Đồng bộ hệ thống thoát nước đô thị: Giải pháp chống ngập úng

10/06/2016 5:27 PM

(Chinhphu.vn) - Để đảm bảo được việc thoát nước mùa mưa, cần quy hoạch đồng bộ hệ thống cống lớn dẫn ra hồ Yên Sở và các kênh mương, khơi thông dòng chảy sông Tô Lịch, sông Nhuệ. Dựa vào đó để cấp cốt nền đồng bộ cho các khu đô thị mới.

Ông Đào Duy Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thoát nước Hà Nội. Ảnh: Thành Nam

Liên quan đến việc chống ngập úng cho Thủ đô mỗi khi mưa lớn, phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Đào Duy Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thoát nước Hà Nội về vấn đề này.

PV: Thưa ông, ngày 25/5 vừa qua, Hà Nội lại xảy ra một trận mưa lớn và gây ngập úng ở nhiều khu vực. Vậy ông có thể phân tích nguyên nhân tại sao Hà Nội vẫn còn tình trạng úng ngập khi mưa như vậy?

Ông Đào Duy Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thoát nước Hà Nội: Đối với công tác thoát nước của Hà Nội có thể phân làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là trước khi Hà Nội xác nhập với Hà Tây và một số khu vực các tỉnh lân cận, đó là trước thời điểm năm 2008. Trước 2008, trên địa bàn Hà Nội chỉ có khoảng 14 quận, huyện. Đến năm 1995, lần đầu tiên UBND TP Hà Nội ban hành quy hoạch về công tác thoát nước ở Hà Nội bao gồm phạm vi nghiên cứu của dự án là 14 quận, huyện tại thời điểm đó và triển khai trong giai đoạn 1995 - 2005 và từ 2005 - 2010. Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt các dự án về thoát nước.

Khi xây dựng dự án, chúng tôi có báo cáo của cơ quan chức năng về dự báo thời tiết trong chu trình 10 năm gần nhất với lượng mưa bao nhiêu để làm cơ sở lập dự án. Với tính chất đó chúng tôi đưa ra mục tiêu của dự án là chống ngập úng do nước mưa cho đô thị lõi của Thủ đô và trong lưu vực sông Tô Lịch có ranh giới từ sông Tô Lịch đến sông Hồng với diện tích là 77,5 km2 với chu kỳ bảo vệ được tính toán là 10 năm với sông và mương thoát nước, ứng với lượng mưa là 310 mm trong 2 ngày.

Giai đoạn 1, chúng tôi đã hoàn thiện xong với lượng mưa là 172 mm trong 2 ngày. Còn đối với chu trình 5 năm, cống ứng với lượng mưa là 70 mm/giờ. Đây là mục tiêu của dự án, khi hoàn thành đồng bộ các tuyến thì sẽ đảm bảo được việc thoát nước này.

Tuy nhiên, khi chúng tôi xây dựng quy hoạch này từ thời điểm những năm 2005-2006 khi dự án được phê duyệt và triển khai từ năm 2008 thì tại thời điểm đó tốc độ đô thị hóa chưa nhanh. Nhưng hiện nay, đặc biệt khu đô thị lõi, khi tốc độ đô thị hóa quá lớn nó dồn tải lên hạ tầng kỹ thuật của Hà Nội, đặc biệt các khu phố cũ không thể mở rộng được, nó sẽ làm ảnh hưởng tới các sự tính toán không được đảm bảo.

Hơn nữa, các chung cư cao tầng, khu đô thị mới được xây dựng lên rất nhiều cho nên tại thời điểm chúng tôi tính toán từ năm 2006 khi xây dựng dự án, đã đảm bảo với đô thị lõi đảm bảo công tác thoát nước.

So sánh dự án thoát nước qua 2 giai đoạn như trận ngập mưa năm 2008, đó là 1 trận mưa lớn và Hà Nội cũng ngập trong một thời kỳ rất lâu, nhưng đến nay, ngày 25/5 vừa qua có trận mưa cũng lớn tương tự so với trận mưa năm 2008. Theo thống kê báo lại, chúng tôi cũng nắm bắt được là cùng lượng mưa hơn 200 mm/ngày đêm như thế nhưng chỉ khoảng 4 tiếng đồng hồ là lượng nước cơ bản trong nội đô rút hoàn toàn, duy chỉ còn lác đác một số điểm như Thái Hà, Thái Thịnh do cốt nền đường rất thấp nên vẫn còn ngập và cũng trong thời gian ngắn đã được khắc phục.

