Đổi mới trong công tác quản lý lễ hội
(Chinhphu.vn) - Mỗi dịp Xuân về, công tác quản lý lễ hội luôn nhận được sự quan tâm của các cấp quản lý lẫn người dân, mùa lễ hội Xuân năm 2019, nhiều quận, huyện nơi diễn ra các lễ hội lớn trên địa bàn Hà Nội đều cho biết đã xây dựng kế hoạch, đổi mới trong công tác tổ chức để thu hút du khách.
Lễ hội đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh năm 2018 |
Góp phần giáo dục văn hóa truyền thống
Theo ông Trần Xuân Hà, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, mỗi năm Hà Nội có trên 1.000 lễ hội lớn nhỏ chủ yếu được tổ chức vào dịp đầu Xuân. Tất cả các lễ hội đều hướng đến truyền thống tốt đẹp dựng nước giữ nước của dân tộc. Lễ hội là nhu cầu chính đáng của người dân, cũng là dịp để quảng bá văn hóa Thủ đô, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Ông Trần Xuân Hà cho biết, công tác quản lý lễ hội trong thời gian qua được Thành phố quan tâm đặc biệt. Quan điểm của Thành phố là luôn quan tâm đến các hoạt động văn hóa tinh thần, đặc biệt là các lễ hội. Những năm qua công tác quản lý lễ hội có nhiều đổi mới, năm sau tốt hơn các năm trước. Thành phố cũng quan tâm đầu tư tu bổ nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cả vật thể và phi vật thể.
Ở mùa lễ hội năm 2019, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Bùi Thị Thu Hiền cho biết, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu UBND Thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại 30 quận, huyện, thị xã.
Sở cũng đã hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền về di tích lịch sử, ý nghĩa lễ hội; phổ biến pháp luật, hướng dẫn nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự và lễ hội; chỉ đạo các ngành, các cấp, các ban quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội nâng cao tinh thần trách nhiệm; kịp thời giải quyết, chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại diễn ra trong lễ hội trên địa bàn.
Chùa Hương với chủ đề "Lễ hội kỷ cương - văn minh du lịch"
Năm 2019 là năm đầu tiên Mỹ Đức tổ chức lễ hội sau khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn - chùa Hương là Di tích quốc gia đặc biệt. Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết, để tổ chức lễ hội thành công, huyện Mỹ Đức đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền lễ hội chùa Hương năm 2019 với chủ đề "Lễ hội kỷ cương - văn minh du lịch". Huyện Mỹ Đức đã đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về du lịch và tổ chức lễ hội, đặc biệt, huyện xác định lễ hội năm 2019 phải bảo đảm "an toàn, văn minh, lịch sự đạt hiệu quả cao".
Ông Lê Văn Hoạt cho biết, năm nay là năm lễ hội có nhiều đổi mới trong tổ chức triển khai, ngay từ trước lễ hội, huyện Mỹ Đức đã tổ chức nhiều hội nghị để tuyên truyền đến với người dân, thực hiện quy định pháp luật về an toàn đường thủy...
Ban Tổ chức lễ hội đã thành lập các tiểu ban, trạm kiểm tra, tổ kiểm tra; trưng tập một số cán bộ, chiến sỹ của các cơ quan Thành phố, huyện, xã Hương Sơn tham gia phục vụ lễ hội gồm: Tiểu ban văn hóa - xã hội; kinh tế - tài chính, an ninh trật tự, quản lý di tích - thắng cảnh và vệ sinh môi trường, quản lý điều hành cổng trạm; điều hành vận chuyển khách.
Về dịch vụ, lễ hội sẽ không bố trí các điểm kinh doanh ở nội tự các chùa, động, các đoạn đường hẹp hoặc vực sâu không an toàn, khu vực sân của nhà thường trực Ban tổ chức tại Thiên Trù, sân ngoài cổng Nam Thiên Môn, sân động Hương Tích, khu vực sân cổng động Hương Tích. Ban tổ chức cũng cấm quảng cáo và tổ chức các dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực lễ hội.
