Dịch bệnh sốt xuất huyết vượt ngưỡng cảnh báo

09/11/2022 12:44 PM

(Chinhphu.vn) - Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết năm 2022 trên địa bàn thành phố đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch và tình hình dịch đang diễn biến phức tạp. Trong thời gian tới, dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục tăng cao và nguy cơ sẽ có nhiều bệnh nhân nặng.

Dịch bệnh sốt xuất huyết vượt ngưỡng cảnh báo - Ảnh 1.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà (áo trắng) kiểm tra phòng, chóng dịch bệnh sốt xuất huyết tại khu nhà trọ trên địa bàn quận Thanh Xuân. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Số ca mắc tăng 3,5 lần so với cùng kỳ

Theo CDC Hà Nội, trong 2 tuần gần đây, số lượng mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố có xu hướng gia tăng, hơn 1.200 ca/tuần. Trong tuần 44 (tính đến ngày 4/11), ghi nhận 1.312 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong, số mắc tăng 8,9% so với tuần trước. Bệnh nhân sốt xuất huyết ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, một số đơn vị có số mắc cao như: Hà Đông (148 ca), Thanh Oai (127 ca), Phú Xuyên (110 ca), Đống Đa (101 ca). 

Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 4/11, Hà Nội ghi nhận 10.716 ca mắc sốt xuất huyết, có 12 ca tử vong; số mắc tăng gấp 3,5 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021 (3.020 ca mắc, 0 ca tử vong). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận/huyện/thị xã; 539/579 xã/phường/thị trấn. Tuýp virus Dengue lưu hành đã xác định được là: DENV1 và DENV2, DENV4.

Trong tuần cũng ghi nhận thêm 58 ổ dịch mới. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay thành phố đã ghi nhận 871 ổ dịch. Hiện tại còn 143 ổ dịch đang hoạt động tại 24 quận, huyện, trong đó một số ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân: Thôn Bùng-Phùng Xá-Thạch Thất (200 ca), Phượng Trì-Thị trấn Phùng-Đan Phượng (73 ca), Ngọc Đình-Hồng Dương-Thanh Oai (53 ca).

Để đảm bảo công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue một cách hiệu quả, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở y tế trong và ngoài công lập thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, thành phố về công tác phòng, chống dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết Dengue. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tăng cường theo dõi sát, đánh giá tình hình, dự đoán diễn biến dịch sốt xuất huyết Dengue. Đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp khắc phục các khó khăn, tồn tại để chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố một cách khoa học, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế; phối hợp triển khai tập huấn các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết Dengue của mạng lưới cộng tác viên, đội xung kích, tổ giám sát. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết Dengue.

Trung tâm Y tế các quận/huyện/thị xã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế nhằm hạn chế tới mức thấp nhất bệnh nhân chuyển nặng, tử vong; khẩn trương rà soát, bổ sung vật tư, trang thiết bị, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Kịp thời tham mưu cho các quận, huyện, thị xã các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết...

Dịch bệnh sốt xuất huyết vượt ngưỡng cảnh báo - Ảnh 2.

Phun thuốc diệt muỗi để diệt muỗi, bọ gậy trong phòng, chống sốt xuất huyết. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Còn lơ là, chủ quan trong phòng chống sốt xuất huyết

Nhằm quyết liệt phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Sở Y tế Hà Nội cũng đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ triển khai thực hiện phòng chống dịch bệnh, tích cực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết diễn ra phức tạp trên toàn thành phố, Hà Nội đã có những giải pháp rất quyết liệt. Trước hết là ngành Y tế đã kịp thời tham mưu với UBND thành phố Hà Nội ban hành các công điện, chỉ thị, công văn chỉ đạo đến các đơn vị quyết liệt vào cuộc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Trước lượng bệnh nhân ghi nhận thời gian vừa qua vẫn ở mức tăng cao, Sở Y tế Hà Nội đã đẩy mạnh kiểm tra, giám sát ngay tại cộng đồng công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết của các quận/huyện/thị xã; xã/phường/thị trấn... "Chúng tôi, thấy rằng có những tồn tại trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt là ý thức của người dân tham gia phòng chống dịch còn chưa cao, chưa vào cuộc chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết cho bản thân", bà Hà nhấn mạnh.

