Duy trì sản xuất rau an toàn, bảo đảm nguồn cung trong và sau dịp Tết
Với truyền thống sản xuất nông nghiệp và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Mê Linh đã trở thành thủ phủ trồng rau sạch của thành phố Hà Nội, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm nguồn cung cho thị trường tiêu thụ trên địa bàn.
Ông Phạm Thành Đô, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên toàn quốc đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến công tác sản xuất nông nghiệp, nhất là vấn đề kết nối, tiêu thụ các loại nông sản. Hàng hóa, nông sản phẩm chủ lực trên địa bàn huyện Mê Linh hiện được tiêu thụ với sản lượng khoảng 85% qua các thương lái tiêu thụ ra ngoài địa bàn huyện; 10% tiêu thụ tại các chợ, điểm bán hàng tại các xã, thị trấn; 5% tiêu thụ thông qua các chuỗi liên kết, các cửa hàng thực phẩm sạch, bếp ăn tập thể và kênh bán hàng online.
Trong thời gian qua, thời tiết thuận lợi cho cây rau màu sinh trưởng, phát triển, đặc biệt sau thời gian giãn cách xã hội, nhân dân tập trung sản xuất nên sản lượng rau các loại tăng, giá thành giảm (2.000 đồng/kg rau củ cải, cải ngọt, cải ngồng…). Việc tiêu thụ vẫn diễn ra thường xuyên và bình thường, chưa có tình trạng nông sản dư thừa, tuy nhiên giá thành không ổn định có thời điểm tăng cao nhưng cũng có thời điểm giá thành hạ.
Đến nay, bà con đang tập trung sản xuất phục vụ nhu cầu dịp tết Nguyên Đán, giá rau, củ, quả đang có xu hướng tăng dần (giá rau củ cải, cải ăn lá các loại 3.000 - 3.500 đồng/kg; hành lá 20.000 đồng/kg, cà chua trên 20.000 đồng/kg…).
Theo ông Đàm Văn Đua, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng hàng chục hecta canh tác rau ăn lá tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh vẫn được người dân duy trì ổn định. Trung bình mỗi ngày, vựa rau cung ứng hơn 10 tấn rau ăn lá các loại cho thị trường Hà Nội, góp phần bảo đảm nguồn cung cho thị trường tiêu thụ trên địa bàn Thủ đô.
Ông Phạm Thành Đô cho biết, dự kiến việc tiêu thụ rau trên địa bàn huyện trong thời gian tới sẽ có biến động. Do hằng năm, vào thời điểm từ tháng 1-3, thời điểm thuận lợi cho cây rau sinh trưởng, phát triển dẫn đến sản lượng rau vụ Đông tăng; dịp tết Nguyên Đán các khu công nghiệp đóng cửa; các chợ đầu mối hoạt động ít nên cung vượt cầu, tiêu thụ chậm hơn, có thể dẫn đến dư thừa cục bộ một số loại rau, củ quả các loại, tuy nhiên dự báo cũng sẽ không có hiện tượng dư thừa nhiều.
Thời gian tới, dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản. Trong khi đó thời điểm từ nay đến sau Tết Nguyên đán thời tiết thuận lợi cho các loại cây trồng vụ Đông phát triển nên năng xuất, sản lượng một số loại rau màu có thời điểm sẽ tăng mạnh. Vì vậy, khả năng sắp tới, giá cả có thời điểm tăng cao nhưng cũng có thời điểm sẽ giảm sâu.
Vì thế các cấp, các ngành trên địa bàn huyện cần có kế hoạch cụ thể tuyên truyền vận động Nhân dân giảm lứa, giãn vụ; xây dựng kế hoạch sản xuất chi tiết đến từng loại cây trồng và từng lứa sản xuất rau trong năm; vận động người dân sản xuất rải vụ, không sản xuất ồ ạt cùng một thời điểm để tránh trường hợp cung vượt cầu gây khó khăn cho quá trình tiêu thụ; ứng phó, thích ứng kịp thời với tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, lưu thông và tiêu thụ nông sản.