Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Công viên Đống Đa
(Chinhphu.vn) - UBND TP. Hà Nội giao UBND quận Đống Đa lập kế hoạch chi tiết để triển khai các nội dung công việc và chịu trách nhiệm về tính hợp lý, hợp lệ về nội dung công việc, dự toán đề xuất với thực tế triển khai thực hiện.
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4392/QĐ-UBND, phê duyệt dự toán lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Công viên Đống Đa, tỉ lệ 1/500 (đợt 1), thuộc địa giới hành chính phường Trung Liệt, quận Đống Đa và phường Thành Công, quận Ba Đình.
Khu vực nghiên cứu lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết công viên Đống Đa rộng khoảng 6,35ha và được giới hạn như sau: Phía Đông Bắc giáp khu tập thể Học viện Nguyễn Ái Quốc, hồ Đống Đa; Phía Tây Bắc giáp tuyến phố Láng Hạ và Trung tâm chiếu phim quốc gia; Phía Đông Nam giáp tuyến phố Hoàng Cầu; Phía Tây Nam giáp tuyến phố Thái Hà.
Theo quyết định, giá trị dự toán lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Công viên Đống Đa, tỉ lệ 1/500 (đợt I) là hơn 557 triệu đồng từ nguồn ngân sách thành phố.
Trong đó, gồm chi phí lập nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch; chi phí lập đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch; chi phí lập hồ sơ quy hoạch theo GIS; chi phí thẩm định nhiệm vụ, thẩm định đồ án quy hoạch; chi phí quản lý nghiệp vụ đồ án; chi phí tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư; chi phí công bố quy hoạch; chi phí thực hiện công tác thầu; chi phí lập mô hình; chi phí dự phòng.
UBND thành phố Hà Nội giao UBND quận Đống Đa lập kế hoạch chi tiết để triển khai các nội dung công việc và chịu trách nhiệm về tính hợp lý, hợp lệ về nội dung công việc, dự toán đề xuất với thực tế triển khai thực hiện.
Việc nghiệm thu và quyết toán căn cứ theo khối lượng thực tế và phải có đầy đủ biên bản nghiệm thu, bảng chấm công, hóa đơn, chứng từ hợp lý, hợp lệ theo quy định hiện hành của Nhà nước và thành phố, lưu ý phải giảm trừ diện tích, khối lượng trùng lặp.
Trong năm 2023 thành phố Hà Nội sẽ làm "sống lại" các công viên trên địa bàn để người dân được hưởng lợi một cách công bằng và tự do tiếp cận. Do đó, thành phố đang nỗ lực cải tạo các công viên, nâng cấp để duy trì, nâng tầm cảnh quan, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi của nhân dân. Nhiều vườn hoa sau khi hoàn thành cải tạo đem đến diện mạo mới, khang trang.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 63 công viên, vườn hoa, tập trung chủ yếu tại 4 quận nội đô. Các công viên, vườn hoa này hình thành đã lâu, chủ yếu phục vụ công ích và do UBND các quận quản lý. Do hình thành đã lâu nên diện mạo kiến trúc, cảnh quan, thảm cỏ, cây hoa, đường dạo, chiếu sáng... tại nhiều công viên, vườn hoa bị xuống cấp, lạc hậu, thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, cần thay đổi, phát triển hơn nữa các dịch vụ tiện ích trong công viên để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Thùy Chi