Du lịch Thủ đô dần khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn
(Chinhphu.vn) - Thủ đô Hà Nội, với bề dày lịch sử hàng nghìn năm văn hiến, cảnh quan tự nhiên và vị trí địa lý chiến lược cũng như hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất hiện đại, là tiềm năng lớn để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trong bối cảnh mới.
Tiềm năng lớn cho phát triển du lịch Thủ đô
Chia sẻ những nhận định và đánh giá về tiềm năng phát triển du lịch Thủ đô trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, hiện nay Hà Nội có nhiều cơ hội mới trong phát triển du lịch. Các điều kiện về vị trí địa lý là lợi thế để Thủ đô Hà Nội phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng, đóng vai trò đầu mối, trung tâm du lịch kết nối cả nước và với khu vực, quốc tế.
TP. Hà Nội nằm ở phía Tây Bắc của vùng Đồng bằng sông Hồng, tiếp giáp với 8 tỉnh trong vùng. Là nơi tiếp giáp giữa vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng trung du miền núi phía Bắc nên Hà Nội có nhiều lợi thế trong giao thương với các tỉnh trong vùng và cả nước. Đồng thời, Thủ đô Hà Nội cũng nằm trên trục 4 hành lang kinh tế, trong đó có 2 hành lang quốc tế kết nối với các tỉnh của Trung Quốc - thị trường khách du lịch lớn nhất của Việt Nam.
Về tài nguyên du lịch, Hà Nội có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng và phong phú với hệ thống sông, hồ, đồi núi, các khu sinh thái, vườn quốc gia Ba Vì, khu du lịch Hương Sơn, hồ Quan Sơn – hồ Tuy Lai, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm... Các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên nổi bật trên là tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao.
Bên cạnh đó, Hà Nội còn có hệ thống di sản văn hóa - lịch sử đặc sắc, bao gồm gần 6.000 di tích, trong đó có di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long và nhiều di tích cấp quốc gia như Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Chùa Một Cột và các khu phố cổ; kiến trúc của Hà Nội mang đậm dấu ấn của lịch sử lâu dài, gắn với cuộc sống sinh hoạt người dân, văn hoá, tín ngưỡng tôn giáo.
Hà Nội cũng được mệnh danh là thủ đô của chùa chiền, thủ đô của các làng nghề truyền thống-là lợi thế quan trọng để phát triển du lịch văn hóa. Các giá trị văn hoá phi vật thể, lễ hội, ẩm thực đa dạng và đặc sắc cũng là những giá trị tài nguyên du lịch quý giá để khai thác các loại hình du lịch văn hóa.
Không những vậy, Thủ đô Hà Nội còn có hệ thống giao thông đa dạng và phát triển, gồm đường bộ, sắt, thủy và cảng hàng không quốc tế Nội Bài kết nối với các địa phương của vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, các tỉnh phía Bắc, cả nước và quốc tế. Hế thống cơ sở lưu trú của Hà Nội cũng đứng đầu cả nước với nhiều khách sạn từ cao cấp đến bình dân, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách du lịch.
Du lịch Thủ đô đang phát triển đúng định hướng
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn, giai đoạn 2011-2019 ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng về lượng khách du lịch đến Hà Nội. Tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm, trong đó khách quốc tế đạt 17,9%/năm, tương đương 1 triệu khách quốc tế tăng thêm sau mỗi năm.
Giai đoạn 2020-2021, du lịch Hà Nội chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch COVID-19, năm 2021, lượng khách đến Hà Nội chỉ khoảng 4,0 triệu lượt.
Năm 2023, ngành du lịch Thủ đô chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ, lượng khách đạt 24 triệu lượt, tăng 9,1% so với kế hoạch, tương đương 83% kết quả năm 2019, sự phục hồi và tăng trưởng này là minh chứng về sức hấp dẫn của du lịch Hà Nội.
So sánh trong khu vực động lực phát triển du lịch, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm số lượt khách quốc tế của Hà Nội (17,9%) cao hơn đáng kể so với Hải Phòng (6%), Ninh Bình (4%), Quảng Ninh (12%) và cao hơn mức tăng trung bình của vùng ĐBSH (14,5%) và cả nước (14,7%).
So sánh với một số trung tâm du lịch khác của Việt Nam, tốc độ tăng của Hà Nội thấp hơn Đà Nẵng (26,6%), Khánh Hòa (29,9%) nhưng cao hơn TPHCM (11,9%), Cần Thơ (13,1%). Trong cả nước, tổng lượng khách quốc tế đến Hà Nội xếp thứ 2, chỉ sau TPHCM.
