Giá thực phẩm ‘rục rịch’ tăng nhẹ trước thềm Tết Nguyên đán

27/01/2022 5:19 PM

(Chinhphu.vn) - Còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, mặc dù nguồn cung không thiếu nhưng do nhu cầu tiêu dùng càng gần Tết tăng cao hơn, do đó, hiện thị trường thực phẩm đang rục rịch tăng giá nhẹ và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Giá thực phẩm ‘rục rịch’ tăng nhẹ trước thềm Tết Nguyên đán  - Ảnh 1.

Thực phẩm ‘rục rịch’ tăng nhẹ trước thềm Tết Nguyên đán. Ảnh: VGP/Bích Phương

Theo khảo sát của phóng viên tại nhiều chợ dân sinh ở Hà Nội như: Chợ Xuân La, chợ Kim Liên, Thành Công, Hoàng Mai,… giá thịt lợn đang biến động từng ngày, hiện đang ở mức 100.000 đồng đến 1400.000 đồng/kg tùy loại.

Cụ thể, ngày 27/1, tại chợ Xuân La, Tây Hồ, thịt heo tăng từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/kg, tùy loại. Sườn non từ 155.000 đồng/kg tăng lên 165.000 đồng/kg, ba rọi rút sườn tăng thêm 10.000 đồng với giá 170.000 đồng đến 180.000 đồng/kg, nạc thăn từ 130.000 đồng/kg lên thành 140.000 đồng/kg.

Tương tự, đối với mặt hàng thịt bò, giá cả cũng nhích lên khá cao. Thịt bò thăn, phi lê, ba rọi,... đều tăng 10.000 đồng đến 15.000 đồng/kg. Giá gà ta cũng đang bắt đầu rục rịch tăng và đang ở mức 130.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây khoảng 2 tuần.

Giống mặt hàng thực phẩm tươi sống, giá cả một số loại trái cây cũng tăng theo Tết. Bưởi da xanh, xoài, dưa hấu,... cùng tăng 15.000 đồng đến 25.000 đồng/kg, tùy loại...

Lý giải nguyên nhân thực phẩm tươi sống tăng giá những ngày cận Tết, các tiểu thương cho rằng, giá lợn hơi tăng trở lại do lượng lợn hơi xuất bán tại nhiều nơi giảm so với trước và nhu cầu tiêu thụ lợn hơi và thịt lợn đang tăng.

Ðặc biệt, sắp đến Tết Nguyên đán 2022, nhiều doanh nghiệp và cơ sở chế biến thực phẩm tăng cường thu mua lợn để chế biến các sản phẩm phục vụ thị trường Tết, nhất là làm lạp xưởng. Thương lái đang đặt hàng thu mua lợn trong dân để chủ động nguồn hàng phục vụ nhu cầu thị trường được dự báo sẽ tăng cao trong những ngày tới.

Theo ông Nguyễn Văn Tuất, chủ trang trại lợn (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội), hiện tổng đàn lợn của trang trại so với năm trước giảm 50%. Nếu như mọi năm, tổng đàn của chúng tôi là 600 con thì năm nay chỉ còn khoảng 250 con. Số lượng và mật độ người chăn nuôi thấp hơn trước.

Anh Phùng Văn Điệp, Chủ trang trại gà tại xã Thụy An, huyện Ba Vì, Hà Nội chia sẻ: "Hiện chúng tôi có hơn 2.000 con gà chuẩn bị Tết, thương lái trả giá khá cao, hơn 10 giá so với năm ngoái, nguyên nhân do nguồn cung đang ít. Lượng gà năm nay nuôi trong dân giảm nhiều do dịch bệnh nên người chăn nuôi cũng thận trọng trong tái đàn".

Như vậy, ngành chăn nuôi đã phải đối diện với những bấp bênh về giá trong suốt 1 năm qua. Do tác động của dịch COVID-19 và dịch tả lợn châu Phi, nhiều vùng chăn nuôi đã giảm đàn, dẫn đến nguồn cung đang ở mức thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Và sau thời gian dài các sản phẩm chăn nuôi phải bán dưới giá thành sản xuất, hiện giá lợn, gà,… đang trên đà tăng và ở mức người chăn nuôi có lợi nhuận. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá đầu vào như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y chưa thể hạ nhiệt, người chăn nuôi kỳ vọng thị trường cuối năm, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần này giữ giá ổn định.

Đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dự báo, nếu dịch bệnh được kiểm soát, các chuỗi cung ứng hoạt động trở lại, các trường học, bếp ăn tập thể hoạt động trở lại, nhu cầu thực phẩm Tết Nguyên đán tăng thì giá các sản phẩm chăn nuôi sẽ tăng.

Như vậy, nguồn cung không thiếu nhưng do nhu cầu tiêu dùng càng gần Tết sẽ tăng cao hơn, do đó, giá các sản phẩm chăn nuôi dự kiến sẽ tăng lên. Hy vọng, ngành chăn nuôi có những điều tiết trong sản xuất bảo đảm hài hòa lợi ích cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng vốn đã gặp khó khăn bởi dịch COVID-19 kéo dài.

Bích Phương

Top