Đổi thay trên mảnh đất làng nghề giày da Phú Yên

09/04/2018 10:57 AM

(Chinhphu.vn) - Nằm cách nút giao thông Cầu Giẽ chừng 2 km, làng nghề Phú Yên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng khắp nước với nghề da giày. Nghề da giày ở Phú Yên có lịch sử hơn hàng trăm năm và trải qua nhiều thăng trầm do thời cuộc. Tuy nhiên, sau những năm tháng khó khăn, nghề da giày Phú Yên giờ đã được phục hồi, phát triển.

Sản xuất giày tại làng nghề giày da Giẽ Thượng, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Thùy Linh

Giày da Phú Yên đã có từ rất lâu đời, tương truyền rằng vào các năm 1908-1926, xã Phú Yên có 2 cụ đi học nghề làm giày da là cụ Nguyễn Lương Các (tức cụ Hai né) và cụ Nguyễn Lương Mạc. Sau khi học xong, hai cụ mang nghề về truyền dạy cho con cháu trong làng. Đến nay, xã Phú Yên có 2 làng nghề làm giày dép da truyền thống: Giẽ Hạ và Giẽ Thượng, được UBND tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội) công nhận làng nghề truyền thống vào năm 2001.

Có dịp về với xã Phú Yên mới thấy hết nhịp điệu sản xuất sôi động của làng nghề. Dọc tuyến đường trục chính, các cửa hàng giày mọc lên đông đúc như một tuyến phố nghề sầm uất. Bên trong những cửa hàng ấy, ngoài hàng nghìn đôi giày, dép các loại được trưng bày, giới thiệu, còn có cả khu sản xuất trực tiếp.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Lương Đức, Chủ tịch Hội Da giày Phú Yên chia sẻ, sản phẩm của làng nghề Phú Yên chủ yếu tiêu thụ trong nội địa, nhiều nhất là ở các tỉnh phía Bắc và Thủ đô Hà Nội chiếm 80% thị phần, còn các tỉnh phía Nam khoảng 18% và xuất sang Lào, Campuchia chiếm 2%. Mỗi năm làng nghề cho ra đời khoảng 5 triệu đôi giày và dép, tương đương với năng lực của một nhà máy lớn.

Cũng theo ông Nguyễn Lương Đức, thế mạnh của giày da Phú Yên là dòng hàng giày công sở có độ bền cao, giá thành phù hợp với túi tiền của đông đảo người tiêu dùng. Dòng hàng này ngày càng mở rộng và đẩy lùi được hàng Trung Quốc.

“Nếu làm với chất lượng tương đương như hàng Trung Quốc thì giá thành giá thành sản phẩm da giày của làng nghề chỉ bằng một nửa”, ông Đức nói.

Cùng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Như Diên, cơ sở giày dép da Son Linh (thôn Giẽ Thượng) cho hay, cùng một mẫu hàng nếu nhập từ Trung Quốc về sẽ có giá thành là 300.000 đồng nhưng nếu sản xuất tại xưởng thì giá thành chỉ khoảng 220.000 đồng, rẻ hơn so với việc nhập khẩu. Trong khi hàng nhập Trung Quốc là hàng giả da còn hàng sản xuất tại cơ sở là bằng da thật, sản phẩm làm ra chất lượng hơn và rẻ hơn.

Với truyền thống làm nghề lâu năm, lại nhạy bén trước những đổi thay của thị hiếu người tiêu dùng, người thợ làng nghề giày da Phú Yên đã cho ra đời rất nhiều dòng sản phẩm đa dạng, phong phú về kiểu dáng.

Hiện nay tổng thu nhập của nghề da giày chiếm 85% tổng thu nhập toàn xã, có trên 70%-80% số hộ trong xã có người tham gia sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Việc sản xuất kinh doanh ổn định, đời sống của người thợ được nâng lên. Hiện, một thợ lành nghề làm gia công có thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/tháng.

Cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu làng nghề

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện làng nghề Phú Yên đang đối diện với nhiều tồn tại như chất lượng sản phẩm nhiều hộ làm chưa bảo đảm, còn chạy theo số lượng, mẫu mã chưa tự thiết kế được chủ yếu coppy từ các mẫu Trung Quốc khả năng cạnh tranh còn thấp. Cá biệt còn có những hộ làm hàng xô, hàng chợ kém chất lượng ảnh hưởng đến uy tín làng nghề; trình độ quản lý của một số hộ còn yếu chưa đáp ứng được cơ chế thị trường hiện nay.

Đáng chú ý, khó khăn nhất của làng nghề là mặt bằng sản xuất. Ông Nguyễn Lương Đức cho hay, nhiều hộ gia đình có đơn hàng lớn, đơn hàng dài nhưng không dám nhận vì làm nhỏ lẻ, phải thuê nhiều cơ sở sản xuất vệ tinh bên ngoài, trong khi đó, có cơ sở sở vệ tinh làm rất tốt, có cơ sở vệ tinh làm ẩu, việc bảo đảm chất lượng 100% trên hàng hóa là không dám khẳng định mà chỉ là tương đối.

“Nếu có mặt bằng, các cơ sở sản xuất có thể đầu tư đồng bộ, sản xuất trên dây truyền khép kín. Mặt bằng cũng chính là những yếu tố khiến sự phát triển làng nghề chưa thể bứt phá”, ông Đức nói.

Liên quan đến vấn đề mặt bằng sản xuất, ông Nguyễn Đức Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Yên cho hay, trong việc phát triển làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề là hết sức quan trọng.

“Dự kiến trong năm 2018 đầu 2019 cụm công nghiệp làng nghề sẽ được xây dựng, sẽ giúp cho cơ sở có hướng mở rộng sản xuất, đáp ứng được các đơn hàng lớn”, ông Tài cho biết.

Căn cứ quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã Phú Yên, đã có quy hoạch 7,67 ha diện tích đất nông nghiệp của Đội 1 giáp đường sắt để mở rộng làng nghề da giày. Đây là chủ trương quan trọng giúp làng nghề phát triển bền vững. Hiện quy hoạch đang trong giai đoạn chờ phê duyệt, sau khi phê duyệt sẽ triển khai xây dựng khai thác sử dụng.

Đặc biệt, để tạo sự bứt phá cho làng nghề, thời gian tới, xã sẽ tập trung tuyên truyền tới các hộ sản xuất đăng ký xây dựng và bảo vệ thương hiệu cá nhân. Đồng thời, đẩy mạnh nhân cấy nghề làm giày trong toàn xã để nghề ngày càng phát triển.

Thùy Linh

Top