Diều sáo làng Bá Dương Nội được công nhận danh hiệu nghề truyền thống
(Chinhphu.vn) - Ngày 12/4, huyện Đan Phượng tổ chức đón Bằng công nhận danh hiệu Nghề truyền thống Hà Nội "Nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội"; lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Hội diều làng Bá Dương Nội", xã Hồng Hà.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà trao bằng công nhận danh hiệu Nghề truyền thống Hà Nội "Nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội" - Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Làng Bá Dương Nội (còn có tên là Bá Giang), xưa có tên nôm là Kẻ Bá. Đầu thế kỷ thứ XIX làng Bá Giang thuộc tổng Thượng Trì, huyện Từ Liêm, thị trấn Sơn Tây; nay thuộc xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội. Đây vốn là vùng đất cổ bên dòng sông Nhị Hà (sông Hồng), có bãi phù sa và nhiều gò, đống và cây cối rậm rạp.
Lễ hội thả diều ở làng Bá Dương Nội có bề dày lịch sử hàng nghìn năm. Từ xa xưa, người dân làng Bá Dương Nội đều thành thạo trong việc chế tác ra những chiếc diều sáo với đủ kích cỡ. Điểm độc đáo, nổi bật (duy nhất) ở Hội diều làng Bá Dương Nội là lễ hội thi thả diều gắn với một di tích (miếu Diều) thờ Thần Linh Châu Thổ, được thực hiện đầy đủ theo nghi thức tế lễ truyền thống...
Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Đức cho biết, nhận thức công tác bảo tồn Di sản văn hóa Việt nam, nghề truyền thống Hà Nội là trách nhiệm của toàn xã hội, và bảo vệ di sản văn hóa cũng là bảo vệ chính tâm hồn của người Việt Nam trong giai đoạn mới; văn hóa là hồn cốt dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn.
Chính vì vậy, huyện Đan Phượng sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu về quê hương, con người, các di sản văn hóa, nghề truyền thống, đặc biệt là Hội Diều và nghề làm Diều sáo của địa phương đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Chủ động vận dụng, cụ thể hóa sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Thành phố về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, nghề truyền thống vào điều kiện, tình hình thực tiễn.

Diều sáo làng Bá Dương Nội được công nhận danh hiệu nghề truyền thống - Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Đan Phượng định hướng đầu tư bảo tồn di tích miếu Diều và tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", để di tích trở thành tài nguyên nhân văn, có tiềm năng thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.
Tập trung nghiên cứu, quy hoạch không gian văn hóa, không gian thực hành, trải nghiệm di sản văn hóa Việt Nam và nghề truyền thống Hà Nội, hướng tới quy hoạch làng Bá Dương Nội có thể trở thành một trong những "không gian văn hóa sáng tạo" của Thủ đô Hà Nội.
Xây dựng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Hội Diều làng bá Dương Nội" trở thành di sản văn hóa tiêu biểu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; nghề làm Diều sáo truyền thống Hà Nội có sức sống trường tồn, mãnh liệt, không chỉ tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà mà đến cả các hộ gia đình ở các vùng lân cận.
Với những giá trị đặc sắc, Hội Diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tại Quyết định số 372/QĐ-BVHTTDL và UBND Thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu "Nghề truyền thống Hà Nội" nghề làm Diều sáo làng Bá, Dương Nội tại Quyết định số 2982/ QĐ-UBND đó là sự ghi nhận của các cấp, ngành với chính quyền địa phương và nhân dân đã luôn gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Hội Diều làng Bá Dương Nội, Nghề làm Diều sáo làng Bá Dương Nội.
Trong khuôn khổ Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Hội diều làng Bá Dương Nội"; Bằng công nhận danh hiệu Nghề truyền thống Hà Nội "Nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội", xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Ngoài Hội thi thả Diều sáo truyền thống tại miếu di tích miếu Diều còn có các hoạt động khác như: Trang trí con đường Diều sáo "Hành trình kết nối"; khu trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP tiêu biểu của Thủ đô như sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, tò he, chuồn chuồn tre, ô mai, bánh cuốn Thanh Trì, giò chả Ước Lễ…
Thiện Tâm