Doanh nghiệp bán lẻ chuyển hướng về khu vực nông thôn

08/05/2019 9:55 AM

(Chinhphu.vn) - Nông thôn là một thị trường rộng lớn, có tiềm năng, tuy nhiên hệ thống bán lẻ hiện tại dường như đang “bỏ quên” khu vực này. Nguyên nhân chính là do sức tiêu thụ của thị trường này còn thấp nên khó thu hút doanh nghiệp.

Chuyển hướng bán lẻ về nông thôn là một trong những giải pháp thông minh của doanh nghiệp. Ảnh: Bích Phương

Gần 80% diện tích lãnh thổ Việt Nam là các vùng nông thôn, mạng lưới giao thông chiếm trên 86% tổng chiều dài đường bộ khắp nước, với dân số hơn 60 triệu người sống ở nông thôn, chiếm 70% dân số Việt Nam có nhu cầu mua sắm rất cao. Vì vậy, chuyển hướng bán lẻ về nông thôn là một trong những giải pháp thông minh, giúp doanh nghiệp bán lẻ tăng trưởng trong thời kỳ kinh tế khó khăn như hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp đã “rẽ hướng” sang xây dựng chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi bám sát khu dân cư, thị trường nông thôn, thị xã, thị trấn… Với thế mạnh nắm vững địa lý từng khu vực, các doanh nghiệp trong nước có thể xây dựng chiến lược phát triển phù hợp cho từng vùng.

Điển hình như tập đoàn Vingroup là một trong những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, sau hơn 2 năm đầu tư, hiện hệ thống cửa hàng tiện ích VinMart hoạt động như một siêu thị mini đã lên con số 1.500 cửa hàng tại 30 tỉnh thành và trở thành chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất tại Việt Nam.

Ở khu vực phía Bắc có hệ thống siêu thị Việt Lan Chi Mart liên tục mở rộng hệ thống phân phối tại khu vực nông thôn, hiện đã có 19 siêu thị tại các huyện ngoại thành và một số tỉnh miền Bắc. Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), sau 11 năm đầu tư hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện ích Hapromart, hệ thống bán lẻ này cũng đã vươn đến các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa...

Tuy nhiên, để hướng đến thị trường bán lẻ ở nông thôn, doanh nghiệp cần phải quan tâm đến các yếu tố như: chi phí thiết lập, dịch vụ hậu mãi như bảo hành, bảo trì… và cần có kế hoạch dài hơi.

Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đưa hàng về nông thôn, thời gian tới Bộ Công Thương đẩy mạnh tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Cụ thể, xây dựng mô hình điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Tăng cường các chương trình kết nối cung cầu, giới thiệu các mô hình cung ứng hàng Việt cho người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất, từ đó kết nối hàng hóa đến người dân tại các vùng nông thôn.

Tham gia vào Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020” theo Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 6/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ, với các chương trình xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp và Dự án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thương mại nông thôn.

Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội cũng ban hành Kế hoạch triển khai hoạt động bán hàng Việt tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố năm 2019. Theo đó, Sở Công Thương vận động các doanh nghiệp kinh doanh thương mại tổ chức khoảng 200 chuyến bán hàng lưu động trên địa bàn quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất nơi đông nhân dân, người lao động sinh sống, học tập và làm việc liên tục trong năm, tập trung vào những ngày lễ, Tết.

Trên địa bàn các huyện sẽ tổ chức từ 8-10 phiên chợ Việt. Mỗi huyện tổ chức 1 phiên chợ Việt, tập trung thực hiện tại những xã miền núi, xã vùng xa trung tâm huyện - nơi có hệ thống giao thông, hạ tầng thương mại chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân và khu công nghiệp có khu nhà ở tập trung, đông người lao động sinh sống, làm việc...

Sở Công Thương Hà Nội cũng cho rằng, thời gian tới, Bộ Công Thương cần tổ chức quy hoạch mạng lưới phân phối ở vùng nông thôn, doanh nghiệp lấy đó làm cơ sở thiết lập các điểm bán hàng cố định, tạo liên kết vững chắc với thị trường. Các cơ quan quản lý và địa phương hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục giấy tờ, mặt bằng kinh doanh để xây dựng hệ thống phân phối, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.

Bích Phương

Top