Đưa đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Sau nhiều năm tổ chức thành công, Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam đã trở thành sự kiện xúc tiến thương mại uy tín, hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương quảng bá sản phẩm đặc sản với người tiêu dùng Hà Nội.
Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2023 đang diễn ra (ngày 22-26/11) do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) tổ chức với quy mô gần 300 gian hàng thu hút hơn 200 doanh nghiệp, hợp tác xã của 56 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia.
Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam là sự kiện thường niên, nhằm giúp các doanh nghiệp và địa phương trên cả nước quảng bá sản phẩm đặc sản tới người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước, tham gia chuỗi cung ứng-tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu.
Đây cũng là nơi để các nhà phân phối tìm kiếm, lựa chọn nguồn cung cấp hàng hóa, là sự kiện được người tiêu dùng Thủ đô, doanh nghiêp, khách du lịch trong ngoài nước hưởng ứng, chờ đợi vào dịp cuối năm để đến tham quan, mua sắm, trải nghiệm nét văn hóa vùng miền Việt Nam.
Hàng trăm gian hàng bày bán đặc sản vùng miền của 56 tỉnh, thành phố như Cà phê Tây Nguyên, tỏi Lý Sơn hay xoài Cát Hoà Lộc thơm ngon, thốt nốt An Giang, tiêu Phú Quốc, cua Cà Mau... với giá bán bình ổn, thậm chí áp dụng khuyến mãi đã thu hút đông đảo người dân Thủ đô đến trải nghiệm và tìm mua các sản phẩm đặc sản.
Xách trên tay những túi xoài Cát Lộc, bà Nguyễn Thị Thu (Nguyễn Trãi, Hà Nội) cho hay, các cháu bà rất thích ăn xoài nên bà đã mua 5kg. "Nay qua hội chợ, tôi thấy có xoài Cát Lộc mã đẹp, thơm, ăn thử thấy khá ngon ngọt nên tôi mua mấy cân. Tôi khá yên tâm về chất lượng sản phẩm khi mua tại hội chợ mà giá cả thì rất phải chăng", bà Thu chia sẻ.
Tìm mua sản phẩm tỏi Lý Sơn, chị Đỗ Thị Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Trong nhà mình hầu như lúc nào cũng dự trữ tỏi vì đó là thứ gia vị rất tốt cho sức khỏe và dùng nhiều trong chế biến các món ăn hằng ngày. Tỏi Lý Sơn có mùi vị rất đặc trưng nên tôi chọn mua hơn 1 kg về dùng".
Ông Phạm Ngọc Vinh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Polytech có trụ sở tại Hà Nội cho biết, tham gia chương trình Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2023 chúng tôi mang đến các sản phẩm từ tràm trà với thương hiệu Maloby và Vneo như tinh dầu tràm trà, sữa rửa mặt tràm trà, sữa tắm cho bé, nước rửa bình sữa, nước giặt, nước rửa chén, lau sàn, gel rửa tay…
"Chúng tôi hy vọng thông qua hội chợ sẽ có thêm những cơ hội để quảng bá sản phẩm rộng rãi ra thị trường, đưa sản phẩm an toàn và thuần tự nhiên trực tiếp đến nhiều người tiêu dùng" ông Vinh chia sẻ.
Mang đến hội chợ lần này các đặc sản trà hoa vàng Quy Hoa đạt chất lượng OCOP 5 sao, anh Phạm Văn Giang, Giám đốc kinh doanh Công ty Trà hoa vàng Quy Hoa cho biết, đây là lần thứ 3 công ty anh tham gia hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam. Qua mỗi lần tham gia Hội chợ sản phẩm của Công ty được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Nhờ đó mà công ty mở rộng được thị trường phân phối thông qua việc ký kết hợp tác với các đối tác, bạn hàng được biết đến.
"Tôi mong muốn thời gian tới, TP. Hà Nội tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến hơn nữa để doanh nghiệp tôi cũng như nhiều doanh nghiệp khác có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc sản của mình tới người tiêu dùng Thủ đô", anh Giang nói.
Phó Giám đốc HPA Bùi Duy Quang cho biết, Hội chợ năm nay có 56 tỉnh, thành phố trực tiếp tham gia tổ chức "Gian hàng đặc sản" của địa phương, trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng, đặc sản, trong đó có nhiều sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sản phẩm OCOP chất lượng cao.
Sản phẩm trưng bày tại hội chợ được Ban Tổ chức lựa chọn các sản phẩm bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm… khuyến khích doanh nghiệp phát triển, giới thiệu những sản phẩm mới, sáng tạo, bao bì đẹp (quy tụ được các sản phẩm chỉ dẫn địa lý, sản phẩm đặc sản địa phương; các sản phẩm nông sản, thực phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu…).
Có thể thấy, qua các kỳ tổ chức, Hội chợ Đặc sản vùng miền không ngừng đổi mới, nâng cao về chất lượng, trở thành sự kiện xúc tiến thương mại có uy tín thu hút sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo các tỉnh, thành phố trong cả nước và được người tiêu dùng tích cực đón nhận.
Hội chợ Đặc sản vùng miền chính là cầu nối quan trọng giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng, là kênh quảng bá hiệu quả cho các sản phẩm đặc sản Việt Nam. Đồng thời là dịp để giới thiệu những nét văn hóa truyền thống, du lịch đặc trưng của mỗi vùng đất tới du khách trong nước và quốc tế.
Với sự đa dạng về nhóm hàng, chương trình được đánh giá là cơ hội tốt cho người tiêu dùng mua sắm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng cao điểm cuối năm; cũng như cơ hội kinh doanh, kết nối giao thương hiệu quả với doanh nghiệp phân phối lớn trong nước và nước ngoài, tham gia chuỗi cung ứng - tiêu thụ sản phẩm tại Hà Nội và xuất khẩu.
Diệu Anh