Ghé thăm làng nghề truyền thống bánh Chưng Tranh Khúc dịp Tết

01/02/2019 5:18 PM

(Chinhphu.vn) - Bánh Chưng từ xa xưa tới nay là món ăn không thể thiếu trên ban thờ tổ tiên và trong các mâm cỗ của mỗi gia đình người Việt trong dịp Tết cổ truyền. Làng nghề truyền thống làm bánh Chưng Tranh Khúc (Tân Hà – Duyên Hải – Thanh Trì) là làng nghề nổi tiếng bậc nhất Hà Nội, nơi mà mỗi ngày hàng nghìn chiếc bánh được xuất đi khắp nơi trong Hà Nội, các tỉnh lân cận và nước ngoài.

Đến với Tranh Khúc dịp này, bạn sẽ bắt gặp thường xuyên màu biếc xanh màu xanh của lá dong, là mùi thơm ngậy của đậu xanh thị mỡ hoà quyện toả ra trên mỗi căn nhà, trong từng ngõ xóm.
Tại gia đình bác Hùng, chủ cơ sở sản xuất bánh chưng Yên Hùng là một trong những cơ sở sản xuất bánh Chưng lớn có tiếng ở địa phương,vào thời điểm các ngày giáp Tết nhân công trong cơ sở nhà bác có lúc tới 14-15 người làm việc liên tục mới kịp hoàn thành bánh để giao khách. Trung bình mỗi ngày cao điểm cơ sở có thể cho ra lò trên 1.000 bánh mà chất lượng bánh không thay đổi như những ngày thường, có 2 loại phổ biến là 40.000, 50.000đ/cái.
Lá dong phải chọn những lá bánh tẻ, xanh, tươi, được đặt mua trên rừng từ Hoà Bình. Lá sau khi mua về phải được chà sạch và rửa đi rửa lại đến 3 lần rồi đem đi hong khô. Lượng lá mỗi lần rửa như vậy sẽ được sử dụng trong khoảng 2 – 3 ngày.
Cụ Bùi Thị Tỵ, năm nay 98 tuổi là một trong những người cao tuổi nhất trong làng, cụ chia sẻ: “ Nghề làm bánh Chưng của làng cụ cũng không biết có được từ khi nào, xong từ thời trẻ cụ đã được dạy nghề. Trước kia cụ còn ghánh bánh đi bán rong khắp nơi. Đến khi các con cụ trưởng thành và biết nghề, cụ không trực tiếp gói bánh nữa mà đi nhận đặt và đi giao hàng”. Cụ cũng nghỉ và trao lại công việc cho các con nhiều năm nay. Hiện giờ tuy tuổi cao nhưng cụ vẫn khoẻ, vẫn phụ giúp cho gia đình làm nghề.
Lá dong sau khi được cắt bỏ cuống và sống lá thì sẽ được xếp sẵn trước khi đưa vào gói bánh. Anh Cường, một nhân viên văn phòng cũng tranh thủ dịp giáp tết được nghỉ phép về phụ giúp cho gia đình.
Theo bác Hùng chia sẻ: “Việc lựa chọn nguyên liệu rất quan trọng, Gạo nếp được làm nhân bánh là loại nếp cái hoa vàng, được nhập từ Nam Định, Hải Dương,như vậy vỏ bánh được thơm dẻo và ngon nhất”.
Đậu xanh nhânh bánh là đậu vụ mới, loại ngon nhất được nhập từ về từ An Khê – Gia Lai. Đậu được tách vỏ và nấu nhuyễn.
Thịt lợn được lấy tại cơ sở uy tín tại địa phương, chủ yếu là thịt sấn mông và thịt ba chỉ. Thịt được luộc sơ và để ráo nước sau đó được ướp muối gia vị và hạt tiêu cho ngấm đều.
Nhân bánh được bọc trong lớp đỗ xanh tách vỏ nấu nhuyễn, tạo nên sự hài hòa cho các nguyên liệu từ trong ra ngoài.
Làm nghề lâu năm, bàn tay người thợ khéo léo đưa nhịp, cứ một lớp gạo - một lớp nhân rồi lại một lớp gạo, thoăn thoắt, không cần khuôn mà vẫn có thể gói rất vuông vức.
Bánh được buộc rất chắc chắn và đẹp mắt.
Công việc trong gia đình mỗi người một công đoạn nhanh thoăn thoắt nên chỉ trong có hơn một tiếng mà cả trăm chiếc bánh đã hoàn thành.
Trước đây, bánh được luộc bằng than, củi nhưng bây giờ đã chuyển sang luộc bằng nồi điện và hơi nước. Công nghệ luộc bánh này có vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn, khoảng 100 triệu đồng một hệ thống đun hơi nhưng có ưu điểm là người làm nghề bớt nhọc nhằn, đảm bảo vệ sinh. Bánh chưng luộc ra dẻo, thơm ngon, khi bóc ra có màu xanh bắt mắt. Mỗi mẻ bánh từ khoảng 150 chiếc, những giờ cao điểm thì cả 5 nồi bánh cùng họạt động liên tục sau 8 – 10 tiếng. Những mẻ bánh vừa chín tới sẽ được xếp lên xe xuất đến các đại lý và tới tay người tiêu dùng đón Tết.

Tiến Phạm (thực hiện)

Top