Dịu dàng nét đẹp Nón Chuông

30/06/2020 5:04 PM

(Chinhphu.vn) - Với truyền thống trăm năm, làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai nổi tiếng với nghề làm nón đẹp nức tiếng khắp vùng Bắc Bộ xưa… Trải qua nhiều đổi thay, thăng trầm lịch sử, nón Chuông vẫn đứng vững và ngày càng phát triển, được du khách trong nước và quốc tế biết đến.

Ca dao xưa từng hát:

“Muốn ăn cơm trắng cá mè

Muốn đội Nón tốt thì về làng Chuông

Nón làng Chuông vừa trắng vừa trong

Đội cho đôi lứa má hồng

Đội cho đôi lứa nên duyên vợ chồng”.

Vậy mới hay, nón lá làng Chuông tự nghìn xưa đã nổi tiếng về chất lượng khắp gần xa, đó không đơn thuần chỉ là vật dụng che mưa, che nắng, mà còn làm nên vẻ đẹp của các bà, các mẹ… và đẹp nhất là hình ảnh nón lá gắn với tà áo dài truyền thống của người con gái Việt Nam.

Nghệ nhân Tạ Thu Hương bên những chiếc nón Chuông

Chia sẻ với phóng viên, nghệ nhân nón lá Tạ Thu Hương cho biết, nón làng Chuông được nhiều thế hệ biết đến và tin dùng bởi sự chắc chắn, bền bỉ và kiểu dáng đẹp, mẫu mã phong phú, đa dạng.

Từ nghìn năm trước, làng Chuông đã là nơi sản xuất nhiều loại nón cho các tầng lớp trong xã hội như: Nón ba tầm cho các cô gái; nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng… Ngày nay làng Chuông cũng vẫn làm ra nhiều loại nón khác nhau nhưng phù hợp với xu thế thời trang như: Nón Lâm xung, quai thao, nón thúng, nón áo dài truyền thống, nón lá trên lụa, nón lá sen, nón mini, nón bộ, nón chùm…

Là một người con lớn lên từ làng, sinh ra trong cái nôi truyền thống nghìn năm từ đời cha ông để lại, ngay từ nhỏ, nghệ nhân Tạ Thu Hương đã có tình yêu sâu sắc với nghề làm nón, đau đáu với nghề để tìm hướng đi phát triển cho làng. Đặc biệt, trong những năm tháng bao cấp, chứng kiến cảnh mậu dịch mẹ phải đổi vài chiếc nón để lấy được một cân gạo đỏ mốc meo… chị mới thấy được hết nỗi cơ cực, nhọc nhằn của nghề khi làm quanh năm suốt tháng không đủ cơm ăn, áo mặc.

Quả thực để duy trì bền bỉ với nghề và đưa được thương hiệu nón làng Chuông phát triển, gia đình chị Hương cùng bao bà con trong làng đã trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức để bám trụ “sống chết với nghề, sinh tử từ nghề”…

Đất không phụ lòng người, lớn lên học hết cấp III, chị Hương đã ở lại gắn bó với quê hương để tiếp tục truyền thống của làng, làm nên những chiếc nón chất lượng, mẫu mã đa dạng. Đặc biệt, để tìm hướng đi bền vững, lâu dài cho làng nghề, chị Hương đã làm ra nhiều mẫu nón khác nhau để đi quảng bá, chào hàng trên các kênh truyền hình, hội chợ trong và ngoài nước… với quyết tâm phải làm mọi cách tìm đầu ra cho càng nhiều sản phẩm càng tốt, để người dân đỡ khổ.

Nón lá làng Chuông ngày càng đa dạng, phong phú với nhiều mẫu mã trên các chất liệu khác nhau

Đầu tiên là phát triển thị trường trong khu vực các quận, huyện của Hà Nội. Sau đó sẽ là hướng đi quảng bá với các công ty xuất nhập khẩu… Dần dần với sự trưởng thành của tuổi đời và tuổi nghề, đến năm 21 tuổi, nghệ nhân Tạ Thu Hương đã tìm được thị trường xuất khẩu sang nước ngoài như: Đức, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan… Có thời điểm chị nhận đơn hàng cao nhất là 70 nghìn nón, với nhiều mẫu mã khác nhau và phải hoàn thành trong vòng một tháng, chị cùng bà con trong làng đã làm hết công suất, “ăn đứng ngủ ngồi” để có đủ hàng cho xuất khẩu. Hay điển hình như làm nón cho Hội nghị Apec, với đường kính 3,6m và chị đã làm thành công, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè, du khách trong và ngoài nước. Cũng nhờ đó, sản phẩm nón làng Chuông đã được mở rộng trên các kênh thông tin truyền thông, được nhiều người biết đến.

