Đưa sản phẩm làng nghề, OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng

06/03/2023 3:40 PM

(Chinhphu.vn) - Là Thủ đô, Hà Nội có trách nhiệm lan tỏa và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của cả nước. Đây cũng là việc làm thiết thực của Thành phố giúp sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm làng nghề đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô.

Đưa sản phẩm làng nghề, OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng  - Ảnh 1.

Năm 2022, TP. Hà Nội đã phát triển hơn 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Tính chung trên địa bàn TP. Hà Nội, đến hết năm 2022 đã phát triển 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ở 26 quận, huyện, thị xã để quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, du khách đến với Thủ đô. Đây sẽ là các địa chỉ tin cậy để nhân dân trên địa bàn Thủ đô được tiếp cận, mua sắm các sản phẩm đặc sắc, được kiểm soát về chất lượng.

Cùng với Điểm bán hàng OCOP, Chương trình OCOP đã được UBND TP. Hà Nội triển khai mạnh mẽ những năm vừa qua. Theo đó, thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, Hà Nội xác định đây là Chương trình có ý nghĩa rất lớn nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3629/QĐ-UBND về Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP TP. Hà Nội đến năm 2020, với mục tiêu "Phát triển, nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm từ 800-1.000 sản phẩm". Để tiếp tục thực hiện giai đoạn 2021-2025, Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP. Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 1356/QĐ-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP TP. Hà Nội đến năm 2025, với mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên.

Trong đó, phấn đấu 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao đăng ký tham gia đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia; đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm OCOP đã hết thời gian chứng nhận theo quy định. Phấn đấu có ít nhất 50% làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận, đã và đang phát triển có chủ thể tham gia Chương trình OCOP, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có sản phẩm OCOP. Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được UBND Thành phố đánh giá và phân hạng...

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, các sở, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị tư vấn, sự vào cuộc đồng bộ của nhân dân, đến nay, Thành phố đã có 1.649 sản phẩm OCOP, chiếm khoảng 20-21% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước (gồm 4 sản phẩm 5 sao của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.098 sản phẩm 4 sao, 534 sản phẩm 3 sao).

Đưa sản phẩm làng nghề, OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng  - Ảnh 2.

Từng bước đưa thương hiệu OCOP đến gần với người tiêu dùng. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Tăng cường xúc tiến, kết nối giao thương

Thời gian qua, thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP của Thủ đô với các tỉnh, thành phố trong cả nước và bạn bè quốc tế; xây dựng các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, việc xúc tiến sản phẩm OCOP của các chủ thể OCOP trên địa bàn TP.  Hà Nội là một trong những nội dung, chương trình công tác của Sở và được triển khai thường xuyên, liên tục. Thời gian qua, Sở đã phối hợp với các quận, huyện như: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Oai, Thường Tín… liên tục mở Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hợi, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thiên Tân cho biết, hiện, sản phẩm OCOP đã khẳng định được vị thế trên thị trường thực phẩm sạch Hà Nội và được người tiêu dùng đón nhận.

"Doanh nghiệp hy vọng sản phẩm OCOP không chỉ dừng lại ở những bữa ăn gia đình mà còn được phổ cập vào bếp ăn trường học, khu công nghiệp để tất cả mọi người đều được hưởng giá trị sản phẩm từ OCOP mang lại cho sức khỏe, từng bước đưa thương hiệu OCOP đến gần với người tiêu dùng", bà Hợi nói.

Bên cạnh các hoạt động nhằm hỗ trợ các chủ thể OCOP đẩy mạnh xúc tiến, thương mại sản phẩm OCOP, Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP.  Hà Nội đã hỗ trợ sản phẩm OCOP thiết kế bao bì, nhãn mác; đồng thời phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra thực tế tại cơ sở về việc tuân thủ các quy định về sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, sử dụng tem, nhãn hàng hóa, chất lượng vệ sinh thực phẩm, công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất...; kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP của Thủ đô tiếp tục phát triển, mang hiệu quả kinh tế ngày càng cao, rất cần được các cấp, các ngành của Thành phố quan tâm hơn nữa. Bên cạnh yêu cầu phải chuẩn hóa các sản phẩm (mẫu mã, bao bì, chất lượng) thì những ý tưởng sáng tạo để có sản phẩm mới cần phải chú trọng.

Để tổ chức hiệu quả hoạt động xây dựng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đạt hiệu quả tốt, đáp ứng mục tiêu thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng gắn với phát triển thương mại dịch vụ trên địa bàn quận, Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn quận để người dân được biết, tới mua sắm và tham quan.

Bên cạnh đó, cần tổ chức kiểm tra, giám sát việc vận hành các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP bảo đảm theo quy định của pháp luật, đặc biệt là trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và chống gian lận thương mại.

Ngoài ra, tiếp tục rà soát, tìm kiếm các sản phẩm thuộc thế mạnh của quận để báo cáo sở Nông nghiệp, sở Công Thương đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP trong các năm tiếp theo và tham mưu UBND quận triển khai mở rộng xây dựng hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn quận đáp ứng tiêu chí theo quy định hiện hành…

Diệu Anh

Top