Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Phải dự báo được chặng đường 20-30 năm tới

17/03/2023 2:33 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 17/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học "Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)". Nhiều đề xuất, kiến nghị tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học với Thành phố đã được đưa ra tại Hội thảo.

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) - Ảnh 1.

Nhiều đề xuất, kiến nghị tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học với Thành phố đã được đưa ra tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Minh Anh

Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII ban hành năm 2012 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013. Qua hơn 9 năm thực hiện, Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của chính quyền các cấp và nhân dân về vị trí, vai trò, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô; các chính sách, cơ chế quy định trong Luật đã góp phần giúp thành phố đạt được một số thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực như: Kinh tế, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội"...

Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, mặt khác cũng đã bộc lộ một số tồn tại và yêu cầu mới trong bối cảnh mới. Do đó việc sửa đổi Luật Thủ đô nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp giúp Thủ đô phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả cao nhất các nguồn lực để phát triển, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô là việc hết sức cần thiết.

Để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị; việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) hướng tới mục tiêu nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết, cơ quan xây dựng dự thảo đã rà soát, tổng hợp, hoàn thiện và kết cấu lại thành 9 nhóm chính sách lớn trong hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), với quan điểm và nguyên tắc là bảo đảm không trái Hiến pháp, đặc biệt là khắc phục những tồn tại và vướng mắc của Luật năm 2012, đó là tính đặc thù vượt trội, ưu tiên áp dụng và vấn đề liên kết vùng; bảo đảm đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng; chỉ lựa chọn và chọn những nội dung đặc thù, vượt trội với pháp luật hiện hành hoặc chưa có quy định để lựa chọn đưa vào luật; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Thủ đô Hà Nội…

Theo ông Hà Minh Hải, để các chính sách bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, các chuyên gia, các nhà khoa học đóng góp ý kiến trực tiếp vào 9 nhóm chính sách tạo thuận lợi cho Thủ đô phát triển trong giai đoạn 10, 20, 30 năm tới và những năm tiếp theo.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao cho rằng, để cho Luật Thủ đô có hiệu lực, hiệu quả, có tuổi thọ dài ngay cả khi các luật khác ban hành sau, nên soạn thảo theo hình thức "bám theo". Ví dụ, mức phạt vi phạm hành chính về giao thông cao hơn gấp 2 lần so với quy định hiện hành thì khi Nghị định, Thông tư thay đổi sẽ bám theo mà không cần thay đổi Luật Thủ đô, tránh thủ tục phiền hà.

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) - Ảnh 2.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Minh Anh

Theo ông Lê Xuân Rao, từ những thực tế tổng kết Luật Thủ đô, việc thu hút nhân tài không có trọng tâm, trọng điểm không thành công, ông đề nghị Luật Thủ đô (sửa đổi) nên tập trung vào những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội và có trọng tâm, trọng điểm. Ví dụ như chính sách cơ chế thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đi sâu tập trung vào một số lĩnh vực cần nhân lực chuyên môn sâu, cao như lĩnh vực quy hoạch quản lý đô thị, giao thông đô thị và quản lý xử lý môi trường, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ… Hà Nội nên thành lập những trung tâm, viện nghiên cứu trực thuộc UBND thành phố để nghiên cứu đưa ra những giải pháp giúp lãnh đạo thành phố quyết định những chương trình, dự án khả thi tiếp cận thực tế và tiếp cận công nghệ hiện đại của các nước phát triển. Nguồn nhân lực chất lượng cao có thể là những chuyên gia, nhà khoa học ở những nước tiên tiến, những người có kinh nghiệm làm việc chuyên môn có thực tế về làm giám đốc trung tâm hoặc viện trưởng để họ có thể chủ động thực hiện những chương trình, kế hoạch của mình đáp ứng đặt hàng của thành phố.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho rằng chính sách liên kết, phát triển vùng là chính sách có tính đặc thù với Thủ đô Hà Nội, tạo điều kiện để thực hiện vị thế Hà Nội và cả nước vì Hà Nội, đặc biệt trong bối cảnh giai đoạn tới rất cần có chính sách, kế hoạch đặc thù của Thủ đô không chỉ với Vùng Thủ đô (10 tỉnh, thành), mà còn với vùng đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh), vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (gồm 7 tỉnh, thành phố). Theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, để phát triển tổng thể, hữu cơ thành một thể thống nhất các vùng nêu trên, cần xác lập vai trò Thủ đô trong quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng, liên kết các tỉnh trong vùng và điều phối phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng, quản lý phân bổ dân cư, phát triển đô thị bền vững...

Theo Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, môi trường Thủ đô phải coi là một điểm nhấn trong Luật sửa đổi lần này để giải quyết các vấn đề cụ thể: Nước, không khí, chất thải rắn… Tuy nhiên, trong 9 chính sách được nhấn mạnh trong xây dựng luật, không có chính sách riêng nào cho vấn đề môi trường Thủ đô, mà nằm rải rác, mờ nhạt hoặc chung chung ở các chính sách khác, thậm chí thiếu vắng trong nhiều đề xuất cơ chế đặc thù.  Tiến sĩ Dương Hoàng Tùng đề nghị nên đánh giá cụ thể vướng mắc về mặt chính sách, thể chế liên quan đến môi trường nước, không khí, chất thải rắn trên cơ sở nghiên cứu kỹ Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 08/2022 và một số văn bản liên quan khác l, đồng thời đề xuất các chính sách, biện pháp cụ thể đặc thù, nổi trội khác biệt để giải quyết các vấn đề ở mức Luật và các văn bản dưới luật.

Liên hiệp Hội Hà Nội sẽ tổng hợp để để gửi tới các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trình Trung ương xem xét.

Minh Anh

Top