Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chủ động kết nối, mở rộng thị trường

20/12/2021 12:22 PM

(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh khó khăn, thách thức của dịch COVID-19 và làn sóng dịch chuyển các nhà máy sản xuất về khu vực Đông Nam Á, cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cần nhanh chóng biến nguy thành cơ, chủ động đón đầu các cơ hội, quảng bá, kết nối kinh doanh, mở rộng thị trường.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội chủ động kết nối kinh doanh, mở rộng thị trường

Ngay sau khi TP. Hà Nội trở lại trạng thái bình thường mới, Công ty cổ phần Công nghiệp phụ trợ TOMECO đã ký kết hợp đồng thuê đất xây dựng nhà máy sản xuất công nghiệp phụ trợ công nghệ cao tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP). Dự kiến, nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2022, chế tạo và cung cấp các sản phẩm theo đơn đặt hàng của đối tác trong lĩnh vực cơ khí chính xác, các linh kiện, phụ kiện quạt công nghiệp, sản phẩm cơ khí phi tiêu chuẩn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu cho các tập đoàn đa quốc gia.

Nhiều năm nay, doanh nghiệp này đã tham gia vào nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu như cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho Tập đoàn General Electric-GE (Hoa Kỳ), Công ty Greens Combustion (Anh)… Đây là một tín hiệu vui sau thời gian doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội phải chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Hà Nội là địa phương có nhiều lợi thế lớn trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ, phủ rộng ở nhiều lĩnh vực từ công nghiệp hỗ trợ cho ôtô, cơ khí đến công nghiệp hỗ trợ cho điện tử, dệt may… Tuy nhiên, khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP.Hà Nội (HANSIBA) cho thấy, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến gần 90% số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc hiệp hội bị giảm doanh số; 50% số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng và một số doanh nghiệp đã phải chuyển hướng sản xuất.

Cùng với đó, hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã xuất hiện, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi sản xuất cung ứng cho các tập đoàn, tổng công ty đa quốc gia như: Samsung, Canon, Toyota, Ford,… Dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến tiến độ, quá trình triển khai và phát triển các nhà máy, xí nghiệp, những dự án mới của doanh nghiệp.

Tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội có khá nhiều các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội quan tâm đăng ký thuê đất để lập nhà máy, nhưng do dịch bệnh mà các chuyên gia nước ngoài, các đối tác liên doanh không sang được Hà Nội để cùng triển khai, khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội thu hút và sản xuất đáp ứng các đơn hàng quốc tế mới.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố đã chủ động chuyển đổi mô hình, thay đổi chiến lược, ứng phó linh hoạt, đồng thời cũng nhanh chóng phục hồi khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Trong đó, nhiều doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi số, liên kết với các đối tác đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất và năng lực thiết bị cho doanh nghiệp; tìm kiếm những khoản vốn vay ưu đãi để mua sắm máy móc, thiết bị, đầu tư dự án nhà máy mới, tăng cường sản xuất đón đầu nhu cầu thị trường.

Tạo động lực cho công nghiệp hỗ trợ

Ông Đàm Tiến Thắng, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để ngành công nghiệp hỗ trợ vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, TP. Hà Nội cũng đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển theo hướng sát thực tế nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Trong bối cảnh khó khăn, thách thức của dịch COVID-19 và làn sóng dịch chuyển các nhà máy sản xuất về khu vực Đông Nam Á, cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cần nhanh chóng biến nguy thành cơ, chủ động đón đầu các cơ hội, quảng bá, giới hiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kết nối kinh doanh, mở rộng thị trường.

Thành phố Hà Nội sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, tập trung phát triển ba lĩnh vực chủ chốt là: sản xuất linh kiện phụ tùng, công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may - da giày.

Đồng thời, thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Các sở, ngành, hiệp hội, đơn vị liên quan cũng đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu… Nhiều chương trình kết nối đã được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho các đơn vị sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Diệu Anh

Top