'Đòn bẩy' để làng nghề phát triển bền vững

02/09/2024 7:52 AM

(Chinhphu.vn) - Để đề án phát triển làng nghề phát huy hiệu quả, những vấn đề như cơ chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ phát triển làng nghề sẽ được cụ thể hóa nhằm khai thác tiềm năng phát triển làng nghề của Hà Nội.

'Đòn bẩy' để làng nghề phát triển bền vững- Ảnh 1.

Làng nghề làm hương ở Ứng Hòa. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Tạo động lực cho làng nghề phát triển bền vững

Là "đất trăm nghề" nhưng nhiều làng nghề của Hà Nội đang đối diện với nhiều khó khăn và phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Để tạo động lực cho làng nghề phát triển bền vững, thành phố đang triển khai xây dựng Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thủ đô Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề làng có nghề, trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận; có 1.090 HTX nông nghiệp đang hoạt động; 1.695 trang trại; 149 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Với hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, trên 13.000 sản phẩm nông lâm thủy sản đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc (QRCode), đặc biệt Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố trên cả nước đã chủ động, tích cực duy trì và hỗ trợ phát triển 977 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội.

Trước kia, làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ đã từng có giai đoạn phát triển cực thịnh nhưng trước những biến động của thị trường đã khiến làng nghề đứng trước những thách thức rất lớn. Từ thực tế của làng nghề này. Theo nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung, Hội trưởng Hội Doanh nghiệp mây tre đan huyện Chương Mỹ, để phát triển bền vững, đòi hỏi mỗi nghệ nhân, người dân làng nghề đổi mới, sáng tạo mẫu mã hướng vào các sản phẩm nghệ thuật, trang trí đồi hỏi trình độ tay nghề cao hướng tới thị trường xuất khẩu và phát triển hoạt động du lịch làng nghề.

Việc phát triển làng nghề đòi hỏi một kế hoạch tổng thể, quy hoạch phát triển chi tiết để tạo thuận lợi cho các địa phương bảo tồn và phát triển làng nghề. Theo bà Bùi Hồng Hà, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây, "Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050" sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho các làng nghề áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển tốt hơn. Và cần có chính sách tôn vinh, công nhận nghệ nhân làng nghề.

'Đòn bẩy' để làng nghề phát triển bền vững- Ảnh 2.

Nhiều sản phẩm làng nghề đã đạt chứng nhận OCOP. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ làng nghề nhưng còn nhỏ lẻ, lồng ghép với nhiều chính sách khác. Làng nghề thiếu chiến lược phát triển tổng thể trong dài hạn. Do đó, việc xây dựng Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết.

Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề thủ công mỹ nghệ Hà Nội đánh giá cao việc trong đề án, thành phố Hà Nội đã đề ra nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị, tôn vinh nghệ nhân; bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống; phát triển nghề mới; phát triển các làng nghề chủ lực gắn với tiềm năng và thế mạnh của địa phương; phát triển dịch vụ hỗ trợ và nâng cao vai trò của các tác nhân liên quan…cùng các giải pháp phát triển làng nghề bền vững.

Trung tâm đổi mới sáng tạo làng nghề-mang lại làn gió mới cho làng nghề phát triển

Xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm là địa phương đầu tiên xây dựng được Trung tâm đổi mới sáng tạo làng nghề. Từ khi được thành lập, nơi đây đã thu hút rất đông du khách tới tham quan, trải nghiệm và mua sắm các sản phẩm của làng nghề Bát Tràng. Đây cũng là hình mẫu để UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch thành lập Các Trung tâm đổi mới sáng tạo làng nghề tại các xã làng nghề có nhiều tiềm năng phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn thành phố.

Là Việt kiều tại AUSTRALIA, bà Nguyễn Thị Minh Trang đã có một ngày trải nghiệm đáng nhớ tại Trung tâm tinh hoa Làng nghề Việt để thấy được vẻ đẹp của làng gốm Bát Tràng. Từ khi xây dựng Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt và kết nối các điểm du lịch làng nghề, trung bình mỗi ngày Trung tâm có hàng trăm du khách ghé thăm và trải nghiệm thực tế làm nghề của người dân nơi đây.

Trung tâm tinh hoa làng nghề quy tụ tất cả các sản phẩm tinh hoa của làng nghề Bát Tràng và là sân chơi cho các nghệ nhân trình diễn tay nghề, phát huy khả năng sáng tạo, mang lại làn gió mới cho làng nghề phát triển. Là người con của làng nghề, nghệ nhân Nguyễn Danh Tú cũng đã nghiên cứu và tạo ra dòng đèn sứ thấu quang bằng gốm sứ Bát Tràng và được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục với sản phẩm độc đáo này.

Trung tâm "Tinh hoa làng nghề Việt" nằm ngay tại cửa ngõ của làng Bát Tràng cổ trên diện tích 3.300m2 sàn, xây dựng 5 tầng với tổng vốn đầu tư cho xây dựng trên 130 tỷ đồng. Trong đó bao gồm một khu trại sáng tác để thu hút các nghệ nhân, nghệ sĩ, họa sỹ. Bên cạnh trại sáng tác còn có một khu dành cho ươm tạo các ý tưởng thiết kế gốm, giúp cho các em sinh viên các trường Đại học Bách Khoa, Mỹ thuật Công nghiệp, Mỹ thuật Yết Kiêu có thể vào đây thực tập miễn phí, vừa hoàn thiện kiến thức học tại trường, vừa có cơ hội tốt nhất được giao lưu với các thế hệ tiền bối bên trại sáng tác, trải nghiệm làm nghề ngay tại vùng sản xuất gốm sứ nổi tiếng.

Ngoài ra, Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt còn có trên 50 ki ốt giúp cho các nghệ nhân, các làng nghề thủ công mỹ nghệ tiêu biểu của Hà Nội và gốm sứ Bát Tràng được trưng bày, bán hàng lâu dài tại đây và được miễn phí gian hàng 12 tháng. Đặc biệt, ở đây còn có bảo tàng gốm sứ, khu trưng bày các sản phẩm gốm sứ độc bản; khu ẩm thực đặc sản mang hương vị cổ truyền của Hà Nội, với các món ăn được chế biến từ các sản phẩm nông sản OCOP. Nơi đây còn các khu trải nghiệm nghề cho các đoàn du lịch trong và ngoài nước. Theo bà Hà Thị Vinh, toàn bộ nội dung hoạt động tại Trung tâm đều nhằm khai thác tài hoa của các nghệ nhân, nghệ sỹ nổi tiếng đến gần với sản xuất hàng hóa để các nhà sản xuất trong làng nghề, các em sinh viên về thực tập có cơ hội học tập, nắm bắt thêm được các ý tưởng thiết kế ứng dụng cho sản xuất của mình.

Trung tâm "Tinh hoa làng nghề Việt" với kiến trúc hết sức độc đáo được lấy ý tưởng từ một chiếc lò bầu nung gốm cổ cách điệu, tạo nên không gian đẹp và nhiều cảm xúc, tạo điểm nhấn kết nối hoạt động du lịch làng nghề của Bát Tràng. Từ Trung tâm này, du khách sẽ được di chuyển bằng xe điện vào thăm làng gốm cổ Bát Tràng, thăm các nhà nghệ nhân, nghe hàng trăm câu chuyện dân gian của một làng gốm cổ có thương hiệu ngàn năm.

Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được hoàn thiện để trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt và triển khai thực hiện. Đây được xem là "đòn bẩy", tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển bền vững và vươn xa, gắn với bảo tồn giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của làng nghề, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói riêng, Hà Nội nói chung.

Thiện Tâm 

Top