Đưa di sản hướng đến cộng đồng

17/11/2023 5:33 PM

(Chinhphu.vn) - Đây là nội dung được các chuyên gia nghiên cứu văn hóa đồng tình khi thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn, giáo dục di sản văn hóa tại Tọa đàm giáo dục di sản Kéo co với Hội kéo co Gijisi tại Hà Nội.

Đưa di sản hướng đến cộng đồng- Ảnh 1.

Nghi lễ và trò chơi Kéo co Gijisi của Hàn Quốc và hoạt động trải nghiệm dành cho công chúng, học sinh sinh viên. Ảnh: VGP

Tọa đàm được tổ chức ngày 17/11, trong khuôn khổ Liên hoan Nghi lễ và trò chơi Kéo co 2023.

Tọa đàm có sự tham gia của hơn 50 đại biểu đến từ Hội Kéo co Gijisi (thành phố Dangjin, Hàn Quốc) cùng đại diện các bảo tàng, di tích và trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các đại biểu tham dự đã chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm tổ chức các hoạt động giáo dục di sản văn hóa phi vật thể nói chung và Nghi lễ và trò chơi Kéo co nói riêng. Những chia sẻ từ phía Hàn Quốc là cơ hội để Việt Nam học hỏi cách thức tổ chức và giáo dục di sản đa thế hệ từ kinh nghiệm của Hàn Quốc.

Kinh nghiệm bảo tồn và phát huy di sản Trò chơi kéo co

Ông Jeong Seok Young, Thư ký hội kéo co Gijisi Hàn Quốc cho biết, theo văn hoá Hàn Quốc, mỗi bên của sợi dây kéo co biểu trưng cho làng trên (khu vực có nước) và làng dưới (khu vực không có nước). Dây thi đấu được làm bằng rơm, thực tế trong các lễ hội ở Dangjin, dây thi đấu nặng đến 40 tấn, với sự tham gia của hàng chục nghìn người".

Chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn di sản là Trò chơi Kéo co, ông Jeong Seok Young, Thư ký hội kéo co Gijisi Hàn Quốc nói, trò chơi dân gian kéo co đã có từ lâu đời. Việc UNESCO công nhận trò chơi là di sản văn hóa có ý nghĩa lớn trong việc gắn được cộng đồng văn hóa bốn quốc gia: Việt Nam, Hàn Quốc, Campuchia Campuchia và Philippines khi 4 nước cùng nộp hồ sơ được công nhận di sản.

Hiện nay ở Hàn Quốc, trò chơi này đã được đưa vào trường học để các học sinh được hiểu văn hóa này. Một trong những nghệ nhân của Trò chơi kéo co là người đã vận động để có được sự tài trợ của Chính phủ để tổ chức những sự kiện lễ hội Kéo co. Hiện tại Hàn Quốc có 6 hội kéo co.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Năm 2015, kéo co đã được Unesco ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippin) và trở thành môn thi đấu thể thao phổ biến hiện nay ở Việt Nam và một số nước trên thế giới. Nghi lễ kéo co tồn tại ở khắp cả nước, không chỉ trong cộng đồng người Kinh mà còn trong các dân tộc như Tày, Dáy, mỗi nơi có một sắc thái riêng, tạo nên sự đa dạng văn hóa.

Theo đó, kéo co không chỉ là trò chơi hay hoạt động thể thao mà còn là một nghi lễ gắn kết với lịch sử. Khi được UNESCO vinh danh thì di sản này không chỉ là của riêng một cộng đồng hay riêng Việt Nam mà còn là một phần của di sản thế giới, do đó chúng ta cần gìn giữ, phát huy, liên kết các cộng đồng trong nước, từ đó kết nối với các nước khác cũng sở hữu di sản này. Các cộng đồng là người đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc sáng tạo, bảo vệ, giữ gìn, duy trì, tái sinh, làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người, trực tiếp là các cộng đồng kéo co, các nghệ nhân kéo co.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, Hàn Quốc đã rất bài bản trong việc đưa di sản có hướng tới cộng đồng, tập hợp được cộng đồng. Hiện nay chúng ta còn hạn chế nhất định trong công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản, nên những kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc vận động được người dân, cộng đồng tham gia vào môn kéo co là yếu tố rất là quan trọng. Từ đó, chúng ta có thể thực hiện tốt cam kết với quốc tế là bảo tồn, duy trì sức sống của di sản sau khi đã được công nhận.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Mai Văn Trung, Giám đốc Bảo tàng Vĩnh Phúc cũng cho biết, hiện nay trò chơi kéo co đang được Vĩnh Phúc tổ chức cho cộng đồng tham gia theo hình thức xã hội hóa, được xây dựng thành những chương trình biểu diễn cho các địa phương. Tới đây, chương trình này sẽ được đưa vào các trường học để các em học sinh được hiểu thêm về di sản này.

