Doanh nghiệp chuyển đổi số để 'bứt phá'

11/10/2022 4:46 PM

(Chinhphu.vn) - Sau đại dịch COVID-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành chuyển đổi số, thúc đẩy phương án làm việc từ xa. Đây cũng là xu thế tất yếu, đòi hỏi các doanh nghiệp cần nhanh chống thích nghi nhằm mang lại hiệu quả vận hành, kinh doanh cao hơn.

Doanh nghiệp chuyển đổi số để 'bứt phá' - Ảnh 1.

Chuyển đổi số là điều kiện cần để các doanh nghiệp bứt phá trong thời kỳ phát triển mới. Ảnh: Internet

Chuyển đổi số hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp

Là doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ... ông Đặng Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường cho biết, chuyển đổi số đã hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Hiện tại, tất cả các báo cáo, từ yêu cầu sản xuất, hay đơn giản nhất là xác nhận chấm công, in ấn, báo cáo đi công tác đều thực hiện online, thậm chí duyệt đơn hàng cũng online và ký bằng chữ ký số.

"Hiệu quả chuyển đổi số chỉ là một phần, quan trọng hơn là chi phí vận hành của chúng tôi giảm bớt được lãng phí, góp phần tăng được hiệu suất quản lý của doanh nghiệp. Tất cả lịch sử, quản lý đơn hàng hoàn toàn có thể kiểm soát được, không cần kiểm soát bằng giấy. Hoặc khi khách hàng ở nước ngoài cần các báo cáo thì chúng tôi có thể linh hoạt, đối ứng rất nhanh", ông Đặng Thanh Bình chia sẻ.

Ngoài ứng dụng chuyển đổi số vào công tác quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả, thì nhiều đơn vị đã thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng. Để đem lại tiện ích hơn cho khách hàng, hệ thống siêu thị AEON mới đây đưa một số máy bán hàng tự động phục vụ tại khu vực thực phẩm chế biến.

Trước đây, khách hàng thường phải chọn từng món tại từng quầy, rồi xếp hàng chờ đến lượt thanh toán từng món. Nhưng với máy bán hàng này, khách hàng chọn tất cả các sản phẩm cần mua trên màn hình máy, thanh toán bằng thẻ ngân hàng hoặc quét mã QR, rồi đến từng quầy lấy hàng, nhanh chóng, tiện lợi hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Tuyến, đại diện Bộ phận dịch vụ của AEON khu vực miền Bắc cho biết: "Chúng tôi luôn cố gắng tích cực chuyển đổi số, ứng dụng những công nghệ mới để có thể phục vụ khách hàng một cách hiệu quả hơn"...

Chính sách cần gần hơn với doanh nghiệp

Hiệu quả của công tác chuyển đổi số trong các doanh nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc chuyển đổi số ở các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại đang gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn nhất trong chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp đó là con người vận hành trong hệ thống chuyển đổi này. Muốn chuyển đổi số thành công cần tối ưu hóa hệ thống, quy trình, quy định, biểu mẫu, dòng chảy công việc trong doanh nghiệp bằng bản cứng (bản giấy) trước. Cần xây dựng các hệ thống về tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn về kiểm tra, kiểm soát hoặc những hệ thống về báo cáo trước khi mềm hóa lại.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất chính là ở quy trình của doanh nghiệp chưa thực sự được các doanh nghiệp lưu ý khiến tiêu chuẩn được doanh nghiệp đặt ra không thống nhất và rất khó khăn trong quá trình vận hành.

Ngoài ra, cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong công tác chuyển đổi số cần phải dễ thực hiện. Bởi theo như ông Đặng Thanh Bình, thực tế, cơ chế chính sách thì có nhưng để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn hỗ trợ này đang còn rất khó vì còn vướng mắc và để doanh nghiệp nhận được hỗ trợ này là cả một sự vất vả của doanh nghiệp.

Thực tế, để nhận được gói hỗ trợ đôi khi doanh nghiệp mất chi phí nhiều hơn cả giá trị mà họ nhận được. Bên cạnh đó, nguồn thông tin để tiếp cận những gói hỗ trợ đấy cũng chưa đến được với doanh nghiệp.

Ngoài vấn đề về cơ chế chính sách, chuyển đổi số giúp nâng cao năng suất cho tổ chức, kiểm soát được quá trình và giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định một cách kịp thời và nhanh nhất. Tuy nhiên, đây là một quá trình và phải xuất phát từ nhận thức của người lãnh đạo, trong khi đó, phần lớn các lãnh đạo của các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại vướng vào vòng luẩn quẩn của sự tồn tại.

Có rất nhiều hoạt động sản xuất quan trọng đến mức nếu chỉ 1 giờ dừng máy sẽ gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Những chi phí này nếu đầu tư ngược lại cho hệ thống quản trị để đánh giá phân tích và cảnh báo sớm, thì chi phí này sẽ là rất nhỏ so với chi phí do bị dừng sản xuất. Tuy nhiên, không phải là lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng nhìn ra được.

Ngoài ra, để chuyển đổi số, vấn đề còn ở các nhân sự trong tổ chức. Bởi lẽ, chuyển đổi số là cái mới, trong khi đó, quan điểm của người lao động cứ thích làm theo thói quen, dẫn đến những thất bại trong mô hình hoạt động.

Theo ông Đặng Thanh Bình, năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, trong đó, có sự mất giá của nhiều đồng tiền lớn. Các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực xuất khẩu đối diện với sự phân vân của khách hàng nước ngoài trong việc đặt đơn hàng ở trong nước hay mua từ nước ngoài.

"Tỷ giá không còn là lợi thế, do đó, bên cạnh việc bảo đảm về chất lượng, làm theo tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, buộc doanh nghiệp phải tìm cách tinh gọn quy trình, tinh gọn hệ thống, thay đổi cách quản trị để giảm chi phí sản xuất đi thì doanh nghiệp mới có lợi nhuận. Trong đó, chuyển đổi số đã hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp", ông Đặng Thanh Bình nhấn mạnh.

Thùy Linh

Top