Doanh nghiệp cần có định hướng chiến lược trong chuyển đổi số

12/11/2024 1:00 PM

(Chinhphu.vn) - Nhìn chung các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Hà Nội đã có nhận thức về chuyển đổi số, nhưng quá trình chuyển đổi số còn rất thấp và chưa đạt như kỳ vọng. Đề tìm ra giải pháp cũng như ứng dụng chuyển đổi số một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần xác định mục tiêu chiến lược chuyến đổi số của mình.

Doanh nghiệp cần có định hướng chiến lược trong chuyển đổi số- Ảnh 1.

Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội DNNVV Hà Nội chia sẻ thông tin tại tọa đàm. VGP/Minh Anh

Chuyển đổi số trong DNNVV còn hạn chế

Mới đây, chia sẻ tại Tọa đàm "Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hà Nội" do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) tổ chức, bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội DNNVV Hà Nội nhấn mạnh, chuyển đổi số đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và có ý nghĩa quan trọng đối với các DNNVV.

Chuyển đổi số là quá trình tích hợp các công nghệ số vào hoạt động của doanh nghiệp và tổ chức, nhằm thay đổi cơ bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp giá trị mới cho khách hàng. Nó đại diện cho sự thay đổi trong cách quản lý, quy trình, thủ tục và văn hóa dựa trên nền tảng kỹ thuật số, nhằm mục tiêu gia tăng hiệu quả.

Tuy nhiên, bà Trịnh Thị Ngân cho rằng, tình hình chuyển đổi số trong các DNNVV tại Hà Nội còn hạn chế và hiệu suất thấp. Qua hoạt động cho thấy, một số DNVV vẫn chưa thấu hiểu đầy đủ về vai trò của chuyển đổi số, chưa xác định được hướng đi và lộ trình chuyển đổi số cần thiết.

Trong quá trình chuyển đổi số tại DNNV Hà Nội, lĩnh vực kế toán, thuế và khâu thiết kế được thực hiện chuyển đổi số mạnh nhất, với gần 40% doanh nghiệp sử dụng công nghệ số ở mức độ cao và thường xuyên.

Có 35,75% doanh nghiệp đã từng sử dụng một số giải pháp chuyển đổi số nhưng hiện tại không còn sử dụng, 39.45% doanh nghiệp đã số hóa dữ liệu, quy trình. Tuy nhiên, chỉ 1,58% đã làm chủ công nghệ, phần mềm quản lý để phân tích dữ liệu, tự động hóa.

Về vấn đề nguồn lực tài chính cho chuyển đổi số DNNVV, doanh nghiệp Hà Nội cũng đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, hơn 43,8% doanh nghiệp đã có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế; 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số…

Do vậy, rất cần các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số tại DNNVV Hà Nội từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Doanh nghiệp cần có định hướng chiến lược trong chuyển đổi số- Ảnh 2.

Hà Nội đã tận dụng nguồn lực tài chính để hỗ trợ khoảng 100 nghìn DNNVV trong chuyển đổi số.Ảnh: VGP/Minh Anh

Thúc đẩy phát triển môi trường thể chế và pháp lý

Hà Nội đã đặt mục tiêu trở thành một trong năm địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử vào năm 2025. Để đạt được điều này, Thành phố đã phát triển kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp và doanh nghiệp chuyển đổi số, trong đó đặt mục tiêu quan trọng đảm bảo 100% DNNVV trên địa bàn của thành phố nâng cao nhận thức về chuyển đổi số đến năm 2025.

Để thực hiện mục tiêu này, Hà Nội đã tận dụng nguồn lực tài chính để hỗ trợ khoảng 100 nghìn DNNVV chuyển đổi số. Hỗ trợ này bao gồm việc cung cấp tài liệu hướng dẫn, đào tạo kiến thức, tư vấn, cung cấp các nên tảng số hóa và hỗ trợ tài chính cho việc mua hoặc thuê các giải pháp chuyển đổi số.

Thành phố cũng khuyến khích doanh nghiệp sử dụng chữ ký số và hóa đơn điện tử. Đây là một bước quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững và cải thiện hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời đại số hiện nay.

Các doanh nghiệp đã chuyên đồi số mạnh mẽ trong quản trị, bán hàng trên trang thương mại điện tử và kinh tế số, một số doanh nghiệp như: Công ty May 10, Công ty TNHH Tân Á Đại Thành, Công ty Hoàng Vũ, Công ty Hà Yên, Công ty Cổ phần khóa Việt Tiệp...

