Doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng, phát triển Thủ đô
(Chinhphu.vn) – Những năm qua, số doanh nghiệp tư nhân của Hà Nội đã không ngừng phát triển, đổi mới, đóng góp tới 40% tổng sản phẩm (GRDP) cho Thành phố cũng như tạo công ăn việc làm cho hơn 50% lao động. Qua đó có thể thấy, doanh nghiệp tư nhân đã và đang ngày càng có vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.
Ảnh minh họa |
Trong năm 2020, Hà Nội cấp giấy chứng nhận cho hơn 26.400 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 337.689 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội lên hơn 303.600 doanh nghiệp (đứng thứ hai về số lượng doanh nghiệp trên cả nước). Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là gần 6.300 doanh nghiệp (tăng 21% so với cùng kỳ). Giai đoạn từ năm 2016 đến 2020, TP. Hà Nội có hơn 112.000 doanh nghiệp thành lập mới; số lượng doanh nghiệp thành lập mới trung bình mỗi năm tăng 9,7%.
Số doanh nghiệp tư nhân của Hà Nội đã không ngừng phát triển, đổi mới, đóng góp tới 40% tổng sản phẩm (GRDP) cho Thành phố cũng như tạo công ăn việc làm cho hơn 50% lao động. Qua đó có thể thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân của TP. Hà Nội đã và đang ngày càng có vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô và đất nước.
Để đạt được điều này, những năm qua, TP. Hà Nội đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”. Đến năm 2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã đạt 100%. Các ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp như đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đất đai, vốn, điện năng đều được chú trọng để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, Hà Nội thực hiện 100% đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử; triển khai tích hợp 4 dịch vụ tiện ích hỗ trợ doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh. Kê khai thuế qua mạng đạt 97,1%; 95,5% đơn vị đăng ký nộp thuế điện tử và tỷ lệ tiền thuế nộp điện tử đạt khoảng 95%; trao đổi thông tin với doanh nghiệp 100% qua thư điện tử…
Bước sang giai đoạn 2021-2025, doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố phấn đấu đạt được các chỉ tiêu tạo thêm khoảng 1,5 triệu việc làm mới cho người lao động; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô; đóng góp trên 40% tăng trưởng GRDP và trên 30% ngân sách Thành phố.
Hỗ trợ chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) cho biết, bên cạnh những kết quả đạt mà khu vực kinh tế tư nhân đem lại cho nền kinh tế Thủ đô, thì hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn rất hạn chế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị và tiếp thị, thậm chí còn kinh doanh theo kinh nghiệm hay chụp giật.
Để khắc phục các hạn chế cũng như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khu vực tư nhân, TP. Hà Nội đã thực hiện tư vấn, hướng dẫn miễn phí cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục về đăng ký doanh nghiệp; tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng đề tài khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh; hỗ trợ cung cấp thông tin và mở rộng thị trường.
Cùng đó, hình thành và đẩy mạnh hoạt động của một số vườn ươm doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh… Xây dựng Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045”.
Ngay trong năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm từ 7,5% trở lên. Tại Quyết định số 5742/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ban hành, phê duyệt đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.
Theo đó, có 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để hỗ trợ thực hiện đề án trên, gồm hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ cho hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ theo cơ chế của Hà Nội.
Các chính sách hỗ trợ cụ thể bao gồm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp; hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp... Đồng thời hỗ trợ ít nhất 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thuộc các ngành: công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ điện tử...
Ngoài ra tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng dịch vụ công trực tuyến. Phấn đấu đến năm 2025, đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp gia nhập thị trường, góp phần cải thiện chỉ số PCI của Thành phố. Tháo gỡ vốn, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường. Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường…
Diệu Anh