Các chủ hộ trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải được tập huấn và được cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, có tủ bảo quan thực phẩm đặt ở vị trí phù hợp, không treo móc thịt các loại trong tủ và ngoài cửa hàng gây phản cảm, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Riêng với đò vận chuyển khách, huyện Mỹ Đức đã tổ chức 4.000 đò hoạt động trên suối Yến, bảo đảm yêu cầu về an toàn đường thủy như trang bị phao cho du khách, bố trí giỏ đựng rác. Đối với các khu vực tổ chức dịch vụ, đây là năm đầu tiên tổ chức 318 gian hàng và đều ký cam kết bảo đảm về vệ sinh an toàn thực phẩm và các nội dụng khác theo yêu cầu của ban tổ chức.
Đây là năm huyện Mỹ Đức triển khai tổ chức lễ hội đồng bộ ở các cấp chính quyền, tuyên truyền đầy đủ đến người dân, hứa hẹn tổ chức thành công, thu hút nhiều du khách.
"Huyện Mỹ Đức đã in 15 triệu vé thắng cảnh và hy vọng lễ hội thu hút khách hơn mọi năm nhờ đổi mới công tác tổ chức", ông Lê Văn Hoạt cho biết.
Đổi mới để thu hút du khách
Năm nay cũng là năm đầu tiên lễ hội Gò Đống Đa được tổ chức sau khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 12/2018. Lễ hội trùng với dịp Gò Đống Đa chính thức trở thành di tích quốc gia đặc biệt nên từ rất sớm UBND quận Đống Đa đã xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm chào mừng sự kiện trọng đại này.
Theo ông Phan Hồng Việt, Phó Chủ tịch quận Đống Đa, riêng công tác tuyên truyền đã được quận thực hiện từ tháng 9/2018 với các nội dung giáo dục lòng yêu nước, truyền thống văn hiến anh hùng của dân tộc; nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc; thể hiện lòng biết ơn sâu sắc các thế hệ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Nhằm tuyên truyền giáo dục về ý nghĩa di tích đến thế hệ trẻ, quận đã giao các đơn vị liên quan thuộc quận phối hợp cùng các Trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn tổ chức hoạt động “Trường học tích cực, học sinh thân thiện” thông qua các chuyến tham quan, tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của các di tích trên địa bàn quận trong đó có di tích Gò Đống Đa.
Hội Gò Đống Đa khai hội vào ngày mùng 5 tháng Giêng, năm nay chương trình lễ hội bao gồm rất nhiều hoạt động như: lễ dâng hương, lễ rước kiệu, múa rồng, biểu diễn nghệ thuật dân tộc, các trò chơi dân gian... với sự tham gia của nhiều đoàn tế lễ, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và đông đảo quần chúng nhân dân Thủ đô Hà Nội và các địa phương lân cận…; chương trình biểu diễn nghệ thuật “Màn sử thi” chào mừng Lễ kỷ niệm.
Đối với lễ hội đền Sóc, Phó Chủ tịch huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh cho biết, phát huy kết quả của mùa lễ hội năm 2018, huyện đã có những đổi mới trong tổ chức, quản lý cho năm nay.
Lễ hội đền Sóc được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 6-8 (âm lịch) tháng Giêng. Năm 2019, huyện tiếp tục thực hiện đổi mới trong các nghi thức lễ rước. Sau nghi lễ rước giò hoa tre và trầu cau sẽ không tổ chức tán lộc để tránh hành động cướp giật phản cảm. Việc phát lộc được chia nhỏ và phát vào thời điểm thích hợp để tránh chen lấn, xô đẩy. Lễ hội cũng hạn chế thắp hương, đốt tiền lẻ, không tổ chức điểm bán hàng trong khu vực 1 của di tích.
Ông Lê Hữu Mạnh cho biết, việc tổ chức trông giữ phương tiện cũng được chuẩn bị chu đáo để không diễn ra việc tổ chức, cá nhân bắt chẹt du khách; không để lấn chiếm lòng đường, bán hàng rong, nghiêm cấm trò chơi mang tính bạo lực, mang hình thức cờ bạc, ăn tiền. Hàng ăn uống phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường…
Phó Chủ tịch huyện Sóc Sơn cho biết, những thay đổi trong công tác quản lý, tổ chức nhằm để thu hút du khách đến với lễ hội đền Sóc hơn những năm trước.
Gia Huy