Doanh nghiệp đóng góp lớn vào việc phát triển kinh tế Thủ đô

07/10/2024 4:10 PM

(Chinhphu.vn) - 70 năm sau Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Thủ đô Hà Nội đang dần chuyển mình, trở thành địa phương có tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc. Để có những thành tựu đó, không thể không nhắc đến vai trò to lớn của các doanh nghiệp.


Doanh nghiệp đóng góp lớn vào việc phát triển kinh tế Thủ đô- Ảnh 1.

Hà Nội hiện có khoảng 370.000 doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Diệp Anh

Góp phần xây dựng Hà Nội thành một trung tâm kinh tế hiện đại

Theo TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, suốt 70 năm qua, trong sự phát triển của Hà Nội không thể không nhắc đến sự đóng góp to lớn của cộng đồng các doanh nghiệp. Từ việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, đến đổi mới sáng tạo…

Việc phát triển và phát huy vai trò của doanh nghiệp ở Hà Nội đã góp phần giải phóng, phát triển sức sản xuất và phát huy nội lực vào phát triển kinh tế-xã hội; góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách và tham gia giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội trên địa bàn.

Từ năm 2008, Hà Nội có bước đột phá khi mở rộng địa giới hành chính và trở thành một Thủ đô rộng lớn như hiện nay. Điều này đã khiến cơ cấu kinh tế của Hà Nội đang ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại, bền vững, xanh hơn, sạch hơn.

Kể từ khi mở rộng, quy mô thu nhập của Hà Nội đã tăng rất mạnh mẽ trong quãng thời gian từ năm 2010 cho đến năm 2023 với GDP thường là dẫn đầu cả nước với mức tăng trưởng khoảng 7%.

Đặc biệt, sau hơn 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, doanh nghiệp, doanh nhân đã khẳng định vai trò, bản lĩnh trong thời kỳ mới, đóng góp phát triển kinh tế-xã hội… nhờ sức mạnh cộng hưởng, xứng đáng là đầu tàu của đất nước.

Hà Nội hiện có khoảng 370.000 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% đã và đang đóng góp khoảng 50% GRDP trên địa bàn… Trong 15 năm qua, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao hơn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước thực sự khẳng định vai trò doanh nghiệp, doanh nhân trong thời kỳ mới của đất nước.

Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện từng bước, gắn với niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nâng lên. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn từ 2008 đến nay đều hoàn thành và vượt dự toán được giao.

"Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo ra hàng triệu việc làm cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao mức sống của người lao động tại Hà Nội. Cùng với đó, thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đóng thuế, doanh nghiệp đã đóng góp đáng kể vào ngân sách của thủ đô…", TS. Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn tại Hà Nội thường đi đầu trong việc ứng dụng các công nghệ mới và đổi mới sáng tạo, điều này không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tham gia vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, như xây dựng khu đô thị, hệ thống giao thông và các công trình công cộng, điều này góp phần làm thay đổi bộ mặt của thủ đô, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đồng thời, hỗ trợ cộng đồng và phát triển bền vững…

Tóm lại, các doanh nghiệp tham gia vào mọi khía cạnh của đời sống kinh tế và xã hội, từ sản xuất công nghiệp, dịch vụ, bất động sản, đến giáo dục và môi trường, giúp xây dựng Hà Nội thành một trung tâm kinh tế hiện đại, phát triển bền vững và có sức cạnh tranh cao.

Cần chính sách hỗ trợ nâng tầm doanh nghiệp

Doanh nghiệp đóng góp lớn vào việc phát triển kinh tế Thủ đô- Ảnh 2.

Doanh nghiệp đóng góp lớn vào việc phát triển kinh tế Thủ đô. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Thời gian tới, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp mong Thành phố tiếp tục đột phá mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính, với nền công vụ hiện đại, đổi mới công tác cán bộ, công chức thực sự vì cộng đồng doanh nghiệp, vì người dân để tạo nên một bước ngoặt lớn.

Về giải pháp trong dài hạn, TS. Mạc Quốc Anh nhấn mạnh, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ nâng tầm doanh nghiệp thông qua nhiều giải pháp như sớm sửa đổi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển hướng, từng bước cụ thể các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ chiều rộng, dàn trải sang chiều sâu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ cấu lại năng lực sản xuất nhằm phát triển ổn định, lâu dài.

Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa công tác hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ về vốn, tín dụng… Đối với các chương trình công tác để hỗ trợ doanh nghiệp, Thành phố cần thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp và có báo cáo kết quả giải quyết các vướng mắc, kiến nghị; công tác triển khai việc hỗ trợ trực tiếp thông qua các gói hỗ trợ, nội dung hỗ trợ, xúc tiến đầu tư, cũng như giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển doanh nghiệp nên có báo cáo đánh giá hiệu quả, kết quả sau khi hỗ trợ… để thấy rõ kết quả doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách.

Theo TS. Mạc Quốc Anh, từ nay đến năm 2030, các doanh nghiệp tại Hà Nội sẽ không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn dẫn đầu trong các xu hướng phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, và hội nhập quốc tế. Vai trò của họ sẽ ngày càng quan trọng hơn trong việc xây dựng một Thủ đô hiện đại, phát triển bền vững và hội nhập toàn cầu.

Thời gian tới, UBND Thành phố cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh như thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chương trình hành động, kế hoạch triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở rà soát, kiểm tra, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tăng chi phí, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp;

Đồng thời, tăng cường hơn nữa các hoạt động tiếp xúc, đối thoại; thực hiện hiệu quả kế hoạch nâng cao các chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, Thành phố cần tiếp tục chỉ đạo Sở, ngành, các địa phương tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia có hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, xuất khẩu, phát triển thị trường thị trường trong nước và xuất khẩu gắn nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, với thực hiện chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, khuyến mại tập trung, kích cầu tiêu dùng, khuyến công... Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất khẩu...

Có thể khẳng định, từ sau ngày giải phóng đến nay, các doanh nghiệp đã và đang đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội. Họ không chỉ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế mà còn là những nhân tố quyết định cho sự thay đổi và tiến bộ xã hội, góp phần xây dựng một Thủ đô văn hiến, văn minh và hiện đại.

Diệu Anh

Top