Không chỉ nổi tiếng bởi làng nghề với nét đẹp truyền thống, từ khi mở rộng thị trường xuất khẩu, chị Hương đã góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều bà con trong vùng, nâng cao thu nhập và được rất nhiều người dân tin tưởng, yêu quý. Một tháng trừ tất cả chi phí và tiền thuê nhân công, chị Hương thu nhập một tháng khoảng mấy chục triệu đồng, lương trả cho công nhân 2-3 triệu để người dân làm những lúc nông nhàn. Có nhiều thợ trong làng làm rải rác trong các nhóm, xưởng của chị chỉ thu gom, đóng gói, còn hàng chủ yếu làm trong dân, tạo công ăn việc làm, cho họ có thu nhập ổn định và cao hơn khi làm rải rác. Giá mỗi chiếc nón cũng thay đổi qua thời gian, trước kia mỗi chiếc nón bình thường dao động từ 20-30 nghìn đồng, nhưng hiện nay đã lên đến 50-60 nghìn, có nhiều mẫu nón đẹp, chất lượng cao lên đến 250 nghìn một chiếc.

Theo chị Hương chia sẻ, để làm được một chiếc nón hoàn thiện cần rất nhiều công đoạn tỉ mỉ và cẩn trọng, nhất là sự kiên nhẫn và khéo léo của người thợ. Nguyên liệu để làm nên chiếc nón là lá cọ, được vận chuyển từ Phú Thọ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… về làng Chuông. Sau đó được rẽ lá, bứt vòng, quay nón, dán nón, khâu nón, sửa nón hoặc nứt nón, lồng nhồi, quang dầu…

Trong các công đoạn trên, khâu làm lá là vất vả khó khăn nhất bởi người nghệ nhân phải khéo léo để lá không bị dập rách. Để đảm bảo, người dân thường dùng chân vò lá cọ trong cát khô có sỏi, đảo đi đảo lại đến khi lá mềm, đầu lá xoăn lại, mình lá tẽ ra mới đạt được chuẩn. Việc phơi lá cũng phải thật cẩn thận, tách lá tươi từ màu xanh, sau quá trình phơi dưới ánh nắng sẽ dần chuyển thành màu trắng. Nếu nắng quá hoặc mưa quá lá đều không đẹp, không tạo được độ bóng sau khi làm nón.

Thế hệ trẻ tiếp nối nghề truyền thống nón lá làng Chuông

Điểm đặc biệt tạo nên nét đẹp và độ bền của nón làng Chuông là vì nón có tới 16 lớp vòng. Vòng nón được làm bằng những thanh tre cật vót tròn nhẵn, đều. Càng lên cao, vòng con càng nhỏ và vòng trên cùng làm bằng kim loại. Sau đó người thợ sẽ xếp từng lá vào vòng nón, đặt một lớp lá lụi, một lớp mo cau, rồi lại một lớp lá lụi… Sau đó là khâu và đan sợi. Khi chiếc nón được khâu xong, người thợ hơ bằng hơi diêm làm cho màu nón trở nên trắng muốt và để cho nón không mốc.

Trong những ngày Tết, lượng tiêu thụ nón Chuông tăng hơn các tháng trong năm do du khách trong và ngoài nước đặt nhiều hàng để làm quà tặng, quà biếu và cũng là dịp để phục vụ các lễ, hội…

Có thể thấy, chiếc nón Chuông tuy giản dị, mộc mạc nhưng đã góp phần làm nên nét đẹp của vùng đất Thanh Oai xưa và là giá trị văn hóa của người Việt. Không chỉ là mạch nguồn nuôi nấng sự sống cho bao thế hệ, đây còn là sản nghiệp vô giá, là niềm tự hào của tinh hoa Dân tộc truyền lại cho con cháu.

Thiện Tâm

Top