Bên cạnh đó, các DNNVV còn có nhiều hạn chế trong chuyển đổi số do bản thân doanh nghiệp còn hạn chế yếu kém về nguồn lực, cán bộ quản trị doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu, công nghệ còn lạc hậu, do vậy thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ DNNNV chuyển đổi số.

Đối tượng mà Thành phố ưu tiên hỗ trợ là các DNNVV được xác định theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ đăng ký trụ sở chính trên địa bàn TP. Hà Nội có nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi số. Qua đó làm rõ những cơ hội và thách thức chuyển đổi số tại các DNVVV tại Hà Nội, từ đó khuyến nghị và giải pháp để tăng cường hiệu quả của quá trình chuyển đổi số.

Hà Nội đã phê duyệt Kế hoạch và Đề án 4889 về "Hỗ trợ chuyển đổi số cho DNNVV trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025". Kế hoạch này bao gồm một loạt các nhiệm vụ và hoạt động để thúc đẩy sự chuyển đổi số cho các DNNVV. Các năm 2024 và 2025 sẽ tập trung vào triển khai các hoạt động cụ thể như truyền thông, tuyên truyền, nâng cấp phần mềm thu thập dữ liệu, chỉnh sửa tài liệu, cẩm nang, ấn phẩm và đảm bảo hiệu quả chuyển đổi số toàn diện và hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp, Đề án và kế hoạch nhằm hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số và thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp số tại TP. Hà Nội.

Để thúc đẩy chuyển đổi số tại DNNVV Hà Nội, theo bà Ngân, giải pháp đầu tiên là hỗ trợ tài chính cho DNNVV trong quá trình chuyển đổi số được thực hiện thông qua các biện pháp và chương trình như khoản vay ưu đãi: Chính phủ có thể cung cấp chương trình cho vay với lãi suất thấp hoặc không lãi suất để hỗ trợ DNNVV trong đầu tư vào công nghệ số.

Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội cần thúc đẩy phát triển môi trường thể chế và pháp lý, bao gồm việc ban hành các quy định hỗ trợ và khuyến khích các hoạt động chuyển đổi số; xây dựng và công bố quy hoạch về về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.

Đồng thời, phát hành các quy chuẩn để trao đổi thông tin giữa các cơ quan và đơn vị, nhằm bảo đảm sự liên kết và đồng bộ trong việc đầu tư và phát triển hạ tầng chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số và mạng di động 5G; hỗ trợ và đào tạo chuyển đổi số với việc hình thành và tổ chức mạng lưới chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo và tư vấn chuyển đổi số cho các DNNVV.

UBND TP. Hà Nội cũng cần xây dựng các gói hỗ trợ chuyển đổi số, bao gồm hướng dẫn và giải pháp công nghệ cho các nhóm đối tượng khác nhau, tùy theo quy mô, giai đoạn phát triển kinh doanh và theo lĩnh vực, ngành nghề.

Theo bà Trịnh Thị Ngân, chuyển đổi số hiện nay không chỉ tạo cơ hội kết nối mạng lưới, thu gọn khoảng cách giữa các bộ phận trong tổ chức, nâng cao hiệu suất quản trị doanh nghiệp và tối ưu hóa năng suất làm việc của nhân viên, còn giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh.

Để duy trì và nâng cao sự cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp phải thích nghi với sự thay đổi và sử dụng công nghệ số hóa để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, cải thiện hiệu suất và chất lượng, tạo ra giá trị cho khách hàng.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần xác định mục tiêu chiến lược chuyến đổi số của mình. Theo đó, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả cần tập trung vào 3 định hướng chính. Đó là, tối ưu hoạt động của doanh nghiệp. Với định hướng này, doanh nghiệp cần tối ưu hóa và tự động hóa quy trình, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, tăng hiệu quả để giảm chi phí.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có định hướng chuyển đổi mô hình kinh doanh. Mục tiêu này đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dụng nền tảng số, con đường kinh doanh mới và đem đến những sản phẩm số mới.

Cuối cùng là định hướng về giải pháp công nghệ giúp tối ưu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với việc tối ưu hóa quy trình vận hành. Theo đó, doanh nghiệp cần tối ưu hóa quy trình vận hành; xây dựng chuỗi cung ứng số; xây dựng nhà máy thông minh...

Minh Anh

Top