Doanh nghiệp kỳ vọng vào thị trường nội địa

08/05/2023 3:58 PM

(Chinhphu.vn) - Trước những khó khăn của thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp, ngành hàng đang đặt kỳ vọng lớn vào thị trường tiêu thụ nội địa trong năm 2023.

Doanh nghiệp kỳ vọng vào thị trường nội địa - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp hướng tới thị trường nội địa. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại bún, miến khô xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Châu Âu... Tổng Giám đốc Công ty CP Minh Dương Nguyễn Duy Hồng cho hay, trong thời gian dịch COVID-19, xuất khẩu gặp khó khăn nên doanh nghiệp chuyển sang chủ yếu sản xuất phục vụ thị trường trong nước. Dự kiến trong năm 2023 doanh nghiệp sẽ cung ứng cho thị trường nội địa 500.000 tấn bún, miến khô.

Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP Thân Đức Việt, May 10 đang tập trung vào định vị sản phẩm, thị trường và quản trị công nghệ cũng như mô hình sản xuất để có hướng đi phù hợp. Đồng thời, tái cấu trúc, chuyển đổi số, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu xanh để đáp ứng tiêu chuẩn và phát triển.

 "Với quy mô dân số 100 triệu dân, Việt Nam sẽ là thị trường tiêu dùng hàng dệt may tiềm năng cho các doanh nghiệp", ông Thân Đức Việt cho hay.

Thực tế cho thấy để hỗ trợ đơn vị sản xuất quảng bá, tiêu thụ sản phẩm Việt trong hoàn cảnh hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn, doanh nghiệp bán lẻ cũng đẩy mạnh các chương trình kích cầu qua đó hỗ trợ đưa sản phẩm ra thị trường 100 triệu dân tiêu thụ.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công Thương Hà Nội đang vận động các đơn vị bán lẻ tăng chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán. Thông qua hoạt động này, doanh nghiệp bán lẻ liên tục triển khai các chương trình khuyến mãi giảm giá hàng hóa vượt mức 50%.

Sở Công Thương Hà Nội đã và đang chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và các chương trình xúc tiến thương mại.

TP. Hà Nội cũng giao các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động nắm tình hình và tăng cường phối hợp, đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh và thực hiện các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng.

Số liệu thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô trong quý I-2023 đạt khoảng 184,4 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 118,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,4% tổng mức và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.

"Thông qua các chương trình kích cầu nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khá đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Thủ đô", bà Trần Thị Phương Lan đánh giá.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, yếu tố hấp dẫn về lâu dài của thị trường tiêu dùng nội địa gần 100 triệu dân vẫn luôn hiển hiện. Trong lúc các trụ cột tăng trưởng như xuất khẩu gặp khó; đầu tư cần thời gian để lan tỏa, thì thúc đẩy trụ cột tiêu dùng chính là cách hay nhất, ít tốn kém nhất mà lại đạt hiệu quả cao nhất.

Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú khẳng định: "Chắc chắn trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, phải tiếp tục coi tiêu dùng trong nước là động lực quan trọng để góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm".

Cũng theo ông Phú, thị trường nội địa là cứu cho các doanh nghiệp, vì vậy đơn vị bán lẻ trong nước nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu rút ngắn thời gian thanh toán tiền hàng, giúp doanh nghiệp có vốn lưu động, đáp ứng cho sản xuất và dự trữ. Đồng thời, các ngân hàng nên nâng hạn mức định giá những tài sản thế chấp qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tăng giá trị vốn vay lưu động ngắn hạn.

Nhằm thúc đẩy tiêu dùng và phát triển bền vững thị trường trong nước, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật về phát triển thị trường trong nước bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước; hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất của các làng nghề, các hộ nông dân, hợp tác xã… trong hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước; quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam…


Diệu Anh

Top