Đồng thuận góp phần phát huy dân chủ cơ sở
(Chinhphu.vn) - Việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở Đan Phượng, Hoài Đức chính là nhờ sự đồng thuận, quyết tâm của người dân đã tạo điều kiện cho địa phương phát triển nhanh hơn và góp phần phát huy dân chủ cơ sở.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Đan Phượng, Hoài Đức. Ảnh: Gia Huy |
Sáng 8/7, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội do Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội làm Trưởng đoàn đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Đan Phượng, Hoài Đức về kết quả kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV.
Kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đời sống dân sinh
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri huyện Đan Phượng, Hoài Đức đã nêu các ý kiến, kiến nghị liên quan đến địa phương như: Giáo dục đào tạo; về dự án nhà máy nước nông thôn; ùn tắc giao thông nội đô; quy hoạch vùng thoát lũ sông Hồng; quy hoạch bãi thải rắn tại xã Trung Châu (huyện Đan Phượng); ô nhiễm môi trường tại các làng nghề; chính sách giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất nông nghiệp...
Cử tri Bùi Thị Thu Hằng, Đan Phượng cho biết, huyện hiện có 52 trường với gần 40 nghìn học sinh, hơn 2.500 cán bộ, giáo viên. Chất lượng giáo dục huyện được Sở GD&ĐT đánh giá nằm trong top đầu các huyện ngoại thành khi có 41/52 trường đạt chuẩn quốc gia. Cử tri đề nghị Chính phủ bảo đảm về cơ cấu vị trí việc làm, tiếp tục cho tuyển dụng viên chức với 2 vị trí việc làm là cán bộ y tế và tài chính kế toán tại các trường học. Riêng với cấp học mầm non, cử tri kiến nghị cho tuyển dụng 2 vị trí giáo viên dạy âm nhạc và mỹ thuật.
Cử tri Phạm Văn Mạnh, Hoài Đức kiến nghị Thành phố cần tiếp tục tạo điều kiện, chủ trương để huyện hoàn thiện hạ tầng giao thông đồng bộ, đề xuất cho huyện các cơ chế để phát triển hệ thống hạ tầng khung, nhất là các tuyến đường vành đai 3,5, vành đai 4 tạo nên mạng lưới giao thông hài hòa với các quận, huyện liền kề. Bên cạnh đó, UBND Thành phố cần rà soát lại quy hoạch hoạch xây dựng các khu đô thị phải có đủ các tiêu chí hạ tầng, giao thông, trường học.
Về ùn tắc giao thông tại nội đô, cử tri Đỗ Văn Đang, huyện Đan Phượng nêu 3 giải pháp: Cần sớm quy hoạch và di chuyển trường học về vùng nông thôn để giảm tải người ra thành phố và tạo điều kiện cho nông thôn phát triển; có chính sách đưa giáo sư, bác sỹ giỏi về tuyến huyện điều trị trực tiếp để người bệnh không phải lên tuyến Trung ương; chuyển dần khu công nghiệp về nông thôn để vừa giải quyết lao động tại chỗ vừa giảm tải xe cộ đi vào nội đô.
Liên quan quy hoạch rác thải của Thành phố tại xã Trung Châu, cử tri Đỗ Văn Đang nêu ý kiến, năm 2012, Thành phố đã quy hoạch hơn 9 ha bãi rác tại xã nhưng đến nay chưa thực hiện vì các nguyên nhân: Quy hoạch sát vùng dân cư đang sinh sống; diện tích đất người dân đang sản xuất, trồng cây nên khi thực hiện vướng thoả thuận; đây là vùng đất phẳng nên khó xử lý rác thải rắn. Cử tri kiến nghị dịch chuyển quy hoạch về phía Tây hơn 1 km sẽ thuận lợi vì xa khu dân cư, lượng chứa rác có thể gấp đôi chỗ cũ vì vùng đất có độ trũng sâu 3-4m; quan trọng hơn là khu vực này không sát dân nên không khó khăn khi giải phóng mặt bằng.
Cử tri Nguyễn Hưu Quy, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng kiến nghị về chính sách giải phóng mặt bằng thu hồi đất nông nghiệp. Ông Quy cho biết, trên địa bàn xã có 17 dự án cần giải phóng mặt bằng, đến nay đã hoàn thành 12 dự án, còn 5 dự án chưa hoàn thành vì chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng thay đổi. Cử tri đề nghị sớm giải quyết cho xã có điểm làng nghề để tập trung các hộ sản xuất, kinh doanh để không ảnh hưởng đến môi trường và sinh hoạt của khu dân cư.
Ảnh: Gia Huy |
Phát triển đời sống người dân từ nông thôn mới
Tại buổi tiếp xúc, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cảm ơn các ý kiến tâm huyết của cử tri đã phản ánh được những vấn đề còn tồn tại thuộc thẩm quyền của Trung ương cũng như Thành phố cần giải quyết. Những ý kiến cử tri kiến nghị, những nội dung liên quan thẩm quyền của Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội tiếp thu và trình Quốc hội xem xét.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội đánh giá cao Hoài Đức và Đan Phượng là hai địa phương đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, cũng như các mục tiêu, nhiệm vụ trong 6 tháng năm 2017, điều này tao điều kiện cho chính môi trường sản xuất kinh doanh ở địa phương ngày một tốt hơn.
“Các đồng chí đã làm được việc quan trọng là tạo được sự đồng thuận, phát huy được dân chủ cơ sở nên người dân phấn khởi tham gia vào quá trình phát triển của địa phương”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội nói và nhấn mạnh, nông thôn mới chỉ là bước đầu, làm sao để phát triển được đời sống người dân trên nền nông thôn mới mới là thành công.
Giải đáp một số kiến nghị cử tri, liên quan đến công tác quy hoạch, Bí thư Hà Nội cho rằng dù quy hoạch cần có sự điều chỉnh nhưng cần phải quản lý tốt hơn. Cụ thể là công tác xử lý vi phạm về trật tự xây dựng, đặc biệt là vi phạm đất nông nghiệp cần xử lý tốt hơn.
Về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất, Bí thư Hà Nội cho biết đến nay TP. Hà Nội đã giải quyết trên 98% trong công tác dồn điền đổi thửa, trên 97% về cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng dất. Bí thư Hà Nội nhấn mạnh, những trường hợp còn lại là trường hợp khó, cấp xã, cấp phường cần phải trực tiếp xuống tận nơi còn khó khăn để giải quyết, tìm hiểu nguyện vọng của người dân, nhiều trường hợp sẽ phải thuyết phục, động viên. Tuy khó khăn nhưng khi giải quyết xong sẽ tạo được sự đồng thuận của người dân.
Gia Huy