Giải pháp kiểm soát chặt giá cả mùa mưa bão

17/09/2024 10:52 AM

(Chinhphu.vn) - Đến thời điểm này, thị trường hàng hóa trên địa bàn Hà Nội cơ bản vẫn giữ ổn định, nguồn cung các loại hàng hóa thiết yếu bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân; trừ một số thời điểm trong dịp bão, khi người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ thực nên lượng cung không đáp ứng kịp lượng cầu tăng đột biến đó.

Giải pháp kiểm soát chặt giá cả mùa mưa bão- Ảnh 1.

Tăng cường kiểm soát thị trường mùa mưa bão

Không có hành vi găm hàng, tăng giá

Do tác động của cơn bão và hoàn lưu bão số 3, một số địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội đã và đang chịu thiệt hại khá lớn. Bên cạnh thiệt hại về người và tài sản thì phải kể đến các thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, thủy sản và giao thông.

Mưa lũ, sạt lở đã làm đứt gãy giao thông khiến vận chuyển hàng hóa một số nơi gặp khó khăn. Kéo theo đó là hoạt động cung ứng tại một số thời điểm bị gián đoạn dẫn đến khan hiếm cục bộ. Vi vậy, một số mặt hàng thiết yếu như rau, củ quả, thực phẩm, nước uống,... có tăng giá.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Dương Mạnh Hùng cho biết, để chủ động kiểm soát thị trường trong mùa mưa bão, góp phần bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã triển khai hàng loạt biện pháp kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

Bộ Công Thương cũng vừa ban hành Công điện về việc tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi). Theo đó, yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phía Bắc chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, lũ, ngập cần theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo, phối hợp với đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa triển khai biện pháp sử dụng ngay hàng hóa dự trữ và nguồn huy động xã hội hóa để hỗ trợ, bảo đảm cung ứng đủ mặt hàng thiết yếu, mặt hàng phục vụ công tác khắc phục sau bão cho vùng bị ảnh hưởng của bão, lũ.

Cùng đó, vận động, giám sát, yêu cầu đơn vị kinh doanh mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng vật liệu xây dựng, vật tư sửa chữa, mặt hàng sách giáo khoa, thuốc chữa bệnh, máy phát điện, dụng cụ tích điện, tích nước… thực hiện cam kết bình ổn giá hàng hóa...

Đến thời điểm hiện tại, thị trường hàng hóa trên địa bàn Hà Nội cơ bản vẫn giữ ổn định, nguồn cung các loại hàng hóa thiết yếu bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân. Chỉ trừ một số thời điểm trong dịp bão, khi người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ thực phẩm như rau, thịt, trứng… nên lượng cung cấp không đáp ứng kịp thời nhu cầu tăng đột biến của người mua.

Tuy vậy, các chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm đã lập tức có những biện pháp bổ sung, cung cấp thêm hàng hóa để phục vụ nhu cầu của người dân. Do đó, giá cả không có biến động lớn, trừ một số loại rau xanh giá tăng nhẹ do mưa lũ làm rau hỏng hoặc giao thông bị chia cắt, công tác vận chuyển bị gián đoạn.

"Về cơ bản, không có hành vi lợi dụng tình hình mưa bão để găm hàng, tăng giá hàng hóa bất hợp lý để trục lợi", ông Hùng cho hay.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả

Giải pháp kiểm soát chặt giá cả mùa mưa bão- Ảnh 2.

Hiện nay lượng cung rau xanh rất dồi dào, giá rau xanh tại các chợ đã giảm. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Trong mùa mưa bão, dự báo sẽ vẫn có những tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình để đầu cơ, găm hàng. Để phát hiện, xử lý nghiêm tình trạng này, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã và đang tiếp tục chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc phối hợp với các lực lượng chức năng khác tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ, giám sát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và hàng hóa lưu thông trên thị trường;

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, bình ổn giá cả hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm mua sắm, hệ thống cửa hàng bán lẻ và địa điểm kinh doanh tại các chợ trên địa bàn, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong thời gian xảy ra thiên tai, bão lũ, như: Lương thực, thực phẩm, xăng dầu, các vật tư, phương tiện phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh...

Qua đó, nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình thiên tai để sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, thu gom hàng hóa, tăng giá bán bất hợp lý để trục lợi.

Với vai trò là Phó Trưởng ban Chỉ đạo 389 ở địa phương, các đội quản lý thị trường phải thường xuyên tham mưu Trưởng ban Chỉ đạo 389, Trưởng ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm quận, huyện, thị xã để chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác phối hợp, thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm kiểm tra trực tiếp các cơ sở sản xuất, kinh doanh về an toàn thực phẩm tại địa phương, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền thông qua các buổi hội thảo, tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật đến các cá nhân, doanh nghiệp. 

"Chúng tôi không chỉ tập trung vào việc xử lý các vi phạm mà còn coi trọng việc tuyên truyền về tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn thực phẩm và kinh doanh đúng quy định", ông Hùng cho biết.

Từ nay đến cuối năm là thời điểm các đối tượng lợi dụng nhu cầu mua sắm tăng cao để tuồn hàng giả, hàng kém chất lượng ra thị trường. Nhằm góp phần ổn định tình hình thị trường hàng hóa lưu thông trên địa bàn Thành phố, phục vụ nhu cầu mua sắm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Thủ đô dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025, trong những tháng cuối năm 2024, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục ban hành kế hoạch và văn bản chỉ đạo cụ thể triển khai đợt cao điểm, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân Ất Tỵ năm 2025.

Theo đó, sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng, các ngành trên địa bàn Thành phố, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu, vi phạm về chất lượng…; bảo đảm bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng gây khan hiếm, gián đoạn nguồn cung các mặt hàng thiết yếu; ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại.

Ngoài ra, tăng cường công tác giám sát, nắm bắt thông tin, truy tìm đường dây, ổ nhóm, kho bãi tập kết hàng hóa, để chào hàng, bán online, live stream qua mạng xã hội (Facebook, TikTok, YouTube…); các đầu mối vận chuyển hàng hóa qua các bưu cục, điểm trung chuyển hàng hóa, để xác định nguồn gốc cung cấp, chào bán.

Từ đó ngăn chặn có hiệu quả và từng bước kiểm soát hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển, lưu thông hàng hóa, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Thùy Linh

Top