Đồng bộ giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm dịp cuối năm

24/12/2022 7:02 PM

(Chinhphu.vn) - Vào dịp cuối năm nhất là dịp trước, trong và sau tết Dương lịch, tết Nguyên đán, mùa lễ hội, người tiêu dùng sử dụng hàng hóa có nguồn gốc động vật tăng mạnh khoảng hơn 20%. Đây cũng là thời điểm cần những giải pháp quan trọng để phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố.

Đồng bộ giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm dịp cuối năm - Ảnh 1.

Chăn nuôi bò thịt tại xã Minh Châu – Ba Vì. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có đàn gia súc gia cầm lớn. Trong đó đàn gia cầm khoảng 37 triệu con, đàn lợn 1,5 triệu con, đàn trâu bò 170 nghìn con, đàn chó mèo 430 nghìn con, đàn dê khoảng 14 nghìn con…

Thông lệ vào dịp cuối năm nhất là dịp trước, trong và sau tết Dương lịch, tết Nguyên đán, mùa lễ hội người tiêu dùng sử dụng hàng hóa có nguồn gốc động vật tăng mạnh khoảng hơn 20% so với bình thường nên việc vận chuyển lưu thông động vật, sản  phẩm động vật ra, vào Hà Nội là rất lớn. 

Mặt khác Hà Nội hiện có nhiều cơ sở giết mổ lớn như: Cơ sở giết mổ gia cầm của Công ty CP Việt Nam (đặt tại huyện Chương Mỹ), hàng ngày giết mổ khoảng hơn 30 nghìn con gia cầm/ngày; cơ sở giết mổ lợn Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) hàng ngày giết mổ khoảng 1.300 -1.500 con/ngày; cơ sở giết mổ lợn Minh Hiền (Thanh Oai) 800 – 1.000 con/ngày… Bên cạnh đó, thời tiết khí hậu dịp cuối năm biến động thất thường, mưa phùn, rét đậm, rét hại hay xảy ra, môi trường còn nhiều nơi ô nhiễm nặng, đây chính là những tác động lớn làm nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, đảm bảo nguồn thực phẩm cho người dân Thủ đô, theo ông Nguyễn Ngọc sơn, thời gian qua ngành chăn nuôi đã tham mưu để Thành phố có các văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai các kế hoạch về phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt chú ý các giải pháp về tái cấu trúc ngành chăn nuôi và chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 – 2030 tầm nhìn đến 2045, trong đó có giải pháp rất cụ thể về chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.

Bên cạnh đó, cần thực hiện công tác phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm vừa để chăn nuôi phát triển hiệu quả bền vững vừa bảo vệ người tiêu dùng có sản phẩm động vật và sản phẩm động vật an toàn. 

Điển hình như cần làm tốt công tác giám sát dịch bệnh, duy trì tiếp nhận và xử lý thông tin báo cáo hàng ngày qua đường dây nóng của thành phố để kịp thời xử lý những ổ dịch phát sinh ngay từ cơ sở. Hướng dẫn, đôn đốc thú y cơ sở giám sát dịch bệnh chặt chẽ đến tận hộ chăn nuôi trên địa bàn. Thông tin báo cáo, điều tra, xác minh kịp thời khi có ổ dịch xảy ra. Triển khai tổ chức lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng, đến nay đã lấy 5.500 mẫu huyết thanh để kiểm tra hiệu giá kháng thể sau tiêm phòng, kết quả tỷ lệ mẫu bảo hộ chung đạt từ 70% trở lên.

Công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh hiện cũng được đẩy mạnh thực hiện, đến nay đã có 37 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. Đặc biệt có 7 quận (Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Long Biên) được Cục Thú y cấp Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh Dại động vật.

Ngoài ra, đối với việc kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, thời điểm này mọi hoạt động đều tăng mạnh, hiện tổng lượng động vật nhập về tăng khoảng 8,1%; động vật xuất đi các tỉnh giảm 20,89%. Tổng sản phẩm nhập về giảm 18,23%; sản phẩm xuất đi các tỉnh thành phố giảm 22,74% so với cùng kỳ. 

Trong công tác quản lý giết mổ, ngành Thú y đang tập trung cao độ việc kiểm tra kiểm soát động vật, sản phẩm động vật ra vào các cơ sở giết mổ nhất là tập trung tại 11 cơ sở giết mổ công nghiệp, 50 cơ sở bán công nghiệp. Đồng thời duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch liên ngành tại các trục giao thông, chợ đầu mối với ba lực lượng thú y, quản lý thị trường và Công an giao thông thường trực 24/24 giờ; tăng cường công tác thanh, kiểm tra các hoạt động đến vận chuyển lưu thông, quản lý giết mổ, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhất là việc vận chuyển lưu thông động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc. 

Đồng bộ giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm dịp cuối năm - Ảnh 2.

Tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn gia cầm là biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Cùng với đó là duy trì hợp tác với các tỉnh, thành trong công tác phòng, chống dịch bệnh, quản lý giết mổ. Tiếp tục thực hiện giải pháp đưa các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điểm, hộ giết mổ, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và môi trường vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch. Thông tin kịp thời với các tỉnh, thành về lượng gia súc gia cầm xuất ra, nhập vào thành phố để nắm bắt thông tin, phối hợp xử lý vi phạm.

Thực hiện tốt việc quản lý thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y, hiện tại trên địa bàn Hà Nội có tới 1.058 cơ sở sản xuất, kinh doanh buôn bán thức ăn chăn nuôi, 646 cơ sở buôn bán thuốc thú y. Dịp cuối năm nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y của người tiêu dùng tăng cao, đây cũng là cơ hội để người kinh doanh có thể trà trộn tung ra thị trường hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng trôi nổi, hàng lậu. 

Vì vậy, ngành Thú y đã phối hợp với các lực lượng chuyên ngành tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm, hướng dẫn các chủ hộ thực hiện tốt việc đăng ký thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến của thành phố. Một số vi phạm thông thường như về hàm lượng thuốc thú y không đúng so với hàm lượng tự công bố, người bán hàng không có chứng chỉ hành nghề, buôn bán vaccine không nằm trong danh mục được phép lưu hành, không có thiết bị bảo quản vaccine theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Theo đó, trong thời gian tới các ngành cần tiếp tục kiểm tra và xử lý vi phạm để đưa hoạt động này vào nề nếp, hiệu quả hơn để bảo vệ người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả phòng trị bệnh.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, cũng trong dịp này cần rà soát đánh giá mức độ, khả năng tiêu thụ nguồn động vật và sản phẩm những tháng cuối năm để tiếp tục tạo điều kiện về cơ chế chính sách, hướng dẫn, tuyên truyền các doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo sự đồng bộ từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến sâu đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nhất là chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố.

Thiện Tâm

Top