Theo TS. Lê Thị Minh Lý, Lễ hội kéo có mang ý nghĩa đoàn kết là xích lại gần nhau. Ý nghĩa của văn hóa và sức mạnh của chia sẻ và kết nối. Không giống như môn thể thao, trò chơi này ai cũng tham gia và không có thắng thua, cùng kéo chung một chiếc dây để rèn luyện sức khỏe, tạo nên không khí vui vẻ, đoàn kết, tập hợp sức mạnh và nó có ý nghĩa rất là quan trọng.

Hàn Quốc đã có được sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ về vấn đề bảo tồn di sản nói chung và di sản văn hóa phi vật thể trò chơi kéo co nói riêng. Hàn Quốc làm được như vậy là do đã tổ chức rất tốt từ trong cộng đồng, hướng cộng động quan tâm đến di sản. Theo TS. Lê thị Minh Lý, đây là những kinh nghiệm để Việt Nam học hỏi trong công tác bảo tồn di sản văn hoa phi vật thể Trò chơi kéo co.

Đưa di sản hướng đến cộng đồng- Ảnh 2.
Đưa di sản hướng đến cộng đồng- Ảnh 3.
Đưa di sản hướng đến cộng đồng- Ảnh 4.
Đưa di sản hướng đến cộng đồng- Ảnh 5.

Triển lãm trưng bày bài viết và hình ảnh giới thiệu giá trị, ý nghĩa và hình thức Nghi lễ và trò chơi kéo co tại 4 nước (Campuchia, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam) được tổ chức tại đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên) - Ảnh: Minh Anh - Thanh Tùng

Chủ động xây dựng chương trình giáo dục di sản trong di tích, bảo tàng

Trao đổi về công tác giáo dục di sản tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thông qua các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, ThS. Lê Thị Liên, Phòng Giáo dục, Công chúng thuộc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, kéo co là trò chơi dân gian truyền thống, quen thuộc đối với mọi người dân Việt Nam. Trò chơi này đòi hỏi sự đoàn kết, sức mạnh đồng đội và luôn là hoạt động hấp dẫn nhất ở các lễ hội truyền thống hoặc các sự kiện có đông người tham gia. Ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, kéo co là trò chơi dân gian được ứng dụng nhiều nhất trong các chương trình giáo dục di sản (theo thống kê số lượng chương trình giáo dục có sử dụng các trò chơi dân gian thì trò chơi kéo co chiếm đến 85-90%).

Đối với các chương trình tìm hiểu về nhân vật, sự kiện lịch sử, khi phân tích về nguyên nhân thắng lợi của sự kiện, các cán bộ giáo dục của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng thường sử dụng hình ảnh trò chơi kéo co để phân tích, chứng minh về sức mạnh của sự đoàn kết trong các cuộc kháng chiến và tinh thần đồng đội, hiệp sức, đồng lòng để làm nên thắng lợi chung của cả dân tộc.

Ở Việt Nam trong những năm gần đây, sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên đã quy định cụ thể trong thể chế về việc lồng ghép nội dung giảng dạy học di sản văn hóa vào các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông.

Trên cơ sở đó, các bảo tàng, di tích của Thủ đô đã có nhiều nỗ lực chủ động xây dựng các chương trình giáo dục di sản thu hút học sinh phổ thông. Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, từ năm 2016, Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã xây dựng các chủ đề giáo dục di sản và cho đến nay di tích có hơn 30 chủ đề giáo dục di sản cho đối tượng học sinh từ cấp mẫu giáo đến đại học. Trong số đó, có nhiều chủ đề về di sản văn hóa phi vật thể như chủ đề "Lớp học xưa" dành cho học sinh tiểu học hay chủ đề "Vinh quy bái tổ", chủ đề "Thi Hương, thi Hội, thi Đình" dành cho học sinh THPT đã thu hút được rất nhiều các trường đưa học sinh tới tham gia. Từ tháng 1/2023 đến tháng 11/2023, di tích đã đón và tổ chức cho gần 7.000 học sinh đến tham gia trải nghiệm giáo dục di sản.

