Đưa Tây Hồ trở thành trung tâm văn hóa - du lịch của Thủ đô

10/10/2024 5:04 PM

(Chinhphu.vn) - 70 năm sau ngày Giải phóng Thủ đô, TP. Hà Nội có nhiều thay đổi vượt bậc trên các lĩnh vực, trong đó có ngành du lịch Thủ đô, đặc biệt là tại quận Tây Hồ- với nhiều nét văn hóa đặc trưng, đã tạo dấu ấn riêng đối với du khách khi đến thăm quan.

Đưa Tây Hồ trở thành trung tâm văn hóa - du lịch của Thủ đô- Ảnh 1.

Chùa Trấn Quốc - một trong những ngôi chùa cổ kính, linh thiêng tại quận Tây Hồ. Ảnh ( HNM0)

Tây Hồ - Trung tâm du lịch, văn hoá của Thủ đô

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, quận Tây Hồ nằm ở phía Tây Bắc của Hà Nội được xác định là trung tâm dịch vụ-du lịch, trung tâm văn hoá, là vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của Thủ đô.

Quận Tây Hồ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế Thủ đô, đặc biệt là kinh tế du lịch, đây còn là khu vực kết nối, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội cho các khu vực xung quanh. 

Các vùng sản xuất chuyên canh như: Quất Tứ Liên, đào Nhật Tân, sen Tây Hồ...đang mang lại giá trị cao, thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Đây cũng chính là khu vực có diện tích trồng đào, quất và các loại hoa mang lại giá trị kinh tế cao nhất cho Thủ đô.

Đưa Tây Hồ trở thành trung tâm văn hóa - du lịch của Thủ đô- Ảnh 2.
Đưa Tây Hồ trở thành trung tâm văn hóa - du lịch của Thủ đô- Ảnh 3.

Hồ Tây thanh bình hấp dẫn cả người dân và du lịch. 

Đặc biệt, quận Tây Hồ có Hồ Tây với diện tích khoảng 527,517ha, dung tích nước khoảng 10 triệu m3, chu vi khoảng 18km, là một trong những hồ có diện tích lớn nhất trên địa bàn TP. Hà Nội. Hồ Tây nằm trọn trong địa giới quận, là một cảnh quan thiên nhiên đẹp của Hà Nội và cả nước.

Nơi đây không chỉ có ý nghĩa về du lịch cảnh quan, giải trí cho người dân Thủ đô và khách du lịch trong nước, quốc tế mà còn có ý nghĩa quan trọng về cân bằng sinh thái được ví như "lá phổi xanh" của Hà Nội. Bên cạnh đó, nơi đây là một hệ sinh thái thủy vực nước ngọt đặc thù.

Hồ Tây không chỉ là một địa danh mà còn là một biểu tượng của lịch sử, văn hóa, di sản và thiên nhiên của Thủ đô, là một phần quan trọng trong việc xây dựng Thủ đô trở thành thành phố toàn cầu và ngang tầm thủ đô các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, Tây Hồ là địa phương có nhiều di tích văn hóa với 64 di tích lịch sử, trong đó có 21 di tích được xếp hạng như: Đền Đồng Cổ, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ… Các di tích của Quận đều là di tích lâu đời, có giá trị văn hóa đặc sắc như: Chùa Trấn Quốc đã có lịch sử gần 1.500 năm, là ngôi chùa cổ nhất tại Hà Nội, với kiến trúc độc đáo, chùa được đánh giá là 1 trong 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới; phủ Tây Hồ là điểm đến linh thiêng nổi tiếng tại Hà Nội còn lưu truyền tín ngưỡng thờ Mẫu, trở thành điểm đến thăm quan không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn được khách nước ngoài ghé thăm mỗi khi đến du lịch Hà Nội,...

Quận Tây Hồ thuộc nhóm địa phương đi đầu và là "điểm sáng" của TP. Hà Nội trong triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 8/8 phường có sản phẩm OCOP. Thời gian qua, quận Tây Hồ luôn chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP xuất phát từ các làng nghề truyền thống, nghề gia truyền gắn với du lịch và dịch vụ.

Đưa Tây Hồ trở thành trung tâm văn hóa - du lịch của Thủ đô- Ảnh 4.

Sen Hồ Tây góp phần xây dựng thương hiệu du lịch cho Quận Tây Hồ. Ảnh ( Tuấn Dương)

 Đưa du lịch văn hóa trở thành ngành mũi nhọn

Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 01/6/2022, UBND quận Tây Hồ ban hành Quyết định số 1433/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Trong đó, đưa ra mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, từng bước bước xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của quận, trong đó chú trọng phát triển du lịch văn hóa trở thành mũi nhọn, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quận; cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng; đầu tư, tôn tạo hệ thống các thiết chế văn hóa, các di tích được xếp hạng;

Nâng cao chất lượng dịch vụ; xây dựng tour, tuyến kết nối các di tích lịch sử cách mạng, làng nghề truyền thống, khu vui chơi giải trí, ẩm thực; xây dựng thương hiệu dịch vụ du lịch văn hóa đặc trưng của quận Tây Hồ gắn với khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của hồ Tây.

Đến năm 2030, tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu dịch vụ du lịch văn hóa đặc trưng của quận Tây Hồ; quyết tâm đầu tư xây dựng một số công trình mang tính biểu tượng văn hóa của Tây Hồ; Phấn đấu đến năm 2030 quận Tây Hồ thực sự trở thành Trung tâm dịch vụ - du lịch - văn hóa của Thủ đô.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh, nhằm cụ thể hóa các định hướng của Thành ủy Hà Nội, Quận ủy Tây Hồ đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án phát triển kinh tế có liên quan đến các hoạt động du lịch trên địa bàn.

