Đồng hành cùng học sinh Thủ đô lựa chọn ban học đầu cấp

15/07/2025 3:09 PM

(Chinhphu.vn) - Sau kỳ tuyển sinh căng thẳng, hơn 81.000 tân học sinh lớp 10 Hà Nội đang đứng trước một ngưỡng cửa quyết định lựa chọn tổ hợp môn học. Đây là bước đi chiến lược đầu tiên, ảnh hưởng trực tiếp đến định hướng thi đại học và con đường nghề nghiệp dài lâu.

Theo khung chương trình GDPT 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các em sẽ chọn 4 trong 9 môn tự chọn (Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) bên cạnh 8 môn học bắt buộc.

Mặc dù về lý thuyết, có tới 126 cách kết hợp, nhưng thực tế, mỗi trường THPT thường tinh gọn thành khoảng 5-8 tổ hợp môn, phổ biến nhất là các nhóm tự nhiên và xã hội, tùy thuộc vào tiềm lực đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường. Trong 3 năm học THPT, học sinh sẽ học theo tổ hợp này và đến lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp với 4 môn gồm 2 bắt buộc (Toán, Văn) và 2 môn tự chọn thuộc tổ hợp dùng làm căn cứ xét tuyển vào đại học.

Xác định mục tiêu học tập và định hướng từ gia đình, nhà trường

Với tổng điểm 26, em Trần Phương Uyên, tân học sinh THPT Việt Đức, đang ấp ủ những hoài bão lớn. Phương Uyên chia sẻ mong muốn theo đuổi khối A01 (Toán, Tiếng Anh, Vật Lý) và D01 (Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh) và đặt mục tiêu vào những trường danh tiếng như Đại học Ngoại thương và Đại học Kinh tế Quốc dân.

Đồng hành cùng học sinh Thủ đô lựa chọn ban học đầu cấp- Ảnh 1.

Em Trần Phương Uyên (đầu tiên từ trái qua) là tân học sinh THPT Việt Đức.

Chị Lê Cẩm Trang (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), mẹ của Phương Uyên khẳng định quan điểm đồng hành, không áp đặt: "Phụ huynh cần lắng nghe con, cùng con chia sẻ những dự định, kế hoạch học tập, để từ đó tư vấn và hướng dẫn con chọn ban học phù hợp. Chúng tôi tin rằng con mình mới là người học, là người hưởng thụ thành quả, nên cha mẹ sẽ luôn tư vấn và đồng hành cùng con trên mọi chặng đường".

Từ góc độ của người trực tiếp xây dựng và tư vấn, cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, đã "bật mí" những kinh nghiệm vô cùng quý giá. Cô Quỳnh chia sẻ: "Việc xây dựng các tổ hợp môn không chỉ dựa vào đội ngũ giáo viên của trường mà còn phải gắn kết chặt chẽ với các khối thi của các trường đại học. Mục tiêu là để các em học sinh có cơ hội thi vào ít nhất 2-3 khối tuyển sinh, mở ra nhiều cánh cửa tương lai hơn".

Một thực trạng đáng lo ngại được cô Quỳnh chỉ ra là nhiều học sinh, sau kỳ thi căng thẳng vào lớp 10, có xu hướng ngại các môn tự nhiên, chỉ tìm đến các môn xã hội để lựa chọn tổ hợp.

Đồng hành cùng học sinh Thủ đô lựa chọn ban học đầu cấp- Ảnh 2.

Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức.

Tuy nhiên, cô Quỳnh nhấn mạnh: "Các nhà trường cần định hướng các con mạnh dạn chọn các môn tự nhiên vì nếu không có khoa học cơ bản, sẽ khó phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, việc thiếu vắng các môn tự nhiên trong tổ hợp cũng sẽ hạn chế đáng kể lựa chọn khối thi của các em sau này".

Cô Quỳnh phân tích, việc chọn môn Lý có thể mở thêm khối A1 (Toán, Lý, Ngoại ngữ); chọn môn Hóa có thể hình thành khối D7 (Toán, Hóa, Ngoại ngữ). Quan trọng hơn, một tổ hợp đa dạng như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học sẽ mang lại cơ hội thi tuyển vào rất nhiều khối khác nhau, bao gồm cả khối D, A và B.

Cô Quỳnh cũng trấn an phụ huynh và học sinh về sự linh hoạt trong chương trình mới: "Thực tế, theo quy định của Bộ, nếu các em đã lựa chọn và sau năm học đầu cảm thấy không phù hợp, các em có quyền thay đổi. Vì thế, cần động viên học sinh lựa chọn các môn liên quan đến khoa học cơ bản, để mở ra nhiều hơn cơ hội nghề nghiệp trong tương lai không xa".

Việc xây dựng tổ hợp môn cũng cần có sự cân bằng, không thể sắp xếp toàn môn xã hội hoặc toàn môn tự nhiên mà cần hoặc thiên về tự nhiên, hoặc cân bằng 50% tự nhiên 50% xã hội để đảm bảo sự phát triển toàn diện.

Đồng hành cùng học sinh Thủ đô lựa chọn ban học đầu cấp- Ảnh 3.

Sự đồng hành của cha mẹ và nhà trường sẽ là điểm tựa vững chắc cho các em lựa chọn ban học ngay khi bước vào lớp 10.

