Đưa sản xuất công nghiệp là nền tảng phát triển kinh tế bền vững

18/10/2022 2:04 PM

(Chinhphu.vn) - Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội thời gian qua đã thu được nhiều kết quả tích cực. Thành phố quyết tâm triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất và lưu thông hàng hóa, đưa sản xuất công nghiệp là nền tảng phát triển kinh tế bền vững.

Đưa sản xuất công nghiệp là nền tảng phát triển kinh tế bền vững - Ảnh 1.

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội thời gian qua đã thu được nhiều kết quả tích cực. Ảnh: Internet

Nhiều kết quả đáng mừng

Theo Sở Công Thương Hà Nội, nhờ kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, "mở cửa" nền kinh tế, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội 9 tháng năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng. 

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp của Thành phố tăng 8,6%  so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2021 tăng 4,1%). Tính riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 8,2%; khai khoáng giảm 5,7%...

Trong 9 tháng qua, phần lớn các ngành và sản lượng sản xuất đều tăng do doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh công suất hoạt động để nối lại chuỗi cung ứng bị gián đoạn sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi COVID-19. Nhiều ngành phục hồi ấn tượng, góp phần tăng cao chỉ số IIP của toàn ngành công nghiệp 9 tháng như sản xuất đồ uống, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ…

Trong thời gian qua, phát triển sản xuất công nghiệp được các chính quyền địa phương tập trung đẩy mạnh. Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết, nếu như năm 2004, thu ngân sách huyện mới đạt 36,45 tỷ đồng, thì đến năm 2021 đã đạt hơn 7.136 tỷ đồng, tăng 196 lần, góp phần đưa huyện Gia Lâm nằm trong nhóm địa phương có thu ngân sách cao của Thành phố. Bình quân mỗi năm, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện đóng góp hơn 1.200 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Thời gian tới, huyện Gia Lâm sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Đình Xuyên, mở rộng Cụm công nghiệp Phú Thị và tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp khác…

Còn theo Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Nguyễn Xuân Đại, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện đã và đang khẳng định vai trò của mình trong tăng trưởng, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Giải pháp quan trọng để thúc đẩy sản xuất công nghiệp

Thống kê của Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thành phố hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686ha. Trong đó, có 1.392ha đã đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động ổn định, thu hút gần 3.900 hộ, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh với hơn 60.000 lao động, nộp ngân sách bình quân hằng năm khoảng 1.100 tỷ đồng. Đáng chú ý, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp này rất cao, hầu hết đều đạt 100% diện tích.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, hiện nay, Sở đang đôn đốc, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã liên quan, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ khởi công 38 cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố, gồm: 37 cụm công nghiệp thành lập giai đoạn 2018-2020 và Cụm công nghiệp Bình Minh - Cao Viên (huyện Thanh Oai) có quyết định thành lập trước năm 2017. Cùng với đó, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thẩm định dự án đầu tư mới, mở rộng 21 cụm công nghiệp; họp hội đồng lựa chọn chủ đầu tư 8 cụm công nghiệp.

"Để bảo đảm đủ các điều kiện khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 38 cụm công nghiệp trong năm 2022 theo đúng kế hoạch đề ra, chúng tôi đề nghị UBND các huyện, thị xã cập nhật, bổ sung quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với các cụm công nghiệp mới được thành lập; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ khởi công các cụm công nghiệp trên địa bàn đã được phê duyệt", bà Trần Thị Phương Lan cho hay.

Cùng với đó, Sở Công Thương cũng đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn UBND các huyện, thị xã và chủ đầu tư về lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500; đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình UBND Thành phố quyết định cho thuê đất đối với các cụm công nghiệp đã hoàn thành giải phóng mặt bằng; báo cáo Thành phố giao đất theo giai đoạn đối với các dự án cơ bản đã xong giải phóng mặt bằng, chỉ còn phần diện tích nhỏ, có vướng mắc chưa được bàn giao mặt bằng...

"Chúng tôi xác định, việc phát triển các cụm công nghiệp là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố. Hỗ trợ các khu, cụm công nghiệp phát triển vững mạnh, sẽ tạo ra đòn bẩy phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Thủ đô", bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội phấn đấu thành lập thêm từ 2 đến 5 khu công nghiệp mới; đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu công nghiệp đã có chủ đầu tư như: Khu công nghiệp Quang Minh I, huyện Mê Linh; Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm; rà soát, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (giai đoạn 2). Việc thành lập và hoàn thiện các khu công nghiệp này nhằm thu hút đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Diệu Anh

Top