Lãnh đạo quận Tây Hồ luôn quan tâm, nhận thức phát triển kinh tế, du lịch quận tương xứng với tiềm năng, lợi thế và sự quan tâm đầu tư của quận; vai trò là trung tâm lan tỏa, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực du lịch.

Trong thời gian qua, bên cạnh các hoạt động du lịch truyền thống gắn với di tích lịch sử văn hóa, không gian cảnh quan trên địa bàn, nhiều hoạt động thăm quan, trải nghiệm mới xuất hiện, thu hút du khách đến với Tây Hồ như thăm quan, trải nghiệm các hoạt động tại làng nghề truyền thống trên địa bàn như: Làng nghề xôi (phường Phú Thượng); Làng nghề trồng hoa đào (phường Nhật Tân); Làng nghề trồng quất cảnh (phường Tứ Liên)…

Mô hình du lịch đêm gắn với phố đi bộ Trịnh Công Sơn, đường Thanh Niên, khu vực xung quanh Hồ Tây với nhiều dịch vụ ăn uống, giải trí, mua sắm thu hút được nhiều du khách trẻ đến trải nghiệm và sử dụng dịch vụ trên địa bàn.

Theo Quyết định số 02/2024/QĐ-UBND do UBND thành phố Hà Nội ban hành, Thành phố giao quận Tây Hồ là đầu mối quản lý toàn diện khu vực hồ Tây. Quyết định của Thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi để quận thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển công nghiệp văn hóa; Nghị quyết số 10-NQ/QU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận, sớm đưa Tây Hồ trở thành trung tâm văn hóa - du lịch của Thủ đô Hà Nội.

Đầu năm 2024, Thành phố đã cấp phép 12 loại hình dịch vụ được phép hoạt động tại khu vực Hồ Tây. Đây là cơ hội rất thuận lợi để quận Tây Hồ có thể phát triển da dạng có loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí bổ trợ cho các sản phẩm dịch vụ truyền thống.

Có thể nói, tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn Tây Hồ rất lớn, tuy nhiên để phát triển du lịch địa phương phù hợp với các định hướng quan trọng của Thành phố, gắn với công nghiệp văn hóa, cần nghiên cứu cơ chế chính sách đặc thù trong việc kêu gọi đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch riêng biệt đối với quận Tây Hồ nói chung, khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận nói riêng.

Đưa Tây Hồ trở thành trung tâm văn hóa - du lịch của Thủ đô- Ảnh 5.

Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội – Rực rỡ Thăng Long do UBND Thành phố Hà Nội và UBND Quận Tây Hồ phối hợp tổ chức. Ảnh ( Quận Tây Hồ)

Số hóa trong bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch

Trong thời gian tới, để thực hiện các mục tiêu về phát triển công nghiệp văn hóa đồng thời thúc đẩy hoạt động du lịch trên địa bàn, ông Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, quận Tây Hồ sẽ khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử, các công trình kiến trúc, các không gian công cộng trong phát triển kinh tế đô thị; gắn với bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan, lịch sử, bảo tồn không gian lịch sử văn hóa, truyền thống và cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Bảo tồn, phục hồi không gian kiến trúc cảnh quan đô thị một số khu vực, tuyến phố có đặc trưng văn hóa đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của người dân.

Phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất thực hiện việc quản lý, xúc tiến đầu tư phát triển hạ tầng, dự án dịch vụ du lịch ở các khu vực có tiềm năng, thế mạnh, nhất là khu vực hồ Tây, bãi giữa sông Hồng gắn với quy hoạch phát triển chung của Thành phố.

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng (số hóa) phục vụ công tác bảo tồn văn hóa, quản lý di tích và phát triển du lịch quận Tây Hồ; Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo AI giới thiệu các công trình văn hóa, sản phẩm làng nghề của quận Tây Hồ trên mạng Internet và các nền tảng truyền thông số.

Đồng thời, xây dựng bản đồ số di tích lịch sử  - văn hóa quận Tây Hồ; bản đồ số du lịch, phần mềm quản lý di sản phục vụ quản lý và quảng bá, phát triển văn hóa, du lịch Tây Hồ. Phát triển các các tour du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, du lịch ẩm thực, du lịch vui chơi, giải trí - thể thao, du lịch đêm trên địa bàn quận.

Ngoài ra, quận sẽ xây dựng và thực hiện Chương trình, kế hoạch, đề án bảo vệ, quảng bá, phát triển văn hóa ẩm thực Hồ Tây. Hình thành các tuyến phố quảng bá, giới thiệu ẩm thực. Kết nối đưa các sản phẩm ẩm thực đặc sắc của Hồ Tây tới các nhà hàng, khách sạn có tiêu chuẩn chất lượng cao, nhằm góp phần nâng cao giá trị của ẩm thực truyền thống, giới thiệu cho các đối tượng khách hàng cao cấp.

Hỗ trợ tăng cường nhận diện thương hiệu ẩm thực với hình thức mẫu mã cải tiến, sáng tạo; đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong việc bảo quản sản phẩm nhằm đưa sản phẩm ẩm thực đến các địa phương trong cả nước và quốc tế…

Minh Anh

Top