Đối phó nhanh, mạnh sẽ nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh tả lợn

04/03/2019 6:18 PM

(Chinhphu.vn) - Những ngày qua bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình dịch tễ cho đàn lợn ở nước ta. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, sự chủ động phòng chống dịch của người dân, chúng ta sẵn sàng đối diện với “tâm bão” và có biện pháp đối phó, khắc phục với tinh thần tập trung quyết tâm cao nhất.

Chăn nuôi an toàn sinh học sẽ giúp bảo đảm vấn đề ATTP, phòng ngừa dịch bệnh và ổn định kinh tế cho người chăn nuôi - Ảnh Thiện Tâm

Virus dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã tấn công đàn lợn của hơn 20 quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, từ tháng 8/2018, Chính phủ và các Bộ, ngành đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch. 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, trong Hội nghị trực tuyến sáng nay, Thủ tướng Chính phủ đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến các địa phương xem xét lại mưc hỗ trợ, theo hướng ít nhất 80% giá thị trường.

Với ý kiến cá nhân ông Sơn cho rằng nên quy định, phân loại rõ mức hỗ trợ đối với loại lợn thương phẩm và lợn nái, lợn đực giống, lợn con giống. Tùy loại có thể tăng từ 1-1,5 lần mức hỗ trợ, bởi vì loại lợn nái thường có giá trị cao hơn giống khác, hơn nữa cũng là để tránh hiện tượng bán chạy, bán tháo, vứt xác ra kênh mương, nơi công cộng. Tùy tình hình thực tế, sẽ điều chỉnh phù hợp cho bà con nhân dân đỡ thiệt thòi.

Bên cạnh đó, cần chủ động, kịp thời lấy nguồn quỹ dự phòng của địa phương để chi cho công tác phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại mức thấp nhất, bảo đảm công khai dân chủ, tránh hiện tượng tiêu cực xảy ra.

Thời gian vừa qua, Hà Nội đã quyết liệt thực hiện đồng bộ giải pháp ứng phố kịp thời thực hiện nghiêm túc quy định của thành phố bảo đảm mức độ thời gian và hiệu quả. Do đó, các dịch bệnh vài năm nay đều triển khai kịp thời, chưa bao giờ chậm trễ, tuy có một số địa phương còn chậm trễ nhưng đều đã được quán triệt.

Cũng theo ông Sơn, mặc dù dịch bệnh trong thời gian qua gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng tâm lý đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, một mặt chúng ta tích cực tuyên truyền thông tin về sự nguy hiểm của bệnh dịch, đồng thời bà con nhân dân cũng không quá hoang mang lo lắng vì nếu có biện pháp phòng ngừa, đối phó nhanh, mạnh, hiệu quả thì sẽ nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Bên cạnh đó, chúng ta không quay lưng với con lợn, thịt lợn bởi nếu không sẽ ứ trệ, lợn không xuất bán được, vô hình chung thiệt hại cho trang trại, hộ dân có đàn lợn khỏe, lợn sạch đến thời điểm phải xuất chuồng.

Mặc dù đang phải đối diện với vấn đề tồn tại dịch bệnh, nhưng chúng ta vẫn ăn thịt, chế phẩm từ thịt lợn bình thường vì theo nghiên cứu nó chưa gây bệnh cho người. Lưu ý với người dân là nên ăn chín uống sôi, không ăn tươi sống; đồ chế biến chưa qua nấu chín kỹ, không sôi, dưới 70 độ C sẽ rất nguy hiểm với sức khỏe.

Nhằm tích cực ngăn ngừa, đối phó với vấn đề dịch bệnh như hiện nay, thành phố Hà Nội quyết tâm không để xảy ra dịch bệnh, nghĩa là bảo đảm vệ sinh thực phẩm, hoạt động lưu thông diễn ra bình thường. Tiếp tục kiểm dịch, kiểm soát về vấn đề giết mổ chặt chẽ, không sử dụng lợn bệnh, thực phẩm chưa chín, bán chạy, vứt xác ra kênh mương, nơi công cộng tràn lan, gây mầm họa dịch bệnh diện rộng. Các địa phương chủ động, quyết liệt ngăn chặn hành vi tiêu thụ lợn ốm chết, không rõ nguồn gốc, cơ sở giấu diếm giết mổ lợn bệnh vì ham lợi nhuận… Khi phát hiện nghi vấn phải tiêu hủy hoàn toàn.

Đồng thời, chính quyền các cấp cùng người dân Thủ đô chung tay tiêu hủy, đặc biệt người dân có vườn rộng có thể tiêu hủy tại nhà là tốt nhất, đào hồ sâu 2m trở lên, đào sâu chôn chặt, sử dụng nhiều vôi bột để xử lý sẽ tiêu diệt hoàn toàn mầm bệnh, vi khuẩn và không bị ngấm đến môi trường xung quanh. Lấp dải nhiều lớp vôi và cắm biển khuyến cáo hố chôn gia súc chết dịch bệnh. Chuồng nuôi không may xảy ra dịch cần phun phòng thật kỹ khu vực xung quanh, rắc vôi bột toàn bộ nền chuồng, quây kín chuồng nuôi tránh việc côn trùng, hoặc loài gặm nhấm (gà, chuột, loài găm nhấm…) đào bới, lây từ nhà này sang nhà khác.

Người đứng đầu Chi cục cũng nhấn mạnh thêm, trong chăn nuôi xu hướng tốt nhất nên theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ, thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi (từ khâu chọn giống, thức ăn, cho ăn đúng quy định, định lượng để nâng cao sức đề kháng…). Đồng thời thực hiện tốt quy trình vệ sinh thú y sẽ giúp bảo đảm vấn đề ATTP, phòng ngừa dịch bệnh và ổn định kinh tế cho người chăn nuôi.

Hàng ngày phun thuốc sát trùng, trước đó nên vệ sinh cơ giới trước, quét dọn lấp lỗ nước, tránh đọng nước, nâng cao hiệu quả cho thuốc sát trùng, chôn lấp, tránh hiện tượng đọng nước và nâng cao được hiệu quả của thuốc sát trùng. Khu lây nhiễm cao các cơ quan của địa phương chú ý tổng vệ sinh cơ giới, phun thuốc sát trùng khu bãi rác, tiến hành vệ sinh cơ giới, phun thuốc. Chú trọng xây dựng chuỗi liên kết từ các khâu chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm bảo đảm đúng quy trình, quy định nghiêm túc và khoa học.

Thiện Tâm

Top