Giải pháp nâng cao chất lượng xe buýt của Thủ đô

21/11/2023 4:31 PM

(Chinhphu.vn) - Với việc hạ tầng không theo kịp sự phát triển của xe cá nhân, ùn tắc giao thông tại Thủ đô ngày càng gia tăng, do đó, thành phố Hà Nội không có cách nào giải bài toán này ngoài việc phát triển giao thông công cộng, trong đó có việc phát triển mạng lưới xe buýt Thủ đô.

Giải pháp nâng cao chất lượng xe buýt của Thủ đô- Ảnh 1.

Xe buýt luôn là loại hình phương tiện vận tải hành khách công cộng có giá rẻ nhất, phổ biến nhất của Hà Nội. Ảnh: VGP/HL

Xe buýt là phương tiện công cộng phổ biến

Nhiều thập kỷ qua, xe buýt vẫn luôn là loại hình phương tiện vận tải hành khách công cộng có lịch sử gắn bó lâu dài ở Thủ đô, có giá rẻ nhất, phổ biến nhất của Hà Nội. Vai trò của xe buýt vẫn không thể thay thế. Từng là phương tiện chủ yếu phục vụ học sinh, sinh viên và người lớn tuổi, đến nay một bộ phận dân công sở, văn phòng đã sử dụng xe buýt để đi làm. Điều này cho thấy hình ảnh xe buýt, chất lượng xe buýt đang dần tốt lên.

Ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho hay, hiện nay mạng lưới vận tải công cộng thủ đô Hà Nội có 154 tuyến buýt, trong đó 130 tuyến trợ giá. Sản lượng 9 tháng đầu năm ước đạt được trên 350 triệu lượt khách tăng 58,9% so với cùng kỳ, đáp ứng tỉ lệ 19,5% so với nhu cầu.

"Chúng ta trải qua ba năm COVID-19 rất thách thức khó khăn, trong đó có lúc vận tải khách công cộng phải dừng hoạt động 82 ngày. Đó là một thử thách đưa bao giờ có. Hiện tại so với kỳ vọng còn nhiều khó khăn tuy nhiên, chúng tôi rất nỗ lực để thực hiện tối đa nhất có thể cùng với sự đồng hành của doanh nghiệp để nâng cao vận tải khách công cộng", ông Phương nói.

Thời gian qua, các đơn vị đảm trách cung cấp dịch vụ xe buýt của thành phố đã có nhiều nỗ lực đầu tư đổi mới phương tiện. Hiện nay, Hà Nội có trên 2.000 xe buýt, có thời gian sử dụng trung bình khoảng 3,5 năm. Trong khi đó, quy định về niên hạn phương tiện của Hà Nội là không quá 20 năm.

Như vậy, đoàn phương tiện của Hà Nội có chất lượng tốt. Trong đó, 13% phương tiện sử dụng nhiên liệu "xanh". Hà Nội là một trong những thành phố đầu tiên của Đông Nam Á sử dụng phương tiện "xanh" (buýt điện), sử dụng nền tảng ứng dụng miễn phí hỗ trợ cho người đi xe buýt (busmap), camera... Chất lượng vận tải hành khách công cộng nói chung và xe buýt nói riêng của Hà Nội đứng đầu cả nước.

Đánh giá về bức tranh của xe buýt Hà Nội, PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ giao thông Vận tải cho rằng, những năm qua, vận tải hành khách công cộng trong đó có xe buýt đã hoạt động nền nếp hơn, từ số lượng tuyến, phương tiện, người sử dụng, tần suất hoạt động đến dịch vụ mà các doanh nghiệp xe buýt cung cấp.

Tuy nhiên, hiện nhu cầu đi lại của người dân tại Hà Nội rất cao trong khi hạ tầng giao thông còn hạn chế. Áp lực ùn tắc giao thông đang là cản trở sự phát triển kinh tế của Thủ đô cũng như trở thành bức xúc của người dân.

Với các đô thị lớn như Hà Nội, không có cách nào giải bài toán này ngoài việc phát triển giao thông công cộng, trong đó có xe buýt.

Cần quan tâm đầu tư giao thông công cộng

Các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, để người dân thay đổi thói quen đi lại, ưu tiên chọn vận tải khách công cộng thay vì phương tiện cá nhân gây ô nhiễm và ùn tắc, bên cạnh các chính sách hạn chế phương tiện cá nhân, chính quyền Hà Nội cần quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho mạng lưới xe buýt nội đô.

