Giá thực phẩm ‘nhích’ theo giá xăng, điện

07/05/2019 6:48 PM

(Chinhphu.vn) - Với 3 lần điều chỉnh giá xăng liên tục trong thời gian qua cùng với giá điện, giá nhiều mặt hàng hóa, trong đó có thực phẩm, rau xanh tại các chợ truyền thống đã tăng theo.

Nhiều mặt hàng thực phẩm rục rịch tăng giá - Ảnh: Thùy Linh

Việc điều chỉnh 2 mặt hàng thiết yếu là xăng dầu và điện trong khoảng thời gian ngắn vừa qua đã kéo theo sự tăng giá của nhiều hàng hóa phục vụ nhu cầu cuộc sống. Nhiều chuyên gia nhận định, do tăng giá 2 mặt hàng thiết yếu nên sẽ tác động đến mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới mức 4%.

Dạo quanh tại một số chợ truyền thống như chợ Hôm - Đức Viên, Hàng Bè, Nguyễn Cao…, các mặt hàng thực phẩm được điều chỉnh tăng giá so với thời gian trước đó, nhất là sau khi xăng tăng giá lần thứ 3 (ngày 2/5) và giá điện cũng được điều chỉnh cách tính.

Bà Lê Thị Thu (40 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, thường ngày mua 5 lạng thịt nạc vai có chừng 50.000 đồng, mà hôm nay phải mua với giá gần 60.000 đồng. Hỏi thì người bán bảo, xăng, điện tăng, thì giá thịt cũng phải tăng.

Một số tiểu thương nói giá xăng tăng nên họ cũng tự chủ động điều chỉnh giá để bảo đảm nguồn thu. Chị Nguyễn Thị Mai, kinh doanh rau xanh tại chợ Hàng Bè chia sẻ: “Tôi lái xe máy gần 30 km từ huyện Đông Anh về tận đây bán rau. Mà giá xăng tăng liên tục như vậy, nếu tôi không chủ động tăng giá thì lỗ vốn”.

Khảo sát tại chợ, giá thịt lợn nạc vai, thăn, sườn tăng thêm 20.000 đồng/kg, lên 120.000 đồng/kg. Cá quả trước đây là 135.000 đồng/kg, nhưng nay tăng lên 140.000 đồng/kg; cá rô phi tăng 5.000 đồng/kg lên 45.000 đồng/kg… Đa số các mặt hàng rau, củ, quả đều đã tăng giá so với cuối tháng 4: Giá hành hoa từ 16.000 đồng/kg tăng lên 25.000 đồng/kg, rau muống 10.000-15.000 đồng/mớ (tăng 3.000 đồng)...

Trong khi hàng hóa tại chợ truyền thống bắt đầu tăng giá thì tại các siêu thị chưa có biến động. Tuy nhiên, việc giá xăng dầu, giá điện tăng cao như hiện nay rất có thể khiến giá bán nhiều mặt hàng trong siêu thị sẽ tăng trong thời gian tới.

Giám đốc phụ trách Coop Mart Hà Đông (Hà Nội) Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ, hiện ngành bán lẻ trong nước gặp rất nhiều áp lực cạnh tranh với các hệ thống nước ngoài. Biến động từ giá điện sẽ khiến siêu thị căng mình để “chống đỡ” việc tăng giá. “Hiện các nhà cung cấp chưa thông báo tăng giá bán nhưng dự đoán lộ trình tăng giá khoảng 1 tháng nữa”, bà Dung bày tỏ lo lắng.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng theo sát diễn biến giá cả thị trường để tham mưu UBND Thành phố có chính sách điều hành hợp lý để ổn định thị trường.

Bên cạnh chính sách điều tiết của các cấp, ngành, cần tổ chức lại hệ thống phân phối, giảm bớt khâu trung gian - vốn là nguyên nhân khiến chi phí bán lẻ tăng bất hợp lý. Đồng thời, cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi cung ứng, bảo đảm “đầu ra” cho sản xuất một cách hợp lý và “đầu vào” cho người tiêu dùng với giá chấp nhận được.

Về lâu dài, cần tổ chức các trung tâm giao dịch hàng hóa, nông sản thực phẩm, các chợ đầu mối để buôn bán công khai minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, góp phần giảm bớt tốc độ tăng giá không cần thiết.

Bà Lan cũng cho rằng, còn về phía doanh nghiệp cần quản trị tốt, đầu tư trang thiết bị sản xuất hiện đại để giảm tiêu hao năng lượng; tính toán phương án vận tải tiết kiệm để giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Rõ ràng, việc tăng giá hai mặt hàng thiết yếu này đã và đang có nhiều tác động đến đời sống và hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp. Do vậy, vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp, người dân cần nâng cao tinh thần tiết kiệm năng lượng, góp phần hoàn thành mục tiêu duy trì chỉ số lạm phát dưới 4% trong năm nay.

Thùy Linh

Top