Qua kiểm tra, giám sát và phỏng vấn người dân về dịch bệnh sốt xuất huyết, sự hiểu biết các biện pháp chủ động phòng chống dịch cho thấy người dân vẫn còn lơ là, chủ quan. Đặc biệt, ở các khu nhà trọ, có những người dân thuê trọ mới chuyển đến chưa được tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh. Do đó, công tác tuyên truyền cần phải quyết liệt hơn nữa và cần có sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư, tổ dân phố cùng vào cuộc tham gia giám sát tổ xung kích diệt bọ gậy ngay tại địa bàn triển khai thực chất, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, điều quan trọng nhất là diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy, phòng chống muỗi đốt và giữ vệ sinh sạch sẽ nhà ở cũng như môi trường xung quanh. Tuy nhiên, ở địa bàn dân cư, một số người dân vẫn chưa có kiến thức trong công tác phòng chống dịch bệnh, còn chủ quan, lơ là mặc dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố đang diễn ra phức tạp. Vì vậy, người dân cần tích cực hơn nữa tham gia vào công tác phòng chống dịch và chung tay với chính quyền địa phương thực hiện phòng, chống dịch sốt xuất huyết để có hiệu quả thực sự trong phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Các tổ xung kích diệt bọ gậy, đội giám sát cộng đồng cần hoạt động thực chất, hiệu quả "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để phát hiện kịp thời các điểm nguy cơ cao và có biện pháp quyết liệt xử lý kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.

Với tình hình dịch bệnh gia tăng, ghi nhận nhiều ca bệnh, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện phân luồng, phân tuyến cho các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, đảm bảo người dân được chăm sóc, điều trị và chuyển tuyến kịp thời. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh bố trí giường bệnh, thuốc, vật tư tiêu hao... đáp ứng nhu cầu điều trị cho người dân. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác phòng, chống lây nhiễm sốt xuất huyết Dengue trong khuôn viên cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt là công tác vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue, hướng dẫn, giám sát việc phòng muỗi đốt đối với bệnh nhân và người nhà.

Từ nay đến cuối năm, dự báo tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca mắc vẫn gia tăng trong thời gian tới do điều kiện khí hậu phù hợp cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh và việc di biến động dân cư trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ có đỉnh điểm vào tháng 11, 12 cuối năm. Để công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết đạt hiệu quả rõ ràng, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Chủ tịch UBND Thành phố đã ban hành chỉ thị, yêu cầu các quận/huyện/thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Phân cấp, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue. Chính vì vậy, các cấp chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt, có những kế hoạch, công điện, chỉ thị cụ thể ngay tại địa bàn để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Ngoài ra, các hình thức tuyên truyền cần phải thay đổi, dễ hiểu, dễ nhớ, đơn giản... để người dân tiếp cận được các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết một cách dễ nhất. "Điển hình qua kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn quận Thanh Xuân, chúng tôi cũng đã đề nghị tổ dân phố phải dán tờ rơi các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết cụ thể lên tường trước cửa các phòng trọ, nhà trọ, khu trọ để người dân dễ tiếp cận với các tài liệu truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Đồng thời, các tổ dân phố cần giao nhiệm vụ rõ ràng, có sự đánh giá hiệu quả của công tác tuyên truyền. Phỏng vấn lại người dân để người dân nắm được kiến thức nhất định trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết như diệt muỗi, diệt loăng quang, bọ gậy, tránh muỗi đốt, khi bị sốt có biểu hiện nghi ngờ sốt xuất huyết thì cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, xử lý, điều trị kịp thời.", bà Hà chia sẻ.

Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ hơn nữa tại cộng đồng, thực hiện giám sát véctơ truyền bệnh sốt xuất huyết, phát hiện sớm ổ dịch và xử lý dứt điểm những ổ dịch mới bùng phát và những ổ dịch kéo dài, không để dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng. Cùng với công tác chuyên môn, ngành y tế sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Chính quyền địa phương cần có cách làm, giải pháp cụ thể ngay tại địa bàn và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ban, ngành, đoàn thể để phòng chống hiệu quả dịch bệnh sốt xuất huyết.

Theo bà Hà, Hà Nội đã thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 chính là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự chung tay phòng chống dịch của người dân. Chúng tôi hy vọng với dịch bệnh sốt xuất huyết hiện đang bùng phát trên địa bàn Hà Nội thì cũng nhận được sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và người dân, chúng ta ứng sử với dịch bệnh sốt xuất huyết như một sự kiện y tế công cộng khẩn cấp mà cần có sự vào cuộc quyết liệt từ thành phố đến các quận/huyện/thị xã và xã/phường/thị trấn...

Thiện Tâm

Top