Gắn liên kết đào tạo nghề với giải quyết việc làm
(Chinhphu.vn) - Tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nghề được coi là một trong những giải pháp trọng tâm ở Hà Nội để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Thời gian qua, các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã liên kết với hàng nghìn doanh nghiệp để đào tạo, đào tạo lại; ưu tiên đào tạo cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhờ đó, năm 2021, Hà Nội tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp được 220.500 người, hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Sau học nghề, gần 90% số người có việc làm hoặc làm nghề cũ.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đã trình UBND Thành phố phê duyệt Kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025; xây dựng 20 bộ chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, tạo điều kiện để người lao động có cơ hội nâng cao kỹ năng nghề.
Từng học tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, anh Đỗ Văn Huy, hiện đang làm tại một công ty về sản xuất phụ tùng xe máy chia sẻ: “Trong quá trình học, bản thân tôi thường xuyên được thực hành tại công ty nên tôi có thể hoàn thành tốt công việc sau khi trở thành người lao động của công ty”.
Bà Phạm Thị Hường, Hiệu trường Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết, đến nay, trường đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, sâu rộng với hơn 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước để giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ra trường.
Nhờ được tăng cơ hội thực hành, đại đa số người học nghề theo mô hình liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp đều có việc làm tốt. Tính đến thời điểm hiện tại, 100% học sinh, sinh viên của trường đều được giới thiệu việc làm. Với phương châm “tuyển sinh là tuyển dụng”, mặc dù có số lượng tuyển sinh đầu vào đông, nhưng đầu ra vẫn đảm bảo hơn 95% sinh viên tốt nghiệp, 85% sinh viên có việc làm trước khi tốt nghiệp và 97% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp 3 tháng, với thu nhập bình quân từ 7-15 triệu đồng/người/tháng.
Dù hiệu quả đã được khẳng định, song mối liên kết giữa người học, nhà trường và doanh nghiệp chưa thực sự bền chặt. Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hiện một số doanh nghiệp chưa chú trọng sử dụng lao động qua đào tạo. Chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề không đủ hấp dẫn, khiến doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia.
Bên cạnh đó, một số địa phương chưa quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác đào tạo nghề, chưa tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và trường nghề bắt tay hợp tác...
Để tăng cường phối hợp, liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn cho rằng, thời gian đào tạo đối với nhiều ngành, nghề cần được rút ngắn, hình thức đào tạo có thể chia theo từng công đoạn, tổ chức ngay tại doanh nghiệp, giúp người lao động trong thời gian ngắn có thể hoàn thành được sản phẩm, dịch vụ. Bởi trên thực tế, những người có nhu cầu học nghề ở thời điểm này chủ yếu là lao động phổ thông, mất việc làm, nên họ cần được trang bị kỹ năng nghề nghiệp để trở lại thị trường lao động sớm nhất.
Ông Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Long Biên (trực thuộc Tổng Công ty May 10) cho rằng, doanh nghiệp mong muốn có lao động chất lượng cao, thích ứng với thị trường thì cần phải có sự phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, nên nghiên cứu cấp kinh phí trực tiếp cho doanh nghiệp khi tham gia giáo dục đào tạo, để doanh nghiệp mặn mà hơn với hoạt động này.
Cùng với đó, các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cần được quy định rõ ràng hơn; thủ tục, điều kiện để được hỗ trợ cần đơn giản hóa.
Về vấn đề này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết, Tổng cục đang nghiên cứu xây dựng, đề xuất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình Chính phủ ban hành danh mục ngành, nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo; đồng thời có cơ chế, chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động qua đào tạo nghề, cho các dự án có sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp...
Trước mắt, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp định hướng, khuyến khích các nhà trường, doanh nghiệp, địa phương tăng cường mở các lớp đào tạo nghề tại nơi làm việc; đa dạng hóa hình thức đào tạo cho người lao động, nhất là đối tượng bị mất việc làm do dịch COVID-19...