Đưa ‘kinh tế xanh’ của Thủ đô trở thành nền kinh tế mũi nhọn

27/01/2022 3:07 PM

(Chinhphu.vn) - Sau hơn 2 năm chịu tác động của dịch COVID-19, du lịch Hà Nội đã có dấu hiệu khởi sắc hơn khi nhiều sản phẩm du lịch mới thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch đã được hình thành. Ngành Du lịch Thủ đô sẽ quyết tâm sớm phục hồi thị trường, đưa “kinh tế xanh” của Hà Nội trở thành nền kinh tế mũi nhọn.

Đưa ‘kinh tế xanh’ của Thủ đô trở thành nền kinh tế mũi nhọn - Ảnh 1.

Tour khám phá bằng xe đạp do VietFoot Travel tổ chức

Theo thống kê từ Sở Du lịch Hà Nội, năm 2021, Hà Nội ước đón 4 triệu lượt khách du lịch nội địa (bằng 53% so với năm 2020). Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao đạt 23%, giảm 7% so với năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 11,28 nghìn tỷ đồng (bằng 40% năm 2020 và đạt 23% kế hoạch đề ra).

Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng của du lịch Hà Nội không hoàn thành kế hoạch và mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh, phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận chuyển, cơ sở lưu trú đã phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Ngoài ra, trong bối cảnh khủng hoảng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này của Hà Nội còn hạn chế trong tiếp cận chính sách, gói hỗ trợ của Chính phủ cũng như Thành phố. Do đó, việc phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp sẽ còn mất một số năm nữa.

Không những vậy, ngành du lịch Thủ đô hiện còn đối diện với một số khó khăn, thách thức rất lớn để có thể phục hồi, phát triển như chủ trương thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, nhưng việc thực hiện quy định về xét nghiệm, cách ly, vận chuyển chưa thống nhất, đồng bộ, gây khó khăn trong khai thông hành lang du lịch an toàn giữa Hà Nội và các địa phương.

Đặc biệt, theo Sở Du lịch Hà Nội, việc mất đi một lượng lớn khách du lịch quốc tế trong thời gian dài do dịch bệnh đòi hỏi cần có chiến lược, kế hoạch kích cầu du lịch nội địa nhằm phục hồi ngành du lịch; ngoài ra, cần có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, sẵn sàng mở cửa đón khách du lịch quay trở lại khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Mặt khác, một số lượng lớn nhân lực chất lượng cao đã chuyển đổi ngành nghề cũng dự báo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội phục hồi sau đại dịch của du lịch Thủ đô.

Mặc dù bức tranh du lịch Thủ đô đầy thăng trầm trong năm 2021, nhưng vẫn có những ghi nhận tích cực, đó là việc TP. Hà Nội được các tổ chức báo chí du lịch quốc tế đánh giá là một trong những điểm đến hấp đẫn nhất thế giới. Cụ thể trang web Trip Advisor xếp hạng Hà Nội đứng thứ 2 trong danh sách Top 25 Điểm đến du lịch phổ biến nhất châu Á; đứng thứ 6 trong danh sách Top 25 điểm đến phổ biến nhất thế giới. Tương tự trang du lịch trực tuyến Worldpackers (Mỹ) giới thiệu Hà Nội là 1 trong 10 thành phố có mức chi tiêu rẻ nhất thế giới dành cho người nước ngoài. Tạp chí Time (Mỹ) bình chọn TP. Hà Nội là 1 trong 3 điểm đến của Việt Nam vào Top 100 nơi tuyệt vời nhất thế giới…

Chủ động xây dựng, tạo tâm lý an tâm cho du khách

Tín hiệu vui ấy tiếp tục được duy trì trong đầu năm 2022 khi nhiều đơn vị lữ hành đẩy mạnh các tour phục vụ khách trong dịp Tết. Theo Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái, vào dịp đầu xuân 2022, Công ty Lữ hành Hanoitourist giới thiệu tour caravan Hà Giang, Tây Bắc, Ninh Bình; lễ hội du xuân xứ Đoài (Hà Nội), hành hương Tam Chúc (Hà Nam); các tour khám phá Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình), phố Hiến (Hưng Yên), đền Trần (Nam Định).

Bên cạnh đó, trong năm 2022, Hanoitourist sẽ tiếp tục xây dựng sản phẩm theo 5 nhóm du lịch an toàn, nghiên cứu xu hướng, đánh giá nhu cầu để xây dựng các sản phẩm theo hướng đáp ứng nhu cầu khách là bán các dịch vụ đơn lẻ.

Vào dịp Tết Nguyên đán và trong năm 2022, Công ty Du lịch VietFoot Travel sẽ giới thiệu những sản phẩm du lịch mới, trong đó khai thác thế mạnh các tour xe đạp gắn liền với bảo vệ sức khỏe, phù hợp với mọi lứa tuổi, an toàn trong thời kỳ bình thường mới, đáp ứng các nhu cầu du lịch của du khách như: Tour xe đạp khám phá và trải nghiệm Cổ Loa Thành (Đông Anh, Hà Nội), Hà Nội - Hòa Bình (tái tạo nguồn sinh khí), Thăng Long Tứ Trấn, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội).

Công ty Lữ hành Fivestar Travel tập trung sản phẩm đặc thù là caravan (tự lái xe) kết hợp trekking (leo núi, đi bộ địa hình) dành cho du khách thích mạo hiểm. Dự kiến xu hướng này sẽ bùng nổ hơn vào năm 2022.

Không chỉ hoạt động lữ hành khởi sắc, nhiều điểm đến của Hà Nội cũng có sáng tạo riêng để tăng tính trải nghiệm cho du khách với điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Đón Xuân Nhâm Dần 2022, làng cổ Đường Lâm tổ chức chương trình tái hiện lại Tết xưa với nhiều hoạt động như gói bánh chưng, làm kẹo truyền thống. Trong khi đó, Công viên Thiên đường Bảo Sơn xây dựng gói sản phẩm khám phá vườn thú với giá ưu đãi giảm 20%.

Bước vào năm 2022, với những dự báo lạc quan về tình hình kinh tế-xã hội, Sở Du lịch Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch năm 2022-2023, trong đó tập trung phát triển thị trường khách du lịch nội địa; đồng thời, tổ chức khai thác phục vụ khách du lịch quốc tế theo lộ trình mở cửa hoạt động du lịch quốc tế. Cụ thể, Hà Nội phấn đấu đón và phục vụ từ 9 đến 10 triệu lượt khách, trong đó có 1,2-2 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch dự kiến khoảng 27-35 nghìn tỷ đồng. Công suất sử dụng phòng trung bình của khối khách sạn từ 40% đến 45%.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang khẳng định, ngành Du lịch Thủ đô sẽ quyết tâm sớm phục hồi thị trường, đưa "kinh tế xanh" của Hà Nội trở thành nền kinh tế mũi nhọn. Trước mắt, Sở sẽ đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện truyền thông để thu hút khách; đôn đốc các đơn vị nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề; triển khai các hoạt động, sự kiện, lễ hội chuyên nghiệp mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô, hướng đến hội nhập quốc tế…

Thành Nam

Top