Doanh nghiệp cam kết cung ứng đủ hàng hóa phục vụ Tết

23/11/2016 10:45 AM

(Chinhphu.vn) - Đã thành quy luật, vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán hằng năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân Thủ đô thường tăng đột biến. Năm nay, để phục vụ tốt cho người tiêu dùng Thủ đô đón Tết, hầu hết các doanh nghiệp cam kết đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa cũng như bình ổn giá cả trong suốt dịp trước, trong và sau Tết.

 

Các đơn vị sẵn sàng đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết. Ảnh: Diệu Anh

Thực hiện chương trình bình ổn giá, bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, đơn vị đã chuẩn bị kế hoạch bán hàng Tết, chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú và dự trữ các mặt hàng thịt bò, lợn, trứng, thủy sản… với tổng trị giá 1.200 tỷ đồng, phục vụ tại 70 điểm bán lẻ của Tổng Công ty. Đồng thời chuẩn bị, tổ chức các điểm bán hàng di động, đưa hàng về nông thôn.

Cam kết cung ứng đầy đủ hàng hóa và bảo đảm bình ổn giá cả hàng hóa tại hệ thống cửa hàng, đại diện Công ty Vinmart cho biết, hàng dự trữ Tết đã được công ty lên kế hoạch và dự trữ hàng hóa khoảng trên 1.000 tỷ đồng, với trên 400 cửa hàng tiện ích và gần 20 trung tâm thương mại, siêu thị. Công ty cũng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp sản xuất hàng Việt đầu tư trên 100 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp này bán hàng không lợi nhuận trong hệ thống Vinmart.

Là doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn hàng hóa nhiều năm nay, Công ty Cổ phần Nhất Nam (Fivimart) đã lên kế hoạch dự trữ 250 tỷ đồng cho hệ thống siêu thị trên toàn Thủ đô, hệ thống siêu thị sẽ đóng cửa vào chiều 30 Tết và đến mùng 2 Tết sẽ mở cửa trở lại với 9 siêu thị, trung bình mỗi quận mở từ 1-2 siêu thị. Dự kiến lượng hàng hóa dự trữ trong hệ thống siêu thị của Công ty khoảng 30% so với năm ngoái.

Đối với các mặt hàng bánh mứt kẹo; rượu., bia, nước giải khát, các đơn vị này cũng tăng lượng hàng so với năm ngoái. Đại diện Công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội cũng cho biết, để phục vụ cho nhân dân thủ đô lượng hàng hóa dự trữ khoảng 350-400 tấn bánh mứt kẹo. Còn theo Tổng Công ty Rượu bia nước giải khát Hà Nội, năm nay, Tổng Công ty dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng 146 triệu lít bia trong đó có 128 triệu lít bia Hà Nội, 4 triệu lít rượu, Tổng Công ty có hệ thống phân phối dầy đặc bảo đảm cung cấp kịp thời cho người dân.

Bên cạnh đó, để phục vụ tốt cho người tiêu dùng Thủ đô về chất lượng hàng hóa, đảm bảo kịp thời gian, tươi ngon, các doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong khâu vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp từ các tỉnh về kho và từ kho đến các cơ sở.

Không tăng giá quá 5% trong dịp Tết

Thời điểm cuối năm và giáp Tết Nguyên đán là thời điểm thuận lợi đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong thời gian này, các doanh nghiệp liên tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình khuyến mại, giảm giá,... nhằm kích cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng thông qua các hình thức mua bán truyền thống và mua bán trực tuyến.

Năm nay, thay vì sử dụng nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để bình ổn giá dịp Tết, thành phố Hà Nội sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng lãi suất hợp lý. Dù vậy, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp phải ổn định về giá, không tăng giá quá 5% trong dịp Tết.

“Mọi năm có vốn ngân sách thì đưa ra chỉ tiêu về tăng giá, năm nay không có nhưng Sở sẽ vẫn giữ phương án quản lý giá như vậy để bảo đảm ổn định về giá cả trong dịp Tết. Sở sẽ có các biện pháp quản lý các điểm nóng về giá”, ông Lê Hồng Thăng nhấn mạnh.

Theo kế hoạch của Sở Công Thương, năm nay, Thành phố sẽ tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 20 trung tâm thương mại, 119 siêu thị, 700 cửa hàng tiện ích, các hộ kinh doanh và 454 chợ trên địa bàn. Ngoài ra, Sở sẽ tổ chức 5 điểm bán hàng Việt phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất (dự kiến từ ngày 18/12 đến 27/12 âm lịch); 22 phiên chợ Việt và 100 chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất...

Để bảo đảm nguồn hàng hóa phục vụ dịp Tết, Sở Công Thương khẳng định sẽ theo dõi sát diễn biến cung-cầu hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, chịu trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành để giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Sở Công Thương sẽ chịu trách nhiệm trung gian sẵn sàng đáp ứng điều phối mối quan hệ giữa sản xuất và lưu thông trên địa bàn Thành phố cũng như gắn kết với các cơ sở sản xuất tại địa bàn các tỉnh khác.

Dự kiến, cuối tháng này, Thành phố sẽ tổ chức Hội nghị kết nối cung-cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước để giúp doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác hàng hóa từ các vùng về phục vụ thị trường Thủ đô.

Diệu Anh

Top