Điểm sáng ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi tại Thủ đô

08/07/2022 6:48 AM

(Chinhphu.vn) - Chăn nuôi công nghệ cao giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời giảm thiểu được các rủi ro về kinh tế, xã hội, môi trường và phúc lợi động vật. Nhưng để đạt được kết quả này, việc ứng dụng công nghệ cao phải đồng bộ, không ngừng đổi mới sáng tạo

Điểm sáng ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi Thủ đô - Ảnh 1.

Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao vừa mang lại giá trị kinh tế vừa bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi là xu hướng tất yếu

Theo PGS.TS Bùi Hữu Đoàn (Học viện nông nghiệp Việt Nam), chăn nuôi truyền thống ở đây được hiểu là chăn nuôi thủ công như đã từng tồn tại hàng chục nghìn năm nay. Tuy nhiên, các hệ thống chăn nuôi truyền thống thường không cho năng suất cao nên không thể đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng nhanh của con người, cũng như hiệu quả kinh tế thấp. Đó là vì chăn nuôi theo kiểu truyền thống khó áp dụng hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật về di truyền giống, dinh dưỡng-thức ăn, thú y và quản lý sản xuất - kinh doanh. 

Sản phẩm của chăn nuôi truyền thống khó đáp ứng được nhu cầu về số lượng và yêu cầu về chất lượng cho thị trường xuất khẩu. Do đó, chăn nuôi truyền thống khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nên hạn chế trong việc mang lại giá trị gia tăng lớn trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, cần có cách tiếp cận mới để phát triển chăn nuôi nông hộ an toàn và hiệu quả hơn.

Chăn nuôi truyền thống tuy có ít rủi ro nhưng lại có năng suất quá thấp. Ngược lại, chăn nuôi công nghiệp có thể đem lại năng suất cao, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng lại đối mặt với nhiều rủi ro, đe dọa sự phát triển bền vững và bao trùm. 

Ứng dụng công nghệ cao một cách thông minh trong chăn nuôi là một xu hướng phát triển tất yếu nhằm khai thác lợi thế của khoa học-công nghệ để tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên, vừa đem lại năng suất chăn nuôi cao, giảm giá thành sản phẩm. Từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời giảm thiểu được các rủi ro về kinh tế, xã hội, môi trường và phúc lợi động vật. Muốn vậy, việc ứng dụng công nghệ cao phải đồng bộ, không ngừng đổi mới sáng tạo

Sản xuất giống vật nuôi chất lượng cao

Theo ông Vũ Văn Hải, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần giống gia súc Hà Nội, cùng với sự phát triển của xã hội, trong những năm qua ngành chăn nuôi phát triển nhanh, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm của xã hội và đóng vai trò quan trọng mang tính chiến lược trong sự phát triển nông nghiệp nước ta. 

Hiện nay, để phát huy vai trò chăn nuôi trong nền kinh tế thị trường nói chung thì việc ứng dụng công nghệ cao, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng và sản lượng ngành chăn nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường hết sức quan trọng và cần thiết. Ứng dụng công nghệ cao chính là chìa khóa để phát triển bền vững ngành chăn nuôi, đồng thời cũng là đòi hỏi của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi của Hà Nội, hướng đến xuất khẩu.

Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, quản lý đàn gia súc giống gốc, hạt nhân nhập ngoại, sản xuất cung ứng tinh dịch lợn, tinh bò đông lạnh dạng cọng rạ, con giống và dịch vụ kỹ thuật chăn nuôi. 