Thêm vào đó các hệ thống cải tạo kênh mương cũng được đưa vào vận hành, đặc biệt những đoạn đang thi công dang dở nhưng khi mưa xuống, chúng tôi sẵn sàng phá bờ để đảm bảo tiêu thoát nước. Việc này hoạt động rất tốt cho thấy ngay hiệu quả chính trong trận mưa ngày 25/5 vừa qua.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về dự án thoát nước giai đoạn 2 và tiến độ dự án đến nay đang được triển khai như thế nào?

Ông Đào Duy Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thoát nước Hà Nội: Dự án thoát nước giai đoạn 2 là dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường, phạm vi nghiên cứu của dự án đây là dự án bám sát theo quy hoạch thoát nước từ năm 1995 do JICA lập và tầm nhìn 2010. Đến nay chúng tôi vẫn bám sát quy hoạch cũ đó.

Dự án thoát nước giai đoạn 2 bao gồm cả công tác thi công và công tác giải phóng mặt bằng có vốn đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, triển khai trong vòng 10 năm.

Việc cập nhật quy hoạch khi Hà Nội sáp nhập năm 2008 đã có một quy hoạch thoát nước tầm nhìn 2020-2030. Tuy nhiên, trong nghiên cứu quy hoạch chúng tôi thực hiện theo quy hoạch cũ và tập trung vào 8 quận, huyện nội đô: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Trì, Hoàng Mai và Thanh Xuân. Tập trung vào việc cải thiện các hồ hiện trạng, cải tạo các tuyến mương, tuyến cống và nâng cấp một số trạm xử lý nước.

Tính đến nay tổng khối lượng công việc đã hoàn thành trên 95%. Các nội dung chính của dự án gồm: nâng cấp, cải tạo trạm bơm đầu mối Yên Sở, nâng công suất lên 90m3/s. Chúng tôi đã hoàn thành xong. Việc thứ hai là cải tạo 13 hồ điều hòa trong nội thành và 12 trạm bơm nước cũng đã hoàn thành. Hiện một số hồ đang hoàn thiện nốt như hồ Định Công, Khương Trung I đang được hoàn thiện gấp rút.

Việc cải tạo xây dựng, đặc biệt nhất trong này có 52 tuyến cống nội đô, nội thành với chiều dài 26km đã giải quyết cho công tác chống ngập úng của thành phố. 52 tuyến này đã kịp được vào sử dụng chống ngập mùa mưa...

PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng, việc giải phóng mặt bằng chậm cũng chính là nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến công tác thoát nước của Hà Nội?

Ông Đào Duy Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thoát nước Hà Nội: Đúng vậy, đây là một trong những nguyên nhân khách quan và chủ quan lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ của dự án thoát nước đô thị. Như chúng ta đã biết, với bất kỳ một dự án nào, công tác giải phóng mặt bằng cũng phải đi trước một bước. Đối với dự án thoát nước của chúng tôi, khi bà con giao mặt bằng đến đâu thì chúng tôi triển khai thi công đến đó, do đó mới xảy ra tình trạng các công trình đầu tư thi công không được liền tuyến. Việc giải phóng mặt bằng chậm cũng sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước chung của Thành phố, đặc biệt trong thời điểm mùa mưa như hiện nay.

Sau một quá trình rất dài cũng như được cấp quận, huyện quan tâm thì công tác giải phóng mặt bằng đến nay đã cơ bản hoàn thành, nhưng nếu công tác giải phóng mặt bằng được đẩy nhanh hơn nữa thì tôi tin chắc rằng các hệ thống thoát nước đã được đưa ngay vào hoạt động tổng thể và phát huy được hiệu quả của dự án thoát nước đối với công tác chống úng ngập mùa mưa 2016 này.

PV: Vậy ngoài khó khăn do giải phóng mặt bằng, việc triển khai dự án thoát nước còn gặp khó khăn gì nữa, thưa ông?

Ông Đào Duy Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thoát nước Hà Nội: Trong thời gian qua, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm rất lớn của UBND TP Hà Nội và trực tiếp là các lãnh đạo Thành phố. Hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, chúng tôi cũng được giao ban với các sở, ban, ngành để kiểm tra, đôn đốc các quận, huyện trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như các đơn vị thi công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Đến nay, cơ bản các khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết và Ban Quản lý dự án Thoát nước Hà Nội đang gấp rút chỉ đạo các đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành các công trình để đảm bảo được công tác thoát nước mùa mưa năm 2016.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Thành Nam

Top