Đổi mới công tác dân vận theo hướng sâu sát cơ sở
(Chinhphu.vn) - Qua việc tổ chức triển khai phong trào "dân vận khéo", nhiều việc mới, việc khó, phát sinh ở cơ sở đã được giải quyết, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của nhân dân.
Chiều 26/12, tại hội nghị tổng kết công tác dân vận năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Ban Dân vận Thành ủy cho biết, công tác dân vận được trong năm qua được đổi theo hướng sâu sát cơ sở, tăng cường đối thoại, vận động, thuyết phục, hạn chế các biện pháp hành chính trong giải quyết các vụ việc phát sinh trong Nhân dân.
Triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, góp phần đấu tranh chống suy thoái về đạo đức, lối sống; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tạo sự gắn bó,, đoàn kết trong các cơ quan, đơn vị; củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân.
Công tác kiểm tra công vụ được thực hiện thường xuyên và đột xuất với 38 cuộc kiểm tra công vụ, trong đó có 33 cuộc kiểm tra đột xuất và 5 cuộc kiểm tra xác minh theo chỉ đạo của Thành phố. Các cơ quan hành chính của Thành phố triển khai 370 cuộc thanh tra và đã kết luận 289 cuộc. Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi về Ngân sách Nhà nước 81,5 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 45 tập thể và 158 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 3 cuộc.
Năm 2023, tổng số mô hình “Dân vận khéo” từ cấp cơ sở đến cấp Thành phố được đăng ký triển khai là trên 13.660 mô hình. Qua tổ chức triển khai phong trào, nhiều việc mới, việc khó, phát sinh ở cơ sở đã được giải quyết, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân.
Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị được thực hiện theo quy định pháp luật. Trong đó tiếp thường xuyên 22.858 lượt công dân (giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2022) đến khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Lãnh đạo các cơ quan hành chính đã tiếp định kỳ, đột xuất 11.751 lượt công dân, trong đó đã tiếp 75 lượt đoàn đông người đến khiếu nại tố cáo (từ 10 người trở lên/đoàn) với 37 vụ việc…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng biểu dương, đánh giá cao kết quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn Hà Nội. Phong trào đã được triển khai sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng yếu, các lĩnh vực mà các cấp ủy đảng, chính quyền đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo như công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trong đồng bào có đạo, đồng bào dân tộc.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện để công tác dân vận thời gian tới đạt kết quả cao hơn. Trong đó, Ban dân vận các cấp của Thành phố cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác dân vận của hệ thống chính trị theo hướng thiết thực, gắn bó mật thiết với cuộc sống Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa và thực hiện hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ”, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu về vị trí, vai trò công tác dân vận trong tình hình mới.
Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong công tác dân vận; làm tốt công tác dân vận nhằm tạo sự đồng thuận của người dân trong giải phóng mặt bằng triển khai các dự án lớn của Thành phố. Đặc biệt là gắn phong trào thi đua “Dân vận khéo” với việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), tạo không khí phấn khởi trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân Thủ đô.
Ngoài ra, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2023, vì thế các địa phương, đơn vị cần triển khai một cách hiệu quả, thực chất. Trong đó, chú trọng việc tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò và quan tâm, tạo điều kiện để các tổ dân vận ở cơ sở hoạt động hiệu quả hơn nữa.
Gia Huy