Đồng hành đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị
(Chinhphu.vn) - Thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục đồng hành trong việc phát triển, giới thiệu sản phẩm OCOP, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại cũng như kết nối rộng hơn với các đối tác phân phối và tiêu thụ sản phẩm.
Đẩy mạnh liên kết và tiêu thụ hàng hóa Việt Nam
Tham gia sự kiện tại Tuần hàng OCOP- sản vật Việt Nam phát triển và hội nhập do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Dần, thành viên Hợp tác xã nông sản Tân Việt Á (tỉnh Cao Bằng) cho biết, đây là lần thứ 2 hợp tác xã tham gia sự kiện và cũng là sự kiện mà đơn vị có được doanh số cao nhất và tiếp cận đến người tiêu dùng nhiều nhất.
"Chúng tôi mang đến Tuần hàng sản phẩm miến dong Cao Bằng. Thông qua Tuần hàng, hy vọng sẽ có nhiều hơn khách hàng của Thủ đô Hà Nội và cả nước biết đến các sản phẩm của Hợp tác xã Tân Việt Á. Đồng thời, kỳ vọng sẽ có nhiều các sản phẩm được kết nối và đưa vào phân phối tại các kênh phân phối hiện đại", bà Nguyễn Thị Dần nói.
Ông Bruno Jousselin, Tổng Giám Đốc Điều Hành MM Mega Market Việt Nam, cho biết, là đối tác của Bộ Công Thương thông qua Biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa hai bên vào tháng 8/2019, kể từ đó cho đến nay, MM Mega Market Việt Nam không ngừng phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành để triển khai nhiều chương trình nhằm hiện thực hóa các nội dung đã ký kết, trong đó, đẩy mạnh liên kết và tiêu thụ hàng hóa Việt Nam trong hệ thống phân phối của MM, cũng như hướng dẫn cho các nhà sản xuất Việt Nam nâng cao chất lượng hàng hóa để đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy định của nhà phân phối trong bối cảnh hội nhập kinh tế.
"Chúng tôi cũng luôn tìm kiếm cơ hội hợp tác chiến lược với các nhà cung cấp mới, nhằm mang đến sự đa dạng các mặt hàng từ nhiều vùng miền có chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, ngày càng đáp ứng tốt nhất mọi nhu cầu mua sắm cho khách hàng của MM", ông Bruno Jousselin, Tổng Giám Đốc Điều Hành MM Mega Market Việt Nam cho hay.
Về phía lãnh đạo Hà Nội, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, thông qua Tuần hàng, Sở Công Thương kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối được sản phẩm vào hệ thống MM Mega Market, đồng thời cập nhật thêm thông tin, yêu cầu về sản phẩm của hệ thống phân phối để điều chỉnh về bao gói, quy cách… để sản phẩm có thể kết nối vào hệ thống MM Mega Market trong thời gian tiếp theo.
Cần sự hợp tác giữa các bên
Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ, được triển khai trên toàn quốc từ năm 2018. Qua 5 năm thực hiện, Chương trình đã được các tỉnh, thành trên cả nước tích cực hưởng ứng, xây dựng Kế hoạch để phát triển, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Trong đó, Hà Nội đang tiếp tục dẫn đầu về số lượng sản phẩm OCOP, với trên 1.649 sản phẩm của 426 doanh nghiệp, đơn vị, trong đó ngành Thực phẩm chiếm 65% sản phẩm, là những sản phẩm chất lượng, giá cả phù hợp đến với người tiêu dùng.
Trên thực tế, hiện đầu ra của các sản phẩm OCOP vẫn nhiều khó khăn, các chủ thể OCOP vẫn khó tiếp cận đưa hàng vào kênh phân phối hiện đại, đặc biệt là các siêu thị lớn hay kênh phân phối quốc tế.
Về việc này, ông Nguyễn Thế Hiệp cho hay, việc xúc tiến sản phẩm OCOP của các chủ thể OCOP trên địa bàn TP. Hà Nội là một trong những nội dung, chương trình công tác của Sở Công Thương và được triển khai thường xuyên, liên tục trong những năm vừa qua. Kết quả cho thấy, ngày càng nhiều người tiêu dùng biết đến nhiều hơn các sản phẩm OCOP chất lượng và an toàn.
Tuy nhiên, chỉ sự vào cuộc của cơ quan chức năng là không đủ mà rất cần sự đồng hành của các chủ thể OCOP, các doanh nghiệp và các hệ thống phân phối. Theo đó, về phía các doanh nghiệp cũng như hệ thống phân phối cần sự hợp tác nhiều hơn để thúc đẩy cả chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng.
Mặt khác, để sản phẩm OCOP có thể đưa vào hệ thống phân phối lớn để có thị trường tiêu thụ rộng hơn, thì việc sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn trong nước cũng như tiêu chuẩn thị trường là yếu tố rất quan trọng. Trong khi đó, các yêu cầu này đang đòi hỏi ngày càng cao hơn như nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn thực phẩm…. Do đó, các chủ thể OCOP cần tiếp cận các thông tin này để có kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp.
"Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục đồng hành trong việc phát triển, giới thiệu sản phẩm OCOP, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại cũng như kết nối rộng hơn với các đối tác trong hệ thống siêu thị cũng như các đơn vị nằm trong chuỗi sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm", ông Nguyễn Thế Hiệp cho biết thêm.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, sản phẩm OCOP được qua một quy trình chấm điểm với nhiều yêu cầu và tiêu chí khắt khe từ chất lượng, nhãn mác bao bì hay gắn với văn hóa vùng miền….
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, do phát triển nhanh, nhiều địa phương có sản phẩm trùng lặp nhau. Như vậy, tự các sản phẩm OCOP đã cạnh tranh nhau. Do đó, thời gian tới, các địa phương cũng cần ngồi lại để đánh giá dung lượng thị trường và có kế hoạch sản xuất tốt hơn, không để tình trạng cạnh tranh lẫn nhau giữa các địa phương. Bên cạnh đó, cần phải xác định phân khúc thị trường của mình như xuất khẩu, bán vào hệ thống siêu thị hay bán ra các chợ truyền thống.
Khẳng định các kênh xúc tiến, quảng bá, kết nối để đưa các sản phẩm OCOP đến được với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước, bà Lê Việt Nga cho hay, về phía Bộ Công Thương sẽ tạo ra những kênh bán hàng mới, hay hơn, phù hợp hơn đối với các sản phẩm OCOP của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Bích Phương