Gắn kết tiêu thụ nông sản thông qua xuất khẩu và du lịch nông nghiệp
(Chinhphu.vn) - Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là điểm mạnh giúp Hà Nội khai thác tiềm năng và thế mạnh để gắn kết tiêu thụ nông sản với phát triển du lịch nông nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thoa, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có khoảng hơn 200 nghìn ha đất nông nghiệp, là sinh kế cho khoảng hơn 4 triệu nông dân. Năm 2021, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm đạt khoảng 231.557ha; sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 1,3 triệu tấn. Bên cạnh đó, chăn nuôi của thành phố hiện có hơn 1,4 triệu con lợn; hơn 166 nghìn con trâu, bò; hơn 24,5 triệu con gia cầm. Diện tích nuôi trồng đạt khoảng 24.200 ha… Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2021 của Hà Nội đạt khoảng 40 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề lớn nhất trong cả nước, với 1.350 làng nghề và làng có nghề. Tổng doanh thu hằng năm từ các làng nghề ước đạt bình quân trên 20 nghìn tỷ đồng. Có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 - 50 tỷ đồng/năm.
Đây được xem là thế mạnh và tiềm năng của Thủ đô cho phát triển nông nghiệp cũng như du lịch nông nghiệp- loại hình du lịch kết hợp được nhiều loại hình du lịch khác nhau như: Du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực, du lịch làng nghề,… Đồng thời khai thác được rất nhiều lợi thế của địa phương về phong cảnh, văn hoá bản địa, phong tục tập quán, kỹ năng sống.
Hà Nội cũng là địa điểm du lịch quan trọng của cả nước, với đa dạng các hình thức du lịch như: Du lịch hội họp, du lịch khám phá, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch ẩm thực,…
Để đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn tại Hà Nội, Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 04/3/2022 của UBND TP. Hà Nội về: Phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, nhằm thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy và Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 11/10/2021 của UBND Thành phố thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025".
Theo đó, Hà Nội sẽ phát triển và đa dạng hóa kinh tế nông thôn thông qua phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn với loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề gắn với nông - lâm - ngư nghiệp có tiềm năng, lợi thế nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Đồng thời góp phần thực hiện hai mục tiêu chính trị quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.
Phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố triển khai ít nhất từ 1 đến 3 sản phẩm "Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch". Tập trung xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện: Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây.
Để đạt được mục tiêu này, thành phố sẽ tập trung triển khai một số giải pháp để gắn kết tiêu thụ nông sản với du lịch. Trong đó, xây dựng một chiến lược và hệ thống đồng bộ gắn kết có hiệu quả giữa du lịch nông thôn với tiêu thụ nông sản. Tận dụng điều kiện hiện có (cảng hàng không quốc tế, các điểm du lịch sinh thái,…) và xây dựng thêm các cơ sở mới để tăng cường tiêu thụ nông sản thông qua xuất khẩu và du lịch.
Xác định đúng, đủ các loại nông sản mang đặc trưng và thế mạnh của Hà Nội, phù hợp với việc tiêu thụ thông qua xuất khẩu và du lịch, nhất là du lịch nông thôn. Điển hình như các loại trái cây đặc sản, gạo hữu cơ, sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP 5 sao,…
Đặc biệt, phấn đấu đưa các điểm du lịch nông thôn và các điểm đón khách du lịch nói chung đều trở thành một điểm kết nối giao thương trong tiêu thụ sản phẩm nông thôn.
Thiện Tâm