Dự án Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục: Cần tạo sự đồng thuận

25/01/2018 4:09 PM

(Chinhphu.vn) - Là tuyến đường trục chính đô thị của Hà Nội, nhưng lại thiếu đồng bộ nên nhiều năm qua, Vành đai 1, đặc biệt là đoạn tuyến Hoàng Cầu-Voi Phục đã chưa phát huy được hết tác dụng. Do đó, việc đầu tư xây dựng tiếp đoạn đường này là cần thiết nhằm phát huy hiệu quả toàn tuyến, đáp ứng nhu cầu và giải tỏa ùn tắc giao thông khu trung tâm Thành phố.

Ảnh: Internet

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục có chiều dài 2.274 m, mặt cắt ngang 50 m, nhằm hoàn thiện đồng bộ tuyến đường Vành đai 1 từ đê Nguyễn Khoái đến Cầu Giấy theo quy hoạch, kết nối giữa các tuyến đường đã và đang được đầu tư xây dựng; tăng diện tích đường và góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông trên mạng lưới và trong khu vực đô thị trung tâm của Thủ đô.

Theo Quyết định số 2113/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, đoạn tuyến này có tổng mức đầu tư lên tới gần 7.800 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2017-2020.

Tuy nhiên, ngay khi công bố chủ trương triển khai dự án, đã có nhiều ý kiến dư luận cho rằng, tổng kinh phí đầu tư tính cho tuyến đường này là khá cao. Lý giải về vấn đề này, đại diện chủ đầu tư-Trưởng phòng GPMB, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP. Hà Nội Nguyễn Tấn Nam An cho biết, sở dĩ chi phí GPMB cao như vậy vì dự án đi qua khu vực lõi đô thị của Hà Nội.

“Do đoạn tuyến đi qua địa bàn 2 quận lõi Ba Đình, Đống Đa, nơi giá trị đất được tính cao vào loại nhất nhì của Thành phố nên chi phí hỗ trợ, bồi thường, GPMB rất cao”, ông An khẳng định.

Bên cạnh đó, tổng kinh phí đầu tư tính trên mỗi km đường cao hơn các dự án khác bởi nguyên nhân chủ yếu do chi phí đền bù GPMB quá cao. So sánh với dự án đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở-Ngã tư Vọng (2 dự án có chiều dài xấp xỉ nhau) cho thấy, dự án Ngã Tư Sở-Ngã tư Vọng có tổng mức đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng vì chỉ phải thu hồi đất của khoảng 600 hộ dân, với nhu cầu tái định cư 553 căn hộ. Trong khi dự án Hoàng Cầu-Voi Phục phải thu hồi đất của 2.328 hộ dân, nhu cầu tái định cư 2.239 căn hộ, gấp trên dưới 4 lần.

Tìm sự đồng thuận từ phía người dân

Những ngày qua có một số ý kiến cho rằng, nhiều người dân không đồng thuận với chủ trương xây dựng đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục. Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế cho thấy đó chỉ là những ý kiến của thiểu số người dân chưa nắm rõ thông tin và ý nghĩa của Dự án.

Ông Bùi Huy Tưởng, Tổ trưởng Tổ Dân phố số 7, phường Thành Công (Ba Đình) cho biết, toàn bộ các hộ dân cư trong Tổ 7 đều thuộc diện phải GPMB phục vụ Dự án. “Trước đây mọi người không đồng thuận với chủ trương làm đường, nhưng từ khi Thành phố công bố quy hoạch rõ ràng, công khai và Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, người dân đã dần dần ủng hộ”, ông Tưởng nói.

Mới đây, tại các buổi tham vấn ý kiến dân cư, đại đa số cư dân trong phạm vi Dự án Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục đều rất ủng hộ chủ trương của Thành phố. Đại diện cư dân Tổ 9, phường Giảng Võ Nguyễn Hồng Thông cho hay: “Dự án treo đã quá lâu, chúng tôi rất mong mỏi sớm thực hiện, vừa để góp phần phát triển Thành phố vừa sớm ổn định đời sống cho nhân dân. Hơn nữa, càng để lâu sẽ càng gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước”.

Mặc dù vậy, không ít người dân vẫn tỏ ra băn khoăn, lo lắng về tiến độ triển khai dự án liệu có được đúng như kế hoạch đề ra, đặc biệt là khâu GPMB còn nhiều vấn đề phức tạp, cần thời gian để tìm sự đồng thuận giữa các bên. Ông Nguyễn Minh Đạt (Tổ trưởng Tổ dân phố số 6, phường Thành Công) đề xuất: “Chủ đầu tư có thể cung cấp hồ sơ dự án cho từng hộ gia đình, đồng thời niêm yết tại bảng thông tin phường để người dân nắm đầy đủ và rõ ràng hơn thông tin về dự án”.

Đứng trước những khó khăn trong công tác GPMB, thực hiện Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục, các chuyên gia cho rằng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền cũng như các đoàn thể chính trị địa phương. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả công tác GPMB cần phải quy trách nhiệm rõ ràng đối với lãnh đạo các đơn vị, địa phương liên quan.

“Chính quyền và đoàn thể cơ sở là những người gần dân nhất, hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân nhất. Việc tuyên truyền vận động, thuyết phục có hiệu quả hay không, đầu tiên là do công tác của lực lượng này”, Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng khẳng định.

Cùng với việc kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân, cơ quan chức năng cũng cần quyết liệt thúc đẩy công tác GPMB tránh để dây dưa kéo dài, gây lãng phí, thiệt hại cho ngân sách và ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Nhiều chuyên gia cũng lưu ý, trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cơ quan chức năng cần bảo đảm được sự minh bạch, công bằng để tránh làm phát sinh thêm những ý kiến trái chiều không đáng có.

Thành Nam

Top