Thành phố Hà Nội đang đặt mục tiêu đến năm 2025, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30 - 35% nhu cầu đi lại của người dân. Ý kiến các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp vận hành buýt đánh giá, đây là một mục tiêu đầy thách thức.

Ông Nghiêm Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, số lượng người dân đi buýt còn quá nhỏ so với gần 10 triệu người dân ở Hà Nội. Người dân không ghét phương tiện công cộng, nhưng chưa đủ thỏa đáng để họ lựa chọn thay cho sử dụng phương tiện cá nhân đi lại hằng ngày.

Chia sẻ về các giải pháp ưu tiên trong thời gian tới, theo ông Nghiêm Quốc Thắng, giải pháp đầu tiên là dành đường ưu tiên cho xe buýt. Trong đó có đoạn từ Ngã Tư Sở vào Hà Đông khoảng 5-6km. Những chỗ nào đường mặt cắt ngang trên 9m thì mạnh dạn mở đường dành riêng. "Theo tôi, chúng ta không cần mở toàn tuyến, chỗ nào hợp lý đủ đường thì chúng ta mở. Việc dành đường ưu tiên như vậy có nhiều lợi ích, không chỉ dành cho xe buýt mà còn nhiều phương tiện khác như xe cứu thương, xe chữa cháy", ông Thắng nói.

Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến thu nhập, đãi ngộ của người lái xe. Chúng ta đều nói người lái xe rất quan trọng, đảm bảo an toàn cho hàng chục người dân trên xe nhưng lại chưa có thu nhập xứng đáng…

Đề cập tới các giải pháp thu hút người dân sử dụng vận tải công cộng, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, đơn vị đang trình Thành phố đề án sắp xếp các điểm dừng đỗ; tái cấu trúc mạng lưới, đưa thêm các loại hình vận tải công cộng khác như xe buýt nhỏ vào hoạt động; thí điểm xe đạp công cộng và ứng dụng công nghệ tạo tiện dụng trong chuyển tuyến; chính sách vé liên thông, vé điện tử…

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội đã có báo cáo bước 1 lên các cơ quan chức năng của Thành phố để điều chỉnh 71 tuyến, nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ hành khách, nâng cao hiệu quả trợ giá. Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội đang chờ Thành phố chấp thuận và sẽ triển khai từng bước từ tháng 1/2024.

Về thẻ vé, dự kiến từ ngày 24/11, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội thí điểm thẻ vé liên thông, thẻ vé liên tuyến với 24 tuyến, từ đó cơ quan quản lý sẽ nắm được sản lượng chính xác từng tuyến và có biện pháp can thiệp chính sách tốt hơn.

Cũng theo ông Thái Hồ Phương, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ nhằm tăng tiện ích của người sử dụng dịch vụ vận tải công cộng.

Ngoài ra, ông Thái Hồ Phương cũng cho rằng, sự chưa hài lòng của hành khách đa số liên quan đến chất lượng thái độ phục vụ của lái xe, nhân viên bán vé.

"Chúng tôi đang rà soát tổng thể mạng lưới tuyến, sắp tới sẽ điều chỉnh dịch vụ, lộ trình, tần suất biểu đồ 71 tuyến để nâng chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, ở thái độ phục vụ của lái xe, nhân viên bán vé hiện đơn vị chưa có đủ nguồn lực, thông tin hàng ngày. Do đó, rất cần sự giám sát của người dân, báo chí để làm thước đo xử phạt vi phạm hợp đồng, thước đo cho sự hài lòng của hành khách", ông Thái Hồ Phương chia sẻ.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Nhật, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus cho rằng, những mong muốn có đạt được không còn phụ thuộc vào các bên và vai trò lớn là của Nhà nước. Muốn xe buýt đi nhanh hơn, dịch vụ hấp dẫn hơn cần những ưu tiên về cơ chế chính sách như trợ giá... Đó là điều doanh nghiệp không tự chủ được.

Theo ông Nhật, góc độ thứ hai là vai trò của doanh nghiệp. Cơ chế chính sách không thể chạy nhanh được theo các yêu cầu của đời sống. Do đó, doanh nghiệp phải xác định nỗ lực trong khi chờ những chính sách ưu tiên, nhất là nỗ lực trong việc tăng chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, muốn đạt được mục tiêu này cần sự đồng hành của cộng đồng.

Diệu Anh

Top