Đổi thay từ chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

11/12/2024 5:25 PM

(Chinhphu.vn) - Để xây dựng những miền quê yên bình, đáng sống, Thành ủy, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các huyện ngoại thành tập trung triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu với mục tiêu hoàn thiện hạ tầng kiên cố, nâng cao đời sống, thay đổi bộ mặt nông thôn với đích đến là nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Đổi thay từ chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu- Ảnh 1.

Những cung đường ngập sắc hoa tại vùng quê Thủ đô. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Trong nỗ lực đạt chuẩn huyện nông thôn mới, huyện Thanh Trì chủ trương cải tạo môi trường, tu bổ ao hồ sạch sẽ, phong quang tạo không gian xanh, sạch, đẹp cho người dân thư giãn và tập thể dục. 

Ông Khúc Đình Lộc, xã Yên Mỹ chia sẻ: Từ nguồn xã hội hóa, nhân dân đồng lòng mà các ao, hồ trong xã đã được cải tạo sạch sẽ, có hàng rào để phòng tránh đuối nước, có đường đi xung quanh để tập thể dục. Ý thức của nhân dân về bảo vệ, giữ gìn môi trường thì được nâng lên rất nhiều.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho hay: Trong tiến trình lên quận, huyện Thanh Trì song hành hai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và hoàn thành các tiêu chí lên quận, trong đó tập trung vào việc cải tạo môi trường, nâng cao tiêu chí văn hóa, giáo dục, bảo tồn các di tích lịch sử truyền thống của địa phương. Mọi nhiệm vụ đều được huyện triển khai cụ thể, giao nhiệm vụ đến từng địa phương để hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới đúng theo kế hoạch.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hà Nội xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư rất lớn từ các chương trình của thành phố. Chỉ tính từ năm 2021 đến quý III-2024, thành phố đã huy động được hơn 84.300 tỷ đồng dành cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, nhiều huyện, thị xã, ngoài việc bố trí vốn ngân sách còn đa dạng hình thức xã hội hóa, khai thác lợi thế từng địa phương để tạo thêm nguồn đầu tư. 

Ông Nguyễn Đức Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho hay: Việc đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn được huyện Gia Lâm quan tâm triển khai để huy động sự vào cuộc của nhân dân. Ngõ nhỏ, hẹp thì từ sự hiến đất của nhân dân đã được mở rộng, giao thông đi lại thuận tiện và hỗ trợ rất lớn cho công tác quy hoạch đô thị của chính quyền.

Tại huyện Chương Mỹ, theo ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, huyện luôn coi xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, huyện được thành phố phê duyệt khoảng 7.600 tỷ đồng, nhưng nhu cầu của huyện trong giai đoạn này là khoảng 12.000 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu về vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện đã xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025 thu từ đấu giá quyền sử dụng đất khoảng 1.869 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, huyện mới thu được 605 tỷ đồng; trong đó, năm 2021 thu được 130 tỷ đồng, năm 2023 thu được 31 tỷ đồng và 9 tháng năm 2024 thu được 220 tỷ đồng…

Đổi thay từ chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu- Ảnh 2.

Đường làng ngõ xóm sạch đẹp, khang trang nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Vì vậy, để tạo nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng từ nay đến hết năm 2025, huyện Chương Mỹ tập trung đấu giá quyền sử dụng đất tại 80 khu ở các xã, thị trấn với dự kiến thu khoảng 530 tỷ đồng. Đồng thời, huyện sẽ sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ của thành phố đầu tư cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu đối với 11 xã thường xuyên chịu ảnh hưởng lũ rừng ngang, ngập lụt.

Hiện nay, huyện đang quyết liệt chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai các bước để bảo đảm giữa năm 2025 sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; đồng thời rà soát, lập danh mục ưu tiên đầu tư, xây dựng công trình bức xúc dân sinh, công trình tại các xã đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Thực tế từ năm 2021 đến nay, huyện Chương Mỹ đã huy động hơn 1.600 tỷ đồng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Dự kiến đến hết năm 2025, huyện có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; giai đoạn 2026-2030 sẽ hoàn thành chương trình xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, tính đến hết quý III-2024, thành phố Hà Nội đã có 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh văn phòng Chuyên trách Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết: Các huyện ngoại thành của Thủ đô luôn nỗ lực, quyết tâm cao để hoàn thành mục tiêu đề ra, phấn đấu không ngừng để có thêm nhiều lĩnh vực đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tiến tới đạt chuẩn toàn diện.

Với quan điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu phải bứt phá, sáng tạo, hiệu quả, hướng tới người dân, Hà Nội đã huy động được sự vào cuộc tích cực và tự giác của nhân dân, tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp an toàn. Xây dựng nông thôn mới gắn liền với phát triển đô thị, đưa xã lên phường, phát triển huyện thành quận theo quy hoạch của Hội đồng nhân dân, UBND thành phố Hà Nội. Các miền quê giàu đẹp, văn minh đã, đang góp phần quan trọng đưa Thủ đô Hà Nội phát triển.

Thiện Tâm

Top