Hiểu tâm lý để con tránh học trái sở trường

Việc đưa ra một quyết định mang tính định hướng cả đời ở tuổi 15 có thể gây ra những tác động tâm lý sâu sắc. TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục, chuyên gia tâm lý học trường học, đã chỉ ra những điểm cốt lõi.

"Tuổi 15 là giai đoạn học sinh bước vào lớp 10 và cũng là một mốc chuyển tiếp rất quan trọng trong hành trình phát triển tâm lý và nhân cách. Khi buộc phải đưa ra những quyết định mang tính quan trọng, các em sẽ đối diện với những yếu tố vượt quá mức năng lực tự chủ sẵn có, dẫn đến lo âu, căng thẳng, thậm chí khủng hoảng tâm lý", TS Trung Học phân tích.

Đồng hành cùng học sinh Thủ đô lựa chọn ban học đầu cấp- Ảnh 4.

TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục.

Một thực trạng phổ biến và đáng lo ngại là nhiều học sinh lựa chọn tổ hợp môn theo trào lưu, theo bạn bè hoặc theo kỳ vọng của cha mẹ. TS Trung Học cảnh báo: "Khi học sinh chọn tổ hợp môn không phải vì hiểu mình, mà hùa 'theo nhóm bạn', 'theo trào lưu', hay 'đáp ứng kỳ vọng cha mẹ', thì động lực học tập rất dễ bị đứt gãy. Các em có thể cố gắng trong ngắn hạn nhưng sẽ thiếu sự kiên trì, dễ mệt mỏi, chán nản và giảm sút năng suất học tập khi gặp khó khăn. Về mặt sức khỏe tâm thần, các em sẽ dễ rơi vào trạng thái mâu thuẫn nội tâm, cảm giác mất phương hướng, căng thẳng kéo dài, thậm chí kích hoạt rối loạn lo âu, rối loạn thích ứng".

Để nhận diện sớm dấu hiệu học sinh đang học "trái" sở trường, TS. Học gợi ý ba nhóm dấu hiệu chính. Thứ nhất là dấu hiệu học tập: Học lệch, học đối phó, điểm số giảm sút bất thường, thiếu tập trung hoặc mất hứng thú với nội dung học. Thứ hai là dấu hiệu tâm lý – cảm xúc bằng biểu hiện mệt mỏi kéo dài, chán học, lo âu, dễ cáu gắt, có thái độ tiêu cực với việc đến lớp, hoặc than vãn: "em thấy không phù hợp", "em không thấy mình giỏi môn này". Cuối cùng là dấu hiệu hành vi – xã hội giảm tương tác với bạn bè, né tránh thảo luận học tập, gia tăng xung đột với cha/mẹ, giáo viên về việc học.

Đồng hành cùng học sinh Thủ đô lựa chọn ban học đầu cấp- Ảnh 5.

Theo Chương trình GDPT 2018, ở bậc THPT mỗi học sinh sẽ được học 8 môn bắt buộc và 4 môn lựa chọn. Khi thi Tốt nghiệp THPT, ngoài Toán, Ngữ văn, học sinh sẽ lựa chọn 2 môn để thi và làm tổ hợp xét tuyển đại học.

TS Trung Học nhấn mạnh rằng, một lựa chọn sai lầm có thể để lại vết hằn tâm lý sâu sắc, khiến các em hình thành niềm tin tiêu cực về bản thân, mất dần cảm giác kiểm soát cuộc đời, và rơi vào tâm lý "học bất lực". Để tránh "vô tình áp lực hóa định hướng", phụ huynh và giáo viên cần chuyển từ vai trò "người chỉ đạo" sang "người đồng hành".

"Thay vì nói 'con nên chọn tổ hợp A để vào đại học B', hãy hỏi: 'Con thấy mình học tốt nhất môn nào? Con có hứng thú với nghề gì? Bố mẹ có thể hỗ trợ gì cho con?'" TS Trung Học chia sẻ.

Khẳng định vai trò của chuyên gia tâm lý học đường trong việc hướng nghiệp và hỗ trợ học sinh là vô cùng quan trọng, ông Học cho rằng, nếu được trao vai trò chủ động trong công tác hướng nghiệp, chuyên gia tâm lý có thể tổ chức đánh giá tâm lý nghề nghiệp định kỳ, phối hợp xây dựng hồ sơ phát triển cá nhân, tư vấn trực tiếp hoặc nhóm cho các học sinh đang phân vân và đào tạo kỹ năng hướng nghiệp cho giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ học sinh.

Việc chọn tổ hợp môn học ở lớp 10 không chỉ là một quyết định đơn thuần, mà là bước đệm quan trọng mở ra cánh cửa tương lai cho mỗi em. Để hành trình này của các con được ươm mầm vững chãi và tự tin, sự sẻ chia, lắng nghe từ gia đình, sự định hướng tận tâm từ nhà trường, cùng bàn tay nâng đỡ của các chuyên gia tâm lý là điều vô cùng cần thiết. Bởi lẽ, khi vun đắp cho tâm hồn và lựa chọn đúng đắn của thế hệ trẻ hôm nay, chúng ta đang cùng nhau kiến tạo nên một tương lai tươi sáng và bền vững hơn cho đất nước.

Hải Đăng

Top