So sánh với một số Thủ đô và thành phố có trình độ phát triển, quy mô tương đương, cho thấy Hà Nội ở nhóm giữa trong khả năng thu hút khách quốc tế với 7,025 triệu lượt khách vào năm 2019, Hà Nội đón được nhiều khách quốc tế hơn Jakarta (2,84 triệu lượt), Manila (1,95 triệu lượt) nhưng kém so với Seoul (9,5 triệu), Đài Bắc (11,1 triệu), Kuala Lumpur (13,86 triệu) và đặc biệt là Bangkok 22,8 triệu lượt.
Đánh giá về những điểm mạnh của ngành du lịch trong giai đoạn hiện tại, TS. Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, du lịch Thủ đô đã và đang phát triển theo đúng định hướng, tốc độ phát triển tương đối nhanh, thị trường khách ngày càng được mở rộng, hệ thống sản phẩm du lịch tương đối đa dạng. Hà Nội đã khẳng định được vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển du lịch của miền Bắc và cả nước.
Hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ngày càng được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch.
Hà Nội xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới
Hiện nay, các sản phẩm du lịch của Hà Nội chủ yếu tập trung phát triển ở khu vực 4 quận nội thành, cùng các khu vực Ba Vì-Sơn Tây, khu vực Mê Linh - Sóc Sơn và khu vực Hương Sơn - Mỹ Đức với các chủ đề về du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch lễ hội; du lịch dựa vào thiên nhiên và nông nghiệp; du lịch vui chơi giải trí; du lịch golf; du lịch mua sắm; du lịch MICE.
Thời gian qua, để đáp ứng các xu hướng mới, ngành du lịch Thủ đô đã và đang phát triển các nhóm sản phẩm du lịch mới phục vụ đa dạng nhu cầu của từng nhóm khách du lịch như: Du lịch đêm gồm các tour du lịch đặc sắc như Chương trình biểu diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ", tour tham quan Hỏa Lò về đêm, các không gian đi bộ, tour "Giải mã Hoàng thành Thăng Long", đêm Văn Miếu-Quốc Tử Giám "Tinh hoa đạo học"…; Sản phẩm du lịch thể thao gồm tour khám phá Hà Nội bằng xe đạp "VGreen bike tour", các tour leo núi, chạy bộ tại khu vực huyện Sóc Sơn...
Ngoài ra, còn một số các sản phẩm khác như du lịch cộng đồng kết hợp sinh thái, trải nghiệm tại huyện Ba Vì; du lịch golf kết hợp du lịch văn hóa tại Sơn Tây…
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, du lịch Thủ đô ngày càng khẳng định vai trò của một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hình ảnh của Thủ đô được quảng bá rộng rãi đến thế giới.
Bên cạnh những thế mạnh này, Viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch cũng cho rằng, du lịch Hà Nội còn có những mặt hạn chế. Cụ thể, hệ thống tài nguyên du lịch chưa được khai thác, phát huy hiệu quả, nhiều tài nguyên du lịch có giá trị đã được quy hoạch nhưng chưa thu hút được đầu tư để tạo thành sản phẩm du lịch.
Chất lượng sản phẩm du lịch chưa đồng đều, chưa đa dạng, thiếu tính sáng tạo, thiếu những sản phẩm du lịch cốt lõi, chủ lực mang đậm bản sắc của Hà Nội. Hà Nội còn thiếu các khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng có quy mô lớn, chất lượng cao và đẳng cấp đủ sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách.
Quy mô doanh nghiệp du lịch còn nhỏ, sức cạnh tranh yếu, chưa hình thành được doanh nghiệp du lịch mạnh có thương hiệu tầm cỡ quốc tế. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch chưa đồng bộ, phân bổ phân tán, thiếu về số lượng, chất lượng không đồng đều, thiếu cơ sở lưu trú có chất lượng cao (4-5 sao).
Hà Nội chưa có sự phối hợp, gắn kết giữa công tác quảng bá xúc tiến với công tác marketing của doanh nghiệp, chưa theo kịp các xu hướng của thị trường; chưa xây dựng được các sự kiện văn hóa-du lịch có tính chất thường niên, có quy mô lớn mang đậm dấu ấn của Thủ đô…Những hạn chế trên đã phần nào làm giảm sức cạnh tranh của du lịch Hà Nội so với các đối thủ cạnh tranh trong nước, trong khu vực và quốc tế.
Do đó, TS. Nguyễn Anh Tuấn nêu ý kiến, cần có những định hướng, giải pháp cụ thể trong thời gian tới phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển du lịch hiện nay để đưa du lịch Thủ đô phát triển thực sự xứng tầm với tiềm năng vị thế thời gian tới
Minh Anh