Doanh nghiệp nội giữ vai trò chủ lực trong xuất khẩu

15/07/2024 12:43 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu của TP. Hà Nội năm 2023 đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Điều đáng ghi nhận là doanh nghiệp Hà Nội đã khẳng định sự tăng trưởng lớn mạnh thông qua việc giữ vai trò chủ lực trong hoạt động xuất khẩu, giảm dần sự lệ thuộc vào doanh nghiệp FDI.

Doanh nghiệp nội giữ vai trò chủ lực trong xuất khẩu- Ảnh 1.

Doanh nghiệp khẳng định sự tăng trưởng thông qua việc giữ vai trò chủ lực trong hoạt động xuất khẩu. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Giảm dần sự lệ thuộc vào doanh nghiệp FDI

6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố Hà Nội ước đạt 8,9 tỷ USD, tăng 11%; trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 19,7 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Thủ đô đạt 28,6 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Đặc biệt, doanh nghiệp Hà Nội đã khẳng định sự tăng trưởng lớn mạnh thông qua việc giữ vai trò chủ lực trong hoạt động xuất khẩu, giảm dần sự lệ thuộc vào doanh nghiệp FDI khi kim ngạch xuất khẩu đạt 5,2 tỷ USD, tăng 14,8%. Trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt 3,7 tỷ USD, tăng 6,1%. Kết quả này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình xuất khẩu hàng Việt ra thị trường thế giới.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, kim ngạch xuất khẩu Hà Nội nói riêng cả nước nói chung tăng tăng trưởng cho thấy sự phục hồi của sản xuất cũng như nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng các FTA đã ký kết. Mặt khác, doanh nghiệp cũng tích cực tìm kiếm khách hàng, điều chỉnh mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp thực tế.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Lê Anh Tuấn, để tăng kim ngạch xuất khẩu, Hapro đã cố gắng tìm kiếm thị trường mới, phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu. Cùng với đó, Hapro chủ động nguồn hàng xuất khẩu thông qua đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến hàng nông sản... Hiện nay, các mặt hàng của Hapro đã được xuất khẩu tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang, nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu các thành viên hiệp hội đã tập trung nghiên cứu sản phẩm mới, chất liệu mới, đẩy nhanh tốc độ sản xuất qua đó thực hiện các đơn hàng khó, thời gian giao hàng nhanh...

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang tập trung tận dụng Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA, tăng kim ngạch xuất khẩu dệt may vào thị trường EU, đồng thời tăng cường tìm kiếm thị trường mới như châu Phi, Nga… Nhiều doanh nghiệp dệt may như Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân đã ký đơn hàng đến tháng 8/2024.

Có thể thấy rằng, kinh tế Hà Nội đã đi qua nửa chặng đường của năm với những kết quả khả quan khi kim ngạch xuất khẩu đã đạt 8,9 tỷ USD trong khi kế hoạch đề ra mốc 18,5 tỷ USD, tăng 4-5% so với năm 2023. Trong khi đó, từ nay đến hết năm các thị trường là đối tác chiến lược của Việt Nam tiếp tục có đà phục hồi mạnh mẽ, tuy nhiên để có thể khai thác thị trường thế giới đòi hỏi đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại.

Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các thị trường mới

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Ánh Dương cho biết, từ nay đến hết năm 2024, TP. Hà Nội dự kiến tổ chức hàng chục sự kiện xúc tiến thương mại lớn trong và ngoài nước, trong đó có từ 8-10 sự kiện tổ chức ở nước ngoài.

Bên cạnh việc tham gia hội chợ quốc tế, TP. Hà Nội còn đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua nền tảng số trong cơ chế trao đổi thông tin với các tham tán thương mại và các tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, để biến cơ hội kết nối thành các hợp đồng thương mại bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý cần sự nhạy bén và khả năng đáp ứng yêu cầu khách hàng của từng doanh nghiệp.

Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, một số chương trình xúc tiến thương mại của Hà Nội thời gian qua đã tạo được thương hiệu, có sự lan tỏa, kết nối các địa phương. Hoạt động này không chỉ hỗ trợ doanh Hà Nội mà còn tiếp sức doanh nghiệp các tỉnh, TP trong cả nước quảng bá sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu.

"Thời gian qua, TP. Hà Nội tổ chức hội chợ đặc sản vùng miền thường niên, các chương trình tiếp cận hệ thống phân phối lớn tại nước ngoài như: AEON (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Big C, Go (Central Group).. đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận hệ thống bán lẻ quốc tế, từ đó xuất khẩu tại chỗ", ông Vũ Bá Phú Phú cho hay.

Để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian tới, ngành công thương Hà Nội tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các thị trường mới trên cơ sở tận dụng lợi thế các Hiệp định FTA.

Đồng thời tập trung phát triển và quản lý loại hình thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn nữa sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế, từ đó giúp doanh nghiệp đưa hàng hóa vào kênh phân phối nước ngoài.

Thùy Linh

Top