâm, nhưng khi đến đây, các cháu vẫn thích nghe chuyện về rừng núi, học cách làm gùi hay đan lát. Chỉ cần một lần chạm tay vào văn hóa, tình yêu với cội nguồn sẽ tự khắc nảy nở".

Đông đảo du khách hòa mình cùng đồng bào dân tộc. Ảnh: VGP/Minh Thúy
Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống được tái hiện cũng giúp học sinh hiểu hơn về tinh thần đoàn kết của cộng đồng các dân tộc. Những lễ cúng cơm mới của người Ê Đê, lễ hội cầu mưa của người Chăm, lễ mừng nhà Rông mới của người Ba Na… không chỉ đơn thuần là một nghi thức, mà còn là biểu tượng của lòng tri ân với thiên nhiên, đất trời, với tổ tiên.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi nhịp sống hiện đại và các loại hình giải trí số đang chi phối giới trẻ, nhiều giá trị truyền thống đứng trước nguy cơ mai một. Việc giáo dục học sinh về văn hóa dân tộc không chỉ là bổ sung kiến thức mà còn là hành trình bồi đắp lòng tự hào và trách nhiệm gìn giữ cội nguồn.
Không ít bậc phụ huynh chia sẻ rằng, sau những chuyến đi đến Làng, con em họ trở nên yêu thích tìm hiểu lịch sử, văn hóa hơn. Anh Phạm Văn Tụng, phụ huynh đến từ huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định xúc động kể: "Con tôi trước chỉ thích chơi game, nhưng sau chuyến đi, cháu về hào hứng kể về các dân tộc, còn xin tôi mua một chiếc khèn Mông. Tôi thực sự thấy đây là một trải nghiệm vô cùng ý nghĩa".
Đối với các thầy cô giáo, việc tổ chức những chuyến tham quan thực tế như thế này cũng là cách để thay đổi phương pháp giảng dạy. Nhiều thầy cô cũng bày tỏ, không có bài học nào quý giá hơn việc để học sinh được tận mắt chứng kiến, tự tay làm, tự mình trải nghiệm. Đó là cách giáo dục hiệu quả nhất."
Với sự đa dạng trong trải nghiệm, sự sinh động trong cách tiếp cận, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam chính là cầu nối giúp học sinh khám phá trọn vẹn bức tranh văn hóa 54 dân tộc Việt Nam. Qua những chuyến đi bổ ích, những mầm non tương lai của đất nước sẽ thêm yêu, thêm trân trọng và góp phần giữ gìn những giá trị văn hóa vô giá của dân tộc.
Minh Thúy