Theo Trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Đường Ngọc Hà, điểm đặc biệt trong các chương trình giáo dục di sản của Văn Miếu-Quốc Tử Giám là luôn tạo cơ hội cho học sinh được chủ động trong các bước trải nghiệm, học sinh được tiếp thu tri thức một cách chủ động, sáng tạo thông qua các hoạt động tương tác, tự trải nghiệm, khám phá. 

Thay vì phương pháp thuyết minh truyền thống, học sinh tiếp thu kiến thức một cách thụ động thì các em học sinh được phát lá phiếu điều tra cùng các câu hỏi đơn giản, không quá khó, gợi tính tò mò, gợi niềm ham khám phá, tạo gay cấn một chút, hồi hộp một chút để hấp dẫn các em.

Còn Trưởng phòng Trưng bày - Tuyên truyền, Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Hoà cho biết, trong kho bảo quản với hơn 70.000 các tài liệu, hiện vật của Bảo tàng đã không ngừng phát huy giá trị trong công tác trưng bày. Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng các chuyên đề trưng bày khác nhau trong đó có nhiều chuyên đề trưng bày liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng. Bộ phận sưu tầm của bảo tàng vẫn luôn nỗ lực không ngừng để có thể sưu tầm thêm được nhiều tài liệu, hiện vật hơn nữa đáp ứng nhu cầu ngày một cao trong công tác trưng bày, giáo dục công chúng.

Theo các chuyên gia, khi tích hợp nội dung di sản với chương trình học trên lớp sẽ giúp bài học trở nên sinh động hơn nhờ các hoạt động trải nghiệm với nội dung di sản. Yêu cầu tích hợp các nội dung của di tích với các môn học gắn với yêu cầu chuẩn kiến thức và kỹ năng của mỗi khối lớp sẽ giúp cho các chủ đề giáo dục về di sản văn hóa phi vật thể phù hợp với nhận thức của từng đối tượng học sinh, lượng kiến thức quá khó hay quá dễ đều khiến cho chủ đề giáo dục di sản tại di tích giảm tính hấp dẫn, không thu hút được các em.

Liên hoan Trình diễn Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Nghi lễ và trò chơi kéo co năm 2023 sẽ diễn ra trong hai ngày 17-18/11 quy tụ 8 cộng đồng thực hành kéo co tại Việt Nam và Hàn Quốc.

Đây là lần đầu tiên Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và quận Long Biên tổ chức sự kiện này nhằm tăng cường kết nối và trao đổi giữa các cộng đồng thực hành Di sản Nghi lễ và trò chơi kéo co tại Việt Nam và các quốc gia có di sản được UNESCO ghi danh.

Liên hoan có sự tham gia của gần 500 nghệ nhân và người thực hành nghi lễ và trò chơi kéo co đến từ các tỉnh Bắc Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc, thành phố Hà Nội và thành phố Dangjin (Chungcheongnam, Hàn Quốc).

Ngày mai, 18/11, tọa đàm quốc tế "Bảo vệ và phát huy nghi lễ và trò chơi kéo co trong đời sống đương đại" sẽ diễn ra tại đền Trấn Vũ, Long Biên, Hà Nội.  Cùng ngày, công chúng sẽ được chứng kiến màn thực hành nghi lễ và trò chơi kéo co với sự tham gia của Hội Kéo co Gijisi (thành phố Dangjin, Hàn Quốc) và 7 cộng đồng kéo co tại Việt Nam, gồm: Kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ (quận Long Biên, Hà Nội); Kéo mỏ ở thôn Xuân Lai (huyện Sóc Sơn, Hà Nội); Kéo mỏ ở thôn Ngải Khê (huyện Phú Xuyên, Hà Nội); Kéo co ở thôn Hữu Chấp (Bắc Ninh); Kéo song ở thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc); Kéo co ở thôn Hòa Loan (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) và kéo co của cộng đồng người Tày (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai).

Minh Anh

Top