Dự án Vành đai 4: Cần tập trung vào 9 nhóm giải pháp chính
(Chinhphu.vn) - Với các dự án hạ tầng, công tác chuẩn bị có vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là đại dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô lại càng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản. Để triển khai thuận lợi dự án ngay từ bước đầu, Hà Nội cũng như các địa phương khác cần tập trung vào 9 nhóm giải pháp chính.
Không ít khó khăn
Tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội. Có thể thấy rõ, việc triển khai dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ và hỗ trợ rất thiết thực, mạnh mẽ của Quốc Hội, Chính phủ cũng như các Bộ, ngành liên quan.
Hà Nội với vai trò đầu tầu, cùng với các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh cũng đã thể hiện quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ trong suốt thời gian qua nhằm chuẩn bị cho dự án.
Cụ thể, Quốc Hội đã ra Nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án; Chính phủ cũng đã có văn bản số 3853/VPCP-CP ngày 23/6/2022 giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội xây dựng Nghị quyết của Chính phủ, trình Chính phủ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Quốc hội ban hành Nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án, để cụ thể hóa các nội dung cũng như phân công tổ chức triển khai thực hiện.
Một số cơ chế chính sách quan trọng, có tính đặc thù riêng, góp phần thúc đẩy tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án đã được Quốc Hội thông qua. Ví dụ như việc chia thành 7 dự án thành phần với cơ cấu nguồn vốn khác nhau; cho phép chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cho phép chuyển mục đích sử dụng của khoảng 816 ha đất trồng lúa phục vụ dự án...
Việc giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư cũng như xây dựng đường gom song hành được tách thành các dự án riêng và giao cho TP. Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh thực hiện tương ứng với các đoạn qua địa bàn phụ trách. UBND TP. Hà Nội được giao làm chủ trì triển khai dự án thành phần đường cao tốc (theo hình thức BOT) trên toàn tuyến.
Các chuyên gia, kỹ sư và nhà thầu trong nước hoàn toàn có thể làm chủ dây chuyền, công nghệ, kỹ thuật để triển khai dự án từ khâu thiết kế đến triển khai thi công, nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng.
Tuy nhiên, triển khai dự án còn nhiều khó khăn, thách thức bởi đây là dự án có quy mô rất lớn, trải dài qua nhiều địa bàn với địa hình, địa chất khác nhau. Khối lượng đào đắp, giải phóng mặt bằng lớn. Sơ bộ tính toán tổng khối lượng giải phóng mặt bằng toàn tuyến khoảng 1.341ha; khối lượng đào tương ứng với khối lượng đất xả thải khoảng 2,3 triệu m3, trong đó riêng Hà Nội vào khoảng 1,06 triệu m3. Khối lượng đắp nền khoảng 12,87 triệu m3, riêng Hà Nội khoảng 5,83 triệu m3.
Mặt khác, dự án Vành đai 4 có giao cắt với nhiều tuyến đường quan trọng đang được khai thác sử dụng, đòi hỏi vừa phải thi công khớp nối, vừa bảo đảm khai thác vận hành tại hơn 25 nút giao với đường chính, 8 nút giao liên thông.
Nhiều công trình vượt sông có quy mô lớn cần triển khai đầu tư như: Cầu Hồng Hà, Mễ Sở (vượt sông Hồng); cầu Hoài Thượng (vượt sông Đuống). Khi triển khai thực hiện phải tiến hành thi tuyển kiến trúc công trình cầu cũng như phải bảo đảm các yêu cầu phòng chống lũ, đê điều theo quy định.
Lượng người dân chịu ảnh hưởng khi triển khai dự án không nhỏ, việc tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống cho các hộ dân bị thu hồi đất là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của dự án.
Chín nhóm giải pháp chính
Với các dự án hạ tầng, công tác chuẩn bị có vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là đại dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô lại càng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản hơn gấp bội. Để triển khai thuận lợi dự án ngay từ bước đầu, Hà Nội cũng như các địa phương khác cần tập trung vào 9 nhóm giải pháp.
Một là, tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến người dân, đặc biệt người dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng của dự án, nhằm tạo được sự đồng thuận, ủng hộ sâu rộng trong công tác GPMB, thực hiện dự án.
Hai là, chuẩn bị tốt và đầy đủ quỹ nhà, quỹ đất tái định cư do dự án. Đây là việc đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, cần làm ngay mới theo kịp tiến độ chung của dự án. Các địa phương cần đa dạng chính sách bồi thường, hỗ trợ, đảm bảo nguyên tắc sau khi tái định cư, cuộc sống của người dân phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Lưu ý khi tái định cư phải phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa, sinh hoạt của người dân.
Ba là, khẩn trương hoàn thiện việc xác định phạm vi chỉ giới đường đỏ toàn tuyến, tổ chức cắm mốc giới, công bố công khai cho người dân được biết. Chỉ giới đường đỏ phải đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật tuyến; hạn chế tối đa GPMB, tái định cư. Hạn chế ảnh hưởng đến các công trình văn hóa, lịch sử, an ninh, quốc phòng; đảm bảo yêu cầu về đê điều, phòng chống lũ đối với những đoạn tuyến vượt sông. Xác định cụ thể ngay phạm vi, hình thái các nút giao thông của toàn bộ dự án, bao gồm cả hai giai đoạn để phục vụ công tác cắm mốc, GPMB một lần.
Bốn là, xây dựng kế hoạch, tiến độ cụ thể cho toàn bộ quá trình triển khai các dự án thành phần; có cơ chế phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các địa phương trong việc tổ chức thực hiện.
Năm là, tổ chức triển khai ngay việc thi tuyển kiến trúc đối với các công trình cầu lớn vượt sông như: Hồng Hà, Mễ Sở, Hoài Thượng, làm cơ sở cho việc triển khai các bước tiếp theo.
Sáu là, xác định các vị trí tập kết, xả thải vật liệu đào của dự án; đồng thời phải xác định được nguồn vật liệu đắp, bảo đảm cung ứng, đáp ứng đủ số lượng, trữ lượng, chất lượng cho dự án. Việc chuẩn bị sẵn nguồn cung sẽ giúp tránh tối đa hiện tượng đội giá, thiếu thôn vật liệu đắp như tuyến cao tốc Bắc - Nam đang triển khai hiện nay.
Bảy là, có định hướng bảo vệ, sử dụng hiệu quả phần hành lang dự trữ cho đường sắt sau khi giải phóng mặt bằng, nghiên cứu trồng cây xanh tạo cảnh quan hoặc một số vị trí thích hợp có thể xem xét bố trí tạm thời các bãi đỗ xe phục vụ người dân.
Tám là, rà soát, hoàn thiện bổ sung, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong giai đoạn 2021-2025 cũng như hoàn thiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng 816 ha đất lúa theo chủ trương đã được Quốc hội thông qua làm cơ sở triển khai dự án.
Chín là, tổ chức giám sát chặt chẽ, toàn diện quá trình triển khai dự án đầu tư từ khâu chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, chú trọng đẩy mạnh công tác giám sát cộng đồng. Nghiên cứu xem xét, đề xuất phối hợp với Kiểm toán Nhà nước để thực hiện việc kiểm toán trong toàn bộ quá trình thực hiện, bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước có hiệu quả.
Chuyên gia về Quản lý đô thị Phan Trường Thành