Đời sống nông dân đi lên từ xây dựng nông thôn mới

15/12/2020 11:39 AM

(Chinhphu.vn) - Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, đến nay công tác xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người nông dân trên địa bàn Thành phố đã đạt được những kết quả khá tích cực.

Nhờ thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, đời sống nông dân đã được nâng cao. Ảnh: Thiện Tâm.

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong giai đoạn từ 2016- 2020, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người nông dân đã có nhiều thay đổi và chuyển biến rõ nét.

Đặc biệt, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được nâng lên. Trong đó sản xuất nông nghiệp đạt được kết quả quan trọng và cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh  tập trung quy mô lớn có giá trị kinh tế cao cũng như một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, thu nhập của người dân khu vực nông thôn năm 2019 đạt 51,5 triệu đồng/người/năm. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế cuối năm 2019 trên địa bàn toàn Thành phố đạt 88,3%. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 0,69%.

Bên cạnh đó, công tác dồn điền đổi thửa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cha các hộ nông dân đã được các địa phương vào cuộc quyết liệt. Toàn Thành phố đã dồn điền, đổi thửa đạt 104,6%  kế hoạch. Đã cấp được 617.964 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa đạt 99,21%. Việc đưa cơ giới vào đồng ruộng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất được tăng cường. Việc củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã được coi trọng, nhiều hợp tác xã, tổ đội sản xuất, hình thức hợp tác mới được hình thành mô hình “4 nhà”, “6 nhà” đi vào thôn, xã và hộ nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển sản kinh doanh.

Về xây dựng nông thôn mới, đến nay Thành phố đã có 7 huyện, thị xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 355 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 92,9% số xã). Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được tăng cường. Đường làng, ngõ xóm được kiên cố hóa, hệ thống thoát nước cơ bản đáp ứng yêu cầu; đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, nội đồng đảm bảo nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến phát triển, tăng trưởng ngành nông nghiệp, gây khó khăn trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Hoạt động xuất nhập khẩu cung ứng nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản phẩm nông sản; hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi, hóa chất, phân bón, thiết bị nông nghiệp... (do phụ thuộc đầu vào từ nước ngoài). Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hoạt động cầm chừng, thu hẹp quy mô hoặc phải tạm dừng hoạt động.

Chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn còn ít, tăng trưởng nông nghiệp còn thấp. Việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. Ngoài ra, kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các huyện còn chưa đồng đều, trong khi một số huyện đã có 100% số xã đạt chuẩn thì vẫn còn một số huyện còn nhiều xã chưa đạt như Mỹ Đức, Ba Vì. Công tác tuyên truyền ở một số cơ sở còn chưa sâu, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ nội dung, phương pháp, cách làm trong xây dựng nông thôn mới.

Vì vậy, trong thời gian tới, theo ông Chu Phú Mỹ, Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và thu nhập. Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được đầu tư đồng bộ, đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Hệ thống chính trị vững mạnh; an ninh, trật tự và an toàn xã hội được bảo đảm. Phấn đấu đến hết năm 2021, Thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trở lên, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Bên cạnh đó, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô phấn đấu đạt 57 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1% (theo tiêu chí mới); tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước nước sạch theo tiêu chuẩn đô thị đạt từ 100%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt 90% trở lên.

Thiện Tâm

Top