Doanh nghiệp cần chú trọng quảng bá thương hiệu

01/03/2023 10:38 AM

(Chinhphu.vn) - Đề cập đến việc thiếu thông tin về thương hiệu sản phẩm Việt, nhiều chuyên gia kinh tế có chung ý kiến, muốn định vị thương hiệu tại thị trường quốc tế đòi hỏi doanh nghiệp cần đẩy mạnh truyền thông quảng bá, nhưng đây lại là yếu điểm của doanh nghiệp Việt.

Doanh nghiệp cần chú trọng quảng bá thương hiệu - Ảnh 1.

Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh, chú trọng quảng bá thương hiệu. Ảnh: VGP/Bích Phương

Doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý hỗ trợ xây dựng thương hiệu

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và hỗ trợ, tư vấn, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN) Lê Tất Chiến cho biết, việc doanh nghiệp chỉ chú trọng đăng ký nhưng bỏ quên việc quảng bá thương hiệu nên nhiều sản phẩm mặc dù đã khẳng định được vị thế thị trường trong nước, nhưng không được người dân thế giới biết đến nên khó mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Mibrand Việt Nam cho rằng, nông sản Việt hoàn toàn có cơ hội để ghi danh trên bản đồ thế giới bởi nông sản nói riêng và các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam chưa định vị được truyền thông thương hiệu và còn do vấn đề chỉ dẫn địa lý chưa hoàn thiện, thiếu rất nhiều nhãn hiệu quốc tế.

"Việt Nam mới chỉ có 104 chỉ dẫn địa lý, một con số rất nhỏ so với tiềm năng sản xuất nông sản của cả quốc gia. Các logo về chỉ dẫn địa lý bằng hình ảnh thiết kế chưa tạo được ấn tượng", ông Mạnh dẫn chứng.

Lý giải nguyên nhân khiến một bộ phận doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, trong cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam có đến 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nên tiềm lực tài chính hạn chế, "lực bất tòng tâm" khi xây dựng thương hiệu.

"Để khắc phục bất cập này, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Cụ thể, có giải pháp tổng thể tuyên truyền, hỗ trợ thông tin, pháp lý cho doanh nghiệp về vấn đề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu/thương hiệu. Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ nguồn lực tài chính - nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ sức xây dựng được thương hiệu cho riêng mình", ông Mạc Quốc Anh kiến nghị.

Doanh nghiệp sản xuất phải đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm

Chia sẻ về việc nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền hàng Việt tới người tiêu dùng Việt Nam và quốc tế, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan mong muốn, thời gian tới các sở, ngành, cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, qua đó giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp thực tế.

Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý còn đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất phải đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, thương hiệu đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Đồng tình với những ý kiến này, tại Hội nghị tổng kết Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP. Hà Nội năm 2022 vừa tổ chức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương yêu cầu, thời gian các sở, ngành, UBND các cấp đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên truyền cuộc vận động theo hướng giới thiệu, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, nhất là sản phẩm, dịch vụ được bình chọn, công nhận "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích", sản phẩm OCOP, mô hình làng nghề, sản phẩm du lịch…

Thực tế cho thấy, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp truyền thông quảng bá thương hiệu, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Công văn số 241/UBND-KTN ngày 2/2/2023 về việc tiếp tục triển khai thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Cụ thể, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã cần đẩy mạnh xây dựng, quảng bá, phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu cho các sản phẩm hàng Việt được người tiêu dùng yêu thích do doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn Hà Nội sản xuất.

Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước, TP. Hà Nội qua đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh sự hỗ trợ xây dựng thương hiệu từ cơ quan quản lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh Võ Trí Thành tư vấn, với những thương hiệu mới tham gia thị trường quốc tế thường gặp khó khăn về kinh phí quảng bá, doanh nghiệp nên đẩy mạnh liên kết với các thương hiệu đã có tên tuổi.

 "Thông qua mối liên kết này, doanh nghiệp sẽ tận dụng sự hỗ trợ về vốn, công nghệ, kỹ thuật để nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của mình", ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Bích Phương

Top