Festival Áo dài: Tinh hoa áo dài Việt Nam
(Chinhphu.vn) - Tối 14/4, Festival Áo dài Hà Nội năm 2016 với chủ đề “Tinh hoa áo dài Việt Nam” đã khai mạc tại Hoàng thành Thăng Long với sự tham gia của 32 nhà thiết kế đến từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thừa Thiên-Huế.
Trình diễn áo dài tại di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Gia Huy |
Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội… đã đến dự lễ khai mạc.
Trong không gian trầm mặc, cổ kính của di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, Festival áo dài Hà Nội được thiết kế, bài trí hài hòa với khu di sản nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống. Đây là đêm hội áo dài với rực rỡ sắc màu của ánh sáng, tinh tế với các nghệ thuật sắp đặt, ấn tượng với hình thức thiết kế các khu trưng bày.
Lần đầu tiên Hà Nội tổ chức Festival áo dài nhằm khơi dậy giá trị truyền thống của Hà Nội, vừa gắn kết du lịch với các giá trị văn hóa. Sự kiện này thu hút sự tham gia của rất nhiều các nhà thiết kế thời trang, các nghệ nhân, nghệ sĩ trong cả nước, được ngành du lịch Thủ đô đặt nhiều tâm huyết và kỳ vọng.
Ảnh: Gia Huy |
Không chỉ giới thiệu văn hóa của áo dài Hà Nội, Festival còn gắn kết các hoạt động du lịch liên quan đến tà áo dài truyền thống, cùng các hoạt động liên quan đến văn hóa truyền thống.
32 nhà sưu tập đến từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thừa Thiên-Huế đã mang đến Festival những bộ sưu tập mang nét đặc trưng của Hà Nội. Đó là những nét vẽ về phố trong tranh của hoạ sỹ Bùi Xuân Phái, tranh Hàng Trống, cổng làng Hà Nội, con đường gốm sứ, phố cổ Hà Nội, những gánh hàng hoa, những bông lúa non… đến từ các nhà thiết kế nổi tiếng đến từ cả ba miền đất nước như: Minh Hạnh, Lan Hương, La Hằng, Trịnh Bích Thủy, Nhi Hoàng, Minh Minh, Đức Hải...
Phát biểu khai mạc Festival, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định, thông qua những hoạt động phong phú tại Festival, Hà Nội sẽ có thêm sản phẩm du lịch mới, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, Festival còn là dịp để các doanh nghiệp thời trang, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước tìm kiếm cơ hội hợp tác, qua đó thúc đẩy sự phát triển của du lịch Thủ đô.
Festival Áo dài Hà Nội 2016 được tổ chức từ ngày 14 - 16/10 gồm nhiều hoạt động như giới thiệu lịch sử trang phục áo dài; trưng bày khung dệt, nguyên liệu dệt của lụa Vạn Phúc và lụa Hội An, dệt lanh của người Mông...; thi vẽ tranh trên áo dài dành cho trẻ em; thi cắm hoa trên áo dài...
Trong suốt ba ngày diễn ra Festival áo dài Hà Nội, người dân và du khách được thưởng lãm nhiều hình ảnh về lịch sử áo dài Việt Nam, được xem các trang phục truyền thống của dân tộc thiểu số, được nhìn ngắm nhiều mẫu áo dài và có thể được thiết kế, may áo dài ngay tại chỗ.
Trưng bày các mẫu áo dài Việt Nam tại Festival. Ảnh: Gia Huy |
Festival áo dài Hà Nội mong muốn tạo ra các điểm trang trí đẹp để hấp dẫn người dân Thủ đô và du khách. Đó là các tiểu cảnh trang trí, nghệ thuật sắp đặt hoa, nón làng Chuông, những cánh diều khoe sắc, những bó lúa non, trang phục xưa và nay, xe kéo, gánh hàng hoa… Với nghệ thuật trang trí ánh sáng bằng đèn nón lá tạo không gian lung linh cho Festival. Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật gắn với áo dài cũng liên tục diễn ra trong thời gian tổ chức Festival làm tăng sức hấp dẫn cho lễ hội.
Một trong những hoạt động hấp dẫn của Festival Áo dài là màn diễu hành với sự tham gia của 50 xe xích lô chở 50 người mẫu mặc áo dài và 200 nữ sinh mặc áo dài đạp xe đạp hoa trên các con phố từ Hoàng Diệu - Điện Biên Phủ - Độc Lập - Hùng Vương - Thanh Niên vào sáng 16/10.
Gia Hân