Trong những năm qua Công ty đã được Bộ NN&PTNT, Cục Chăn nuôi, UBND TP. Hà Nội tin tưởng giao thực hiện nhiều chương trình phát triển chăn nuôi như: Dự án bò thịt BBB, chương trình cung ứng tinh dịch lợn… đặc biệt với dự án phát triển giống bò thịt BBB là bước đột phá của ngành đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Nhận thức rõ vai trò, động lực của khoa học công nghệ trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là chăn nuôi, những năm gần đây Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội tích cực tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nước và thế giới, chủ động ứng dụng vào chăn nuôi thực tế, nhằm tăng năng suất, chất lượng vật nuôi nhưng vẫn bảo đảm đạt được lợi nhuận cao và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Đặc biệt phải kể đến việc ứng dụng, thực hiện thành công dự án: "Ứng dụng kết quả nghiên cứu lai tạo giống bò BBB trên nền bò thịt lai Sind thành đàn bò F1 hướng thịt thành phố Hà Nội". 

Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã tạo ra trên  240.000 con bê F1 BBB; tăng năng suất đàn bò thịt lai tạo so với các giống lai trước đây từ 20% - 30%, nâng cao kỹ thuật chăn nuôi bò thịt cho nông hộ. Giá trị sản phẩm do đàn bê F1 BBB làm ra ước đạt trên 6.000 tỷ đồng; giá trị gia tăng so với giống bò thịt khác cùng thời điểm trên 2.400 tỷ đồng. Đồng thời đã tạo ra trên 160.000 việc làm cho hộ dân, giúp người nông dân tăng thêm thu nhập từ 9 - 10 triệu đồng/ 1 bê F1 BBB sau cai sữa (so với bê giống thịt khác cùng tháng tuổi). Từ đó đưa chăn nuôi bò thịt thành một nghề - chăn nuôi mang tính sản xuất hàng hóa tại nông thôn và chia thành từng công đoạn mang tính chuyên canh cao.

Bên cạnh đó, hộ nông dân và lao động nông thôn được tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò thịt cao sản, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập. Nhờ vậy đã góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại các huyện ngoại thành Hà Nội và có sức lan toả rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước. 

Việc đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giống bò đã làm tăng năng suất của đàn bò thịt lai tạo so với các giống trước đây khoảng 20 - 30%; đồng thời tạo điều kiện phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, tiến tới xây dựng thương hiệu "Thịt bò Hà Nội".

Bên cạnh đó, với mong muốn tăng nhanh đàn bò thịt có năng suất cao, chất lượng tốt, trong những năm qua, công ty đã nghiên cứu và làm chủ công nghệ tạo phôi bò, công nghệ cấy truyền phôi bò. Thành công của công nghệ cấy truyền phôi cho phép khai thác tối đa giá trị di truyền của gia súc có giá trị di truyền cao, phổ biến và nhân nhanh giá trị di truyền đó vào thực tế sản xuất…

Việc sản xuất thành công phôi bò đông lạnh có chất lượng tương đương với phôi bò nhập ngoại sẽ tạo ra một bước đột phá trong việc nhân nhanh đàn bò cao sản, không những ở Hà Nội mà cả ở những tỉnh thành khác của cả nước. Khi chủ động sản xuất được nguồn phôi bò còn tiết kiệm được cả nguồn ngoại tệ để nhập khẩu phôi giống và con giống bò này và điều quan trọng là người Việt Nam chủ động tạo ra con giống BBB thuần (cả đực và cái) ngay tại Việt Nam. 

Điều này góp phần năng cao sản lượng thịt bò tạo ra trong nước, giảm ngoại tệ mua bò giống, bò thương phẩm từ các nước xung quanh.

Có thể thấy, hoạt động khoa học và công nghệ của công ty là "điểm sáng" trong bức tranh sản xuất giống vật nuôi chất lượng cao của Thủ đô và được nhiều tỉnh, thành đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Do đó ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất thực tiễn mang lại hiệu quả to lớn về mặt về mặt kinh tế - xã hội.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, trong thời gian tới Hà Nội sẽ đẩy mạnh rà soát, đề xuất các quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tích hợp vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của Thành phố. Đồng thời xác định vùng sản xuất chuyên canh có lợi thế; đảm bảo quỹ đất ổn định để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp.

Bên cạnh đó sẽ tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách hiện có về hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